Ưu điểm của gương mờ
Khi lái xe vào buổi tối, khả năng quan sát của người lái thường giảm đi, do đó gương mờ thực sự là một "trợ thủ" đắc lực cho mọi tài xế.
Đèn pha của các phương tiện khác trên đường khiến tầm nhìn của lái xe bị giới hạn. |
Hiệu ứng mờ Troxler
Gương mờ được sinh ra để chống lại hiệu ứng mờ Troxler. Hiện tượng này xuất hiện khi bạn cố gắng tập trung tầm nhìn vào một điểm duy nhất trong không gian trong hơn 20 giây. Làm như vậy, sự kích thích bên ngoài tầm nhìn sẽ mờ đi.
Đối với các lái xe, hiệu ứng mờ Troxler xuất hiện khi vật quan sát ra khỏi tầm nhìn. Các tài xế lái xe ban đêm trên những cung đường tối hiểu rõ ánh sáng từ những chiếc xe tiến đến gần không phải là vấn đề lớn nhất đối với họ. Chỉ sau khi ánh sáng đó biến mất, họ mới gặp rắc rối.
Hiệu ứng mờ Troxler xuất hiện khi bạn cố gắng tập trung tầm nhìn vào một điểm duy nhất trong không gian trong hơn 20 giây. |
Theo các nghiên cứu được tiến hành với mục đích tìm ra hiệu ứng ánh sáng chói đối với mắt của các tài xế, hiệu ứng Troxler tăng phản ứng lái lên 1,4 giây. Có nghĩa là khi di chuyển ở tốc độ 100 km/giờ, mắt con người có thể nhìn và phản ứng với các chướng ngại vật cách xa 38m. Đây chính là quãng đường các tài xế không bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng mờ Troxler hay nói cách khác là 38m lái mù.
Bản chất của gương mờ
Gương mờ là một loại kính có nhiều đặc tính thú vị. Gương mờ được gọi theo nhiều cách khác khau, phụ thuộc vào người chế tạo và cách chế tạo: gương thông minh, gương SPD, gương màu, gương tinh thể lỏng, gương hướng nhiệt, gương đổi màu… Đặc tính quan trọng nhất của gương mờ là khả năng biến đổi từ trong sang màu, từ màu sang mờ khi tiếp xúc với ánh sáng. Trong ngành công nghiệp xe hơi, công nghệ dùng để sản xuất gương mờ được gọi là đổi màu điện học.
Nhờ thiết bị cảm biến tích hợp bên trong, gương mờ sẽ thay đổi độ trong, mờ khi cường độ ánh sáng thay đổi. |
Nguyên tắc hoạt động
Để phát huy tác dụng của gương mờ, cần phải có một thiết bị dùng để xác định thời gian hoạt động. Gương mờ sử dụng trong ngành công nghiệp xe hơi được đi kèm với thiết bị cảm biến có chức năng phát hiện cường độ ánh sáng. Thông thường, có hai loại cảm biến: một ở đằng trước và một ở đằng sau. Thiết bị cảm biến và điện tử phía trước điều chỉnh độ mờ của cả gương trong lẫn gương ngoài.
Khi được kích hoạt, thiết bị cảm biến sẽ liên tục dò tìm vùng ánh sáng cường độ thấp bao quanh. Ánh sáng yếu giúp thiết bị cảm biến nhận biết trời tối. Sau đó, chúng bắt đầu tìm kiếm nguồn ánh sáng chói làm giảm tầm nhìn của bạn.
Khi phát hiện ra sự thay đổi trong cường độ ánh sáng, cảm biến sẽ tạo ra điện tích truyền tới gương thông qua một bộ nguồn điện áp thấp. Dòng điện chạy xuyên qua một lớp gel đổi màu nằm giữa hai tấm gương tráng dẫn điện. Nhờ đó, gương sẽ mờ dần đi theo cường độ ánh sáng. Khi không còn ánh sáng chói, thiết bị cảm biến trở về trạng thái bình thường.
Lịch sử
Hãng phát minh ra gương đổi màu điện là một công ty đặt trụ sở tại Michigan mang tên Gentex. Gentex giới thiệu sản phẩm gương chiếu hậu mờ đầu tiên vào năm 1982 nhưng phải đến năm 1987 công nghệ gương điện mờ mới chính thức ra đời. Vào thời điểm đó, gương mờ chỉ được sử dụng bên trong xe. Đến năm 1991, công nghệ gương mờ bên ngoài mới được phát triển.
Minh Tuyết
Theo Bưu điện Việt Nam