Nhân viên đang đề cao sự riêng tư khi làm việc hơn bao giờ hết, họ độc chiếm những không gian yên tĩnh. Ảnh minh họa: Framery. |
Khi David Witting nhận được yêu cầu chuẩn bị văn phòng để chào đón nhân viên quay lại sau đại dịch, anh đã đặt mua sofa, ghế, bàn cao cấp theo xu hướng.
Trong tưởng tượng của anh, văn phòng của agency quảng cáo tại Boston (bang Massachusetts, Mỹ) này sẽ thật rôm rả với những bàn luận sôi nổi của mọi người.
Nhưng thực tế, đồng nghiệp của Witting bỏ qua những nội thất mới đó và tập trung vào các khu vực riêng rải rác trong văn phòng.
Kể từ đó, Witting loại bỏ một số nội thất không cần thiết và tập trung bổ sung thêm nhiều những chiếc bàn riêng tư hơn.
“Thỉnh thoảng mọi người sẽ tụ họp để tham gia những cuộc họp lớn. Phần lớn thời gian còn lại, họ muốn có một không gian yên tĩnh, riêng tư để thực hiện các cuộc họp online. Thật kỳ lạ", Witting cho biết.
Văn phòng trong tưởng tượng của David Witting đã thay đổi hoàn toàn. Giờ đây, mọi người đề cao sự riêng tư hơn. Ảnh minh họa: Helena Lopes/Pexels. |
Những văn phòng buồn tẻ
Kể từ sau đại dịch, một số nơi làm việc đang trở nên yên tĩnh và kỳ quặc hơn bao giờ hết, theo The Wall Street Journal.
Nhân viên quay trở lại chỉ để ngồi trong những phòng họp vắng hoặc những căn phòng cách âm. Một số đồng nghiệp than phiền về việc có người chiếm đóng các góc riêng và các công ty bắt đầu phải áp đặt giới hạn thời gian sử dụng chúng.
Các "office pod" (hộp văn phòng), với hình thù trông như những bốt điện thoại cũ, đã trở thành một trong những phân khúc hấp dẫn nhất trong ngành nội thất văn phòng trị giá 24 tỷ USD ở khu vực Bắc Mỹ.
Các nhà sản xuất như Room, Nook và Framery cho biết hoạt động kinh doanh đang rất phát triển.
Nhưng theo một số nhân viên và quản lý, nhiều hộp văn phòng hơn đồng nghĩa với việc văn phòng không còn những lời buôn chuyện, tám nhảm hay nói xấu. Tình đoàn kết và không khí náo nhiệt ở chốn công sở cũng giảm nhiều.
"Quả là kỳ lạ", William Blaze, một nhà tuyển dụng và tư vấn công nghệ, đề cập đến chuyện đồng nghiệp thường chiếm giữ các gian phòng nhỏ và riêng tư trong phần lớn thời gian làm việc của họ.
Ông quan sát hiện tượng này khi làm việc tại các công ty công nghệ từ năm 2021 đến 2023. Điều này cũng xảy ra tại một văn phòng ở Manhattan (New York, Mỹ) của khách hàng do Blaze phụ trách, nơi ông đang làm việc 2 ngày/tuần tại công ty.
“Có vẻ như mục tiêu đưa nhân viên trở lại văn phòng để tạo nên không khí và sự kết nối đã thất bại”, Blaze nói thêm.
Những văn phòng rộn ràng, dễ dàng buôn chuyện, nghe lén đã không còn là nơi làm việc lý tưởng. Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels. |
Ai rồi cũng tìm chốn riêng tư
Janet Pogue McLaurin, Giám đốc nghiên cứu về nơi làm việc toàn cầu tại công ty kiến trúc và thiết kế Gensler, cho biết quyền riêng tư tại nơi làm việc đang là yếu tố quan trọng hơn cả.
Nhiều khách hàng của công ty, bao gồm các công ty lớn như Amazon, đã tăng gấp đôi số lượng khu vực riêng tư, hoặc bàn làm việc riêng kể từ đại dịch.
Nhu cầu về quyền riêng tư đã khiến các kiến trúc sư và chủ văn phòng vội vã chỉnh sửa, bố trí lại không gian làm việc. Các văn phòng kiểu mở, thường là nỗi ám ảnh của nhân viên, hiện được bố trí bằng các gian phòng và khu vực riêng tư với thông điệp "Đừng làm phiền”.
Jamie Hodari, Giám đốc điều hành của công ty hợp tác toàn cầu Industrious, cho biết một số nhân viên đang độc chiếm các khu vực riêng tư tại văn phòng.
“Chúng tôi thấy nhiều người nán lại nhiều giờ sau cuộc gọi điện thoại hoặc cuộc họp online vì họ muốn có một chút không gian cho bản thân”, cô nói thêm.
Ai cũng thích có một chỗ riêng tư trên văn phòng, dù họ đến công ty chỉ 2-3 lần/tuần. Ảnh minh họa: Capital Office. |
Về phía nhân sự, những người có khuynh hướng thích ngồi trong "hộp văn phòng" cho biết cảm thấy khó tập trung giữa tiếng ồn.
Matthew Allen, CEO công ty công nghệ CrowdComms có trụ sở tại Anh, đã quen với chuyện làm việc trong sự im lặng gần như tuyệt đối tại văn phòng hồi đại dịch.
Khi đồng nghiệp trở lại, cuộc gọi điện thoại của họ, thậm chí ở âm lượng bình thường, cũng làm ông khó chịu đến mức phải "cố thủ" trong hộp cách âm.
Ban đầu, các gian phòng cách âm được tạo ra để phục vụ nhu cầu sử dụng của cả văn phòng, nhưng CEO có xu hướng độc chiếm nơi đó.
“Tôi biết rằng mình thật ích kỷ. Tôi thậm chí đã trang trí thêm cỏ 3 lá để bốt cách âm trông như một nơi của riêng mình", anh nói thêm.
Trên các trang mạng xã hội, các nhân viên văn phòng đang ăn mừng vì có các "hộp văn phòng" riêng. Ngay cả những người thích trò chuyện cũng đang tìm kiếm sự riêng tư ở đó. Một người dùng chia sẻ rằng cô đã tự khóa mình trong một căn phòng riêng tư tại văn phòng vì nói chuyện quá nhiều trong giờ làm việc.
Tìm điểm cân bằng
Tuy nhiên, một số người bày tỏ sự thất vọng về độ thông gió kém và kích thước nhỏ của các không gian riêng tư này, cũng như tính thẩm mỹ của chúng.
Kirsten Auclair, một nhà nghiên cứu y sinh ở San Francisco (Mỹ), rùng mình mỗi khi nhận cuộc gọi video online trong office pod.
"Ánh sáng tệ, tạo ra cái bóng đen thật kinh khủng. Trông tôi giống như đang đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết", cô nói. Nhưng Auclair vẫn dành thời gian trong chiếc hộp này để tìm kiếm sự yên tĩnh.
Những căn lều được thiết kế tại nơi làm việc để nhân viên có không gian riêng tư như ở nhà. Ảnh minh họa: Steelcase |
Các nhà sản xuất pod khẳng định sản phẩm của họ có thể cùng tồn tại với tính tập thể.
Glenn Bostock, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành SnapCab, cho biết những bức tường kính trong khoang làm việc của công ty ông mang lại cảm giác kết nối với đồng nghiệp.
“Họ có thể nhìn thấy bạn. Bạn có thể vẫy tay với họ. Chúng ta vẫn có thể tương tác với mọi người một cách trực quan nhưng bạn vẫn sẽ có được sự riêng tư cần thiết", ông nói.
Các sản phẩm khác cũng phải tìm kiếm điểm cân bằng giữa sự cô lập và cộng đồng.
Hãng sản xuất nội thất Steelcase cung cấp một cái lều bao quanh bàn làm việc nhằm đảm bảo "quyền riêng tư lãnh thổ" thay vì sự im lặng.
Nook, có trụ sở tại Anh, tạo ra các khu ẩn náu hình túp lều nhằm mang lại cảm giác an toàn tâm lý mà không hoàn toàn bị đóng kín.
David O’Coimin, người sáng lập Nook, cho biết một văn phòng chứa đầy bốt điện thoại “giống như bạn có một nhà tù thay vì có một nơi làm việc”.
Sid Meadows, Chủ tịch của nhà phân phối nội thất Thinkspace, cho biết các gian phòng được thiết kế để cho phép một mức độ âm thanh nhỏ bên ngoài lọt vào.
Ông cho rằng con người có xu hướng khao khát một số tiếng ồn xung quanh và đưa ra dẫn chứng bằng việc chỉ vào các video phổ biến trên YouTube về những cuộc trò chuyện xung quanh văn phòng.
Những khu vực riêng tư, cách âm với tiếng ồn giờ đây thành chỗ làm việc yêu thích của nhân viên. Ảnh minh họa: Hushoffice. |
Điều đó phù hợp với kết quả của một nghiên cứu do tiến sĩ Esther Sternberg, Giám đốc Viện Nơi làm việc, Sức khỏe và Hiệu suất của Đại học Arizona (Mỹ), thực hiện.
Cô và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng mọi người trở nên căng thẳng khi môi trường xung quanh họ quá yên tĩnh cũng như quá ồn ào. Âm lượng điển hình của tiếng chim hót, ở mức 45 decibel, có vẻ vừa phải.
Nick Fine, một nhà nghiên cứu trải nghiệm người dùng ở London (Anh), tự mô tả mình là một “nhân viên văn phòng điển hình trước đại dịch”, người thích sự huyên náo của một nơi làm việc bận rộn.
Nhưng nhân viên hybrid này hiện nay lại dành nhiều thời gian trong một phòng kín để làm việc mà không cần nghe lỏm cuộc trò chuyện của đồng nghiệp vào những ngày anh ấy ở văn phòng.
“Tôi mắc chứng ADHD và làm việc trong pods riêng khiến tôi phải tập trung cao độ”, Nick Fine cho biết thêm.
Farmer's Fridge, công ty cung cấp salad tươi cho máy bán hàng tự động, có 8 gian phòng riêng tư được làm bởi đơn vị Zenbooth và các phòng hội nghị trong văn phòng ở Chicago (Mỹ). Nơi này cung cấp khoảng 40 chỗ “ẩn náu" cho 85 nhân viên đang làm việc ở đó, tuy nhiên vẫn chưa đủ, ngay cả đối với CEO.
“Nhà tôi chỉ cách công ty 3 phút, nếu thực sự phải hoàn thành công việc, tôi sẽ chọn làm việc đó ở nhà”, Luke Saunders, người sáng lập công ty, nói.
Nick Fine dành nhiều thời gian trong một phòng kín để làm việc. Trước đó, anh từng là người thích sự sôi nổi của văn phòng. Ảnh: Nick Fine |
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.