Mang thai hộ có thể xem là hiện tượng không mới mẻ ở Trung Quốc. Cuộc tranh cãi xung quanh chuyện “đẻ thuê” cũng được khơi lên một lần nữa tại đất nước tỷ dân sau khi Trịnh Sáng vướng vào bê bối mang thai hộ, bỏ rơi con.
The Paper ghi nhận một số quan điểm phản đối kịch liệt hình thức mang thai hộ. Nhiều người không chấp nhận việc này bởi tử cung của phụ nữ bị đem ra làm công cụ sinh sản. Sinh mạng của đứa trẻ bị bán như hàng hóa, thậm chí quá công khai và tự do. Điều này theo họ là vi phạm nhân quyền.
Một số chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng bản chất của mang thai hộ thương mại là hình thức bóc lột sinh sản. Trong đó, người phụ nữ bị vật chất hóa, sức khỏe thể chất và tinh thần bị ảnh hưởng, khó bảo vệ quyền và lợi ích.
Ở cấp độ pháp lý, luật pháp, quy định hiện hành của Trung Quốc, nước này quy định các cơ sở y tế và nhân viên không được thực hiện bất kỳ hình thức mang thai hộ thương mại nào. Ở cấp độ đạo đức, mang thai hộ nhằm mục đích thương mại cũng rất khó để chấp nhận.
Mang thai hộ ở Trung Quốc trở thành vùng xám bởi nhu cầu nhiều nhưng bị cấm ở các cơ sở y tế. Đồ họa: Alyssa Kiefer. |
Mang thai hộ thương mại là gì?
Trong phỏng vấn với The Paper, tiến sĩ Zhang Di, người chuyên nghiên cứu về đạo đức của các công nghệ, chính sách y tế mới tại Trung Quốc, phân tích mang thai hộ là công nghệ hỗ trợ sinh sản, trong đó, kết hợp tinh trùng và trứng của nam và nữ. Hai yếu tố này được lấy ra khỏi cơ thể bố mẹ và đem đi nuôi cấy thành phôi rồi thụ tinh trong ống nghiệm. Cuối cùng, nó được cấy vào tử cung phụ nữ khác để mang thai hộ.
Theo ông Zhang, chúng ta cần phân biệt rõ mang thai hộ vì mục đích vị tha và mục đích thương mại. Bởi nhiều trường hợp nhận mang thai thuê để nhận tiền với con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, không ít người mẹ mang thai hộ vì mục đích nhân văn, giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có con. Trong trường hợp này, bên ủy thác cần hỗ trợ tài chính cho bà mẹ trong suốt thai kỳ để họ có đủ kinh phí trang trải cuộc sống, do phải nghỉ việc để sinh con.
“Đây là sự bù đắp hợp lý cho những bất tiện mà bà mẹ gặp phải khi giúp đỡ người khác sinh con. Về bản chất, nó không thể xem là vì mục đích thương mại. Nhưng ranh giới giữa 2 loại này rất mong manh bởi chỉ cần số tiền có điểm bất thường, nó sẽ mất đi bản chất nhân văn ban đầu”, ông Zhang nói thêm.
Mang thai hộ bị phản đối tại Trung Quốc bởi nhiều người cho rằng nó vi phạm nhân quyền và tính nhân văn. Ảnh: Healthline. |
Nhiều người phản đối mang thai hộ
Làn sóng phản đối và chỉ trích những người mang thai hộ đang dấy lên mạnh mẽ tại Trung Quốc. Yang Tongdan, Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Luật Đời sống và Sức khỏe Cộng đồng, Hiệp hội Luật pháp Thượng Hải, phân tích hiện tượng này xuất phát từ những biến tướng, ảnh hưởng xấu của mang thai hộ vì mục đích thương mại. Vị chuyên gia này cũng cho hay mang thai hộ là việc làm khó chấp nhận trong đạo đức, thang giá trị của người Trung Quốc.
Bởi trên thực tế, với nhiều người, mang thai hộ là hình thức sử dụng phụ nữ, trẻ em như một công cụ để đáp ứng nhu cầu cá nhân, vật chất của ai đó. Là nhóm người dễ bị tổn thương, những người được thuê để mang thai khó đảm bảo tính mạng, quyền sức khỏe và lợi ích kinh tế. Hơn nữa, không ít người bày tỏ quan điểm hành vi này làm suy giảm phẩm giá của con người và không được xã hội cho phép.
Theo ông Yang, phần lớn lợi ích kinh tế mà bà mẹ nhận đẻ thuê đều bị công ty môi giới lấy đi, thu nhập họ nhận lại chỉ rất ít ỏi. Hơn nữa, các bà mẹ mang thai hộ cũng phải đối mặt rủi ro về sức khỏe khi có bầu và sinh nở, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, dựa trên địa vị xã hội và kinh tế của bà mẹ, mang thai hộ thương mại về bản chất là một hình thức bóc lột sinh sản.
Mặt khác, việc mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người mẹ. Một người mẹ khi mang thai, sau 10 tháng, đã thiết lập mối quan hệ tình cảm nhất định với trẻ. Tuy nhiên, sau đó, họ sẽ không được quyền thăm nom đứa trẻ mà mình đã sinh ra.
Theo ông Zhang Di, trong xã hội và văn hóa Trung Quốc, nhiều người tin rằng mối quan hệ tình cảm giữa mẹ - con rất quan trọng. Nó được nuôi dưỡng trong quá trình mang thai, sinh nở và chăm sóc sau này.
Hiện nay, theo quy định “Các biện pháp quản lý với công nghệ sinh sản có sự hỗ trợ của con người” do Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế Quốc gia Trung Quốc ban hành năm 2001, các hành vi mua bán phôi, trứng, tinh trùng bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức. Các cơ sở y tế và nhân viên y tế cũng không được thực hiện công nghệ mang thai hộ.
Tuy nhiên, kẽ hở trong quy định đó là không có biện pháp triệt để trừng phạt những cơ sở tư nhân môi giới mang thai hộ. Chính vì thế, nhiều cơ sở vẫn hoạt động, thậm chí thu lợi nhuận khổng lồ.