Đại nhạc hội Coachella trở thành sự kiện quen thuộc với giới trẻ. Ảnh: Watchara Phomicinda/SCNG. |
Mary Carreón, cây viết của Insider, bắt đầu hứng thú với lễ hội Coachella từ khi còn là một thiếu niên.
Với cô, không có gì tuyệt hơn khi được hòa mình vào âm nhạc bùng nổ, ánh đèn rực rỡ, làm quen bạn mới và sự đoàn kết vô hình giữa những người xa lạ khi giọng hát của ca sĩ yêu thích cất lên.
Mary nhớ lần đầu tiên cô tham dự Coachella là vào năm 2009, khi cô tròn 19 tuổi. Thời điểm đó, vé cứng là cách duy nhất để vào lễ hội.
Sau khi tận hưởng tiết mục của The Chemical Brothers trong lều Sahara với anh chàng mà cô hy vọng sẽ trở thành bạn trai mình, Mary hoàn toàn đắm chìm trong không khí cuồng nhiệt.
Kể từ đó, cô đã tham dự Coachella 14 lần, đôi khi được miễn phí nhờ tính chất công việc.
Tuy nhiên, hiện tại, Mary cảm thấy sức hấp dẫn của sự kiện âm nhạc đắt đỏ nhất thế giới đã bị che mờ bởi sự độc hại của văn hóa influencer (tạm dịch: người có ảnh hưởng).
Ưu tiên KOL
Khi trở lại lễ hội này vào năm 2016, Mary thẳng thắn nhận xét: “Coachella không còn như trước”.
“Phần nào đó trong suy nghĩ của tôi vẫn biết rằng Coachella là một cỗ máy ‘pop culture’ được tuyển chọn bởi giới trẻ. Có thể tôi là người đã thay đổi hoặc già đi”, cô chia sẻ.
Lần đầu Mary nhận thấy điều này là khi chương trình mở cửa muộn cho những người tham dự vì chiến dịch #EmptyCoachella. Theo đó, một nhóm KOL sẽ có quyền vào cửa sớm hơn để check-in và tiết lộ những gì xảy ra bên trong lên Instagram nhằm tạo ra "nỗi sợ bị bỏ lỡ".
Việc các nhãn hàng tham gia quá nhiều và sự ưu ái đặc biệt dành cho KOL khiến Coachella bị chỉ trích. Ảnh: Event Marketer. |
Điều này cũng nhằm mục đích tiếp cận khán giả ở nhà, những người háo hức đón lễ hội một cách gián tiếp thông qua các đoạn video, hình ảnh của KOL.
“Đối tượng mục tiêu không hướng đến những thanh niên 26 tuổi như tôi đang xếp hàng chờ ở ngoài. Tôi cảm thấy không công bằng khi Coachella đang trở thành sân chơi cho các influencer, chứ không phải nhóm người đam mê âm nhạc thuần túy”, Mary nói thêm.
Khi về nhà, cô gái tiếp tục suy nghĩ về mối quan hệ giữa Coachella, mạng xã hội và văn hóa đại chúng rộng lớn hơn, cũng như cách KOL thống trị trong những sự kiện như thế này.
Theo Mary, trong vài năm gần đây, Coachella giống như một cuộc đua của giới truyền thông chứ không phải là lễ hội âm nhạc đơn thuần.
Cứ cách vài bước chân, cô lại thấy những người nổi tiếng trên Instagram khoe "bộ cánh" mà họ được trả tiền để mặc chúng hoặc một số chiếc lều tràn ngập thương hiệu đang cố gắng bán các sản phẩm mới nhất của họ.
Sự kiện âm nhạc đắt đỏ
Khi bước sang tuổi 20, Mary nhận ra sự hứng thú ban đầu của cô dành cho Coachella ngày càng giảm xuống.
“Tôi có thể so sánh nó có vài điểm tương đồng với một số người yêu cũ độc hại. Từ đầu tháng 3/2023, mọi người đã hỏi tôi năm nay có tham gia không. Điều đó khiến tôi khá phân vân vì nhóm nhạc yêu thích của tôi - The Chemical Brothers - cũng sẽ diễn”, Mary bày tỏ.
Mary thừa nhận cô phản đối việc Coachella trở thành một công cụ tiếp thị phô trương nhưng cũng không phủ nhận sự thành công của lễ hội này khi tạo nên ký ức đẹp cho nhiều người hâm mộ lâu năm.
Còn với Melissa Curtin (sống tại Mỹ), nhà văn viết về du lịch và ẩm thực, người đã đi Coachella 5 lần, cho hay cô sẽ không tham dự năm nay. Thay vào đó, Melissa sẽ dành thời gian tận hưởng những bữa tiệc được tổ chức gần đó với giá rẻ hơn.
Theo cô, với những người mới đến Coachella lần đầu, lễ hội âm nhạc này không khác gì một cơn ác mộng.
Ngoài vấn đề di chuyển và giao thông tắc nghẽn trước lối ra vào, việc xem nhiều ban nhạc, nghệ sĩ trình diễn trải dài khắp các sân khấu của Empire Polo Club (bang California) đòi hỏi khán giả phải có đủ năng lượng, cũng như sức chịu đựng.
Khung cảnh chật kín người tại các sân khấu của Coachella. Ảnh: CNN. |
“Tôi không chắc mình đủ khả năng để đứng hàng giờ hoặc chạy từ sân khấu này sang chỗ tiếp theo để không bỏ lỡ những mục yêu thích. Xếp hàng để mua thức ăn và sử dụng nhà vệ sinh cũng là trải nghiệm kinh khủng”, Melissa mô tả.
Cô cho rằng thật khó để người tham gia có khoảng thời gian thú vị tại Coachella nếu không có vé VIP đắt đỏ, có thể lên tới 1.000 USD.
“Năm nay, tôi dự định bỏ qua lễ hội này trừ khi nhận được vé VIP miễn phí hoặc thẻ khách mời. Tôi nghĩ trải nghiệm tại Coachella sẽ thực sự xứng đáng với số tiền bỏ ra nếu bạn có sức lực để xem nhiều ban nhạc trong thời gian ngắn”, cô nói.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.