Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Vẫn không thể vượt qua cú sốc vì đề Toán, Tiếng Anh khó

Dù đã kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, một số thí sinh vẫn chưa thể vượt qua cú sốc vì đề thi khó và bắt đầu lo lắng nguy cơ khó vào đại học.

Đã vài ngày trôi qua, Hà Phương, học sinh lớp 12 tại Hà Tĩnh, vẫn bàng hoàng khi phải trải qua bài thi môn Tiếng Anh “khó bậc nhất” trong lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đối với nữ sinh, đây là trải nghiệm ám ảnh nhất trong suốt 12 năm đèn sách.

Vốn có thành tích khá tốt khi học tiếng Anh ở trường, trước kỳ thi, Phương không quá lo lắng với môn Tiếng Anh. Nhưng khi vào phòng thi, đọc 4 trang đề kín đặc chữ, nữ sinh hoảng hồn. Chưa bao giờ em nghĩ bản thân sẽ phải đối mặt với đề thi khó như vậy.

Bất an vì chọn tổ hợp có Toán, Tiếng Anh

Không riêng Tiếng Anh, môn Toán cũng gây khó dễ đối với thí sinh lựa chọn tổ hợp môn Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh để xét tuyển như Phương. Khởi đầu kỳ thi tốt nghiệp khá thuận lợi với đề Văn gần gũi, thời sự, nhưng nữ sinh lại gặp trắc trở vì đề thi Toán và Tiếng Anh khó hơn rất nhiều so với các môn thi khác. Do đó, sau kỳ thi, chưa kịp nghỉ ngơi, Phương lại bắt đầu tính toán lại kế hoạch đăng ký xét tuyển đại học.

Do không có IELTS hay giải học sinh giỏi để xét tuyển thẳng, điểm thi đánh giá năng lực cũng không phải ở mức quá xuất sắc, Phương quyết định “đánh cược” vào điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Thế nhưng, “ván cược” chưa kịp đi đến hồi kết, nữ sinh đã vội tìm hướng đi khác vì sợ điểm thi không đủ cao để xét tuyển vào ngành học yêu thích tại một trường đại học tốp đầu.

Những ngày này, Phương bắt đầu tham khảo ý kiến của giáo viên, chị gái và dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại các trường đại học. Vốn chỉ đặt nguyện vọng vào trường yêu thích, nay Phương lại phải tính đến chuyện nộp hồ sơ vào các trường “ít hot” hơn. Em cho rằng phương án này sẽ an toàn hơn một chút, nhất là khi điểm thi chưa có gì đảm bảo như hiện tại.

“Chị gái đã liệt kê cho em một số phương án mới, đồng thời nhắc nhở em chọn ngành, không chọn trường. Em cũng bắt đầu cân nhắc các nguyện vọng, hy vọng điểm thi không quá tệ để em vẫn còn cơ hội vào trường em muốn”, Hà Phương chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Giống như Hà Phương, Minh Nhật, học sinh tại Đồng Nai, cũng bắt đầu tham khảo thông tin tuyển sinh của một số trường đại học tốp giữa. Dù đã có phương án dự phòng, Nhật vẫn sợ những thí sinh đăng ký bằng tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) sẽ thiệt thòi hơn vì đề Toán và Tiếng Anh năm nay khó, trong khi những môn tự chọn khác lại khá dễ thở.

Những ngày này, khi lướt mạng xã hội, thấy các thí sinh chọn tổ hợp D01 và A01 đề xuất xét tuyển và áp dụng mức điểm chuẩn riêng cho từng khối thi, Minh Nhật cũng thầm mong điều này thành sự thật, dù biết phần trăm là rất thấp.

“Em thấy thí sinh A01 và D01 năm nay khó khăn quá, em mong các trường sẽ có phương án thỏa đáng để các thí sinh đều có cơ hội trúng tuyển đúng với năng lực của mình”, Minh Nhật nói.

Điểm chuẩn có thể giảm

Hiểu rõ tâm lý lo lắng, bất an của thí sinh, ThS Trần Ngọc Hữu Phước, giáo viên Tiếng Anh trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), nói rằng lo lắng là điều hoàn toàn dễ hiểu, nhất là trong thời điểm chờ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Dù vậy, thầy giáo nhấn mạnh kết quả của một kỳ thi không thể quyết định toàn bộ tương lai của thí sinh.

Theo thầy Phước, điểm thi chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể của quá trình tuyển sinh. Khi có kết quả, học sinh cần căn cứ vào phổ điểm chung, điểm chuẩn những năm trước và năng lực thực tế để điều chỉnh nguyện vọng hợp lý. Các bạn không nên chăm chăm vào những trường hay ngành “hot” mà bỏ qua yếu tố phù hợp với bản thân.

“Hãy linh hoạt, các bạn có thể giữ lại một vài nguyện vọng cao, nhưng nên bổ sung thêm những lựa chọn an toàn hơn để đảm bảo cơ hội trúng tuyển”, thầy nhấn mạnh.

Cũng nhìn nhận vấn đề này, ThS Hà Minh Sơn, giáo viên môn Toán tại trường THPT Bùi Thị Xuân, chỉ ra thực tế một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn chỉ trông chờ duy nhất vào kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển, dẫn đến tâm lý lo lắng nếu đề thi khó. Trong bối cảnh đó, thầy Sơn nhắn nhủ các học sinh cần giữ vững tinh thần và có sự chuẩn bị chủ động trong giai đoạn chờ điểm và điều chỉnh nguyện vọng.

“Việc kỳ vọng rồi lo lắng là điều rất tự nhiên. Là người làm giáo dục và cũng từng là học sinh, tôi rất hiểu cảm giác này. Nhưng kỳ thi đã kết thúc, lo lắng lúc này không còn mang lại ích lợi gì, thậm chí còn khiến các em thêm mệt mỏi”, thầy nói.

Đánh giá thêm về đề thi Toán tốt nghiệp THPT năm 2025, thầy Sơn cho rằng đề thi năm nay có mức độ khó cao, đặc biệt ở các câu hỏi mang tính phân hóa, đòi hỏi khả năng vận dụng và giải quyết tình huống thực tế. Theo thầy, đây là hệ quả của việc đề thi phải cùng lúc phục vụ hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

“Nhiều học sinh sẽ gặp khó nếu không nắm chắc kiến thức nền tảng và chưa có quá trình ôn tập kỹ lưỡng. Điều này chắc chắn sẽ khiến điểm trung bình môn Toán giảm từ 1-2 điểm so với năm 2024”, thầy nhận định.

Thầy Sơn cũng dự đoán phổ điểm dự kiến dao động nhiều trong khoảng 5-7 điểm, số lượng bài thi đạt từ 8 trở lên sẽ không nhiều và điểm tuyệt đối sẽ rất hiếm. Điều này khiến các tổ hợp có môn Toán như A00, A01, D01 trở nên cạnh tranh gay gắt hơn ở nhóm điểm từ 27 trở lên, giúp các trường top trên dễ phân loại học sinh giỏi và xuất sắc. Nhóm điểm từ 18-26 sẽ phổ biến, kéo theo điểm chuẩn xét tuyển của các trường còn lại cũng sẽ giảm nhẹ so với năm học trước.

diem thi tot nghiep 2025 anh 5

Giáo viên dự đoán điểm chuẩn ở các khối xét tuyển có môn Toán, Tiếng Anh sẽ giảm. Ảnh: Phương Lâm.

Không nên lo lắng quá mức

Từ những phân tích trên, thầy Sơn khuyên học sinh nên cho bản thân thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tham gia các hoạt động yêu thích để hồi phục thể chất và tinh thần sau thời gian dài ôn thi căng thẳng.

“Một kết quả thi không quyết định toàn bộ tương lai. Quan trọng hơn là giữ được sự kiên trì, tinh thần học hỏi và lòng đam mê. Nếu một cánh cửa không mở, vẫn sẽ có những cánh cửa khác chờ đón các em phía trước. Đôi khi chiếc bình vỡ lại tạo nên một tuyệt tác”, thầy giáo nói.

Ngoài ra, trong thời gian rảnh, ThS Sơn cũng khuyên thí sinh nên chủ động tìm hiểu thêm thông tin tuyển sinh từ các trường đại học, nhất là về chỉ tiêu, phương thức xét tuyển, mức điểm sàn để có sự điều chỉnh nguyện vọng phù hợp ngay sau khi biết điểm.

ThS Trần Ngọc Hữu Phước cũng đưa ra lời khuyên tương tự. Ông nhắc nhở học sinh không nên bỏ qua các phương thức xét tuyển khác ngoài điểm thi tốt nghiệp. Hiện nay, nhiều trường đại học sử dụng thêm các hình thức như xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc điểm thi đánh giá năng lực. Nếu cảm thấy điểm thi không như kỳ vọng, các em hoàn toàn có thể cân nhắc thêm những phương án này, miễn là theo dõi sát và đảm bảo nộp hồ sơ đúng hạn.

Trong thời gian chờ điểm, thầy Phước khuyên học sinh giữ tinh thần tích cực và hướng về phía trước với sự chủ động và tỉnh táo. “Cơ hội không chỉ đến từ một cánh cửa duy nhất. Có thể cánh cửa này không mở, thì sẽ có một cánh cửa khác phù hợp hơn đang chờ các em”, thầy nói.

Bày tỏ thêm về công tác tuyển sinh, ThS Hà Minh Sơn kiến nghị Bộ GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với các trường đại học trong việc công bố rõ ràng, minh bạch chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh và truyền thông đầy đủ trên các kênh chính thức. Nếu nắm rõ thông tin từ đầu, thí sinh sẽ có định hướng tốt hơn, tránh tâm lý hoang mang khi thấy mình “yếu thế” so với các thí sinh xét học bạ hay đánh giá năng lực.

Bên cạnh đó, ông cho rằng việc thiết kế đề thi cũng cần được cân đối hợp lý giữa mục tiêu phân loại và đảm bảo phổ điểm ổn định để không tạo ra cú sốc lớn. Thầy giáo đồng thời nhấn mạnh vai trò của công tác hướng nghiệp từ sớm, bắt đầu từ lớp 10 hoặc 11, giúp học sinh xác định được ngành học, nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân, thay vì chạy theo xu hướng “trường hot, ngành hot” trong tâm thế bị động và thiếu chuẩn bị.

“Giảm áp lực tuyển sinh không chỉ nằm ở độ khó của đề thi, mà còn phụ thuộc vào cách hệ thống tạo ra những lựa chọn công bằng và rõ ràng cho tất cả học sinh”, thầy Sơn nói.

Thị trường lao động thay đổi chóng mặt, để tồn tại, con người cần học tập suốt đời. Trong bối cảnh đó, tạp chí Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả cuốn Học tập suốt đời của tác giả Michelle R.Weise.

Tác phẩm cung cấp cho độc giả những đánh giá về thị trường lao động tương lai, những giải pháp cho nhu cầu vừa học vừa làm đang ngày một tăng, cùng với đó là đưa ra những cách kết nối để quá trình chuyển đổi “học-làm” diễn ra thuận lợi hơn. Từ đó, tác giả nêu lên vai trò của việc học tập suốt đời.

Đề Tiếng Anh 'hay nhưng khó', thí sinh có IELTS 7.5 cũng hoang mang

Một số giáo viên nhận định đề thi Tiếng Anh hay nhưng khó. Với 50 phút, học sinh làm cẩn thận và nghiêm túc có thể thiếu thời gian vì lượng thông tin và ngôn ngữ nhiều, dài.

Thái An

Bạn có thể quan tâm