Theo ghi nhận tại ĐH Sư phạm TP HCM, khá nhiều phụ huynh, thí sinh đến điều chỉnh nguyện vọng, rút hồ sơ. Đến nay, nhiều trường hợp thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển ở trường này để nộp sang trường khác nhưng không được vì tên vẫn còn trong danh sách.
Xin trường xóa tên khỏi danh sách
Bà Dương Thị Lan cùng con gái từ huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận vào TP HCM để hỏi về việc vì sao con bà đã rút hồ sơ nhưng nhà trường vẫn chưa xóa tên khỏi danh sách đăng ký.
“Đây là lần thứ ba trong gần nửa tháng, hai mẹ con tôi phải xuống Sài Gòn để đăng ký xét tuyển. Mỗi lần như vậy cũng mất gần cả triệu bạc. Ngày đầu tiên, hai mẹ con háo hức nộp hồ sơ, cứ tưởng chắc ăn nên thu xếp về quê. Được vài ngày, con tôi theo dõi danh sách cập nhật thấy tụt hạng, nên hai mẹ con lại vào trường để rút hồ sơ.
Cứ nghĩ rút xong sẽ nộp luôn vào trường khác, nhưng đến hôm qua vẫn chưa thấy trường xóa tên khỏi danh sách đăng ký. Ngày hết hạn nộp vào các trường sắp đến rồi nên hai mẹ con lại quyết định xuống Sài Gòn một lần nữa để xin trường xóa tên.
Khá nhiều thí sinh, phụ huynh đến rút hồ sơ tại ĐH Sư phạm TP HCM vào sáng chủ nhật 16/8. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Ở nhà tôi làm nông, công việc vườn tược, gà vịt nên không thể ở lâu được. Chắc ngày 18/8, tôi sẽ xuống Sài Gòn một lần nữa để nộp hồ sơ”, bà Lan ngán ngẩm nói.
Bạn Đặng Thị Cường, sinh viên ĐH Kinh tế TP HCM đến rút hồ sơ cho em, nói: “Em đã bắt đầu học kỳ mới rồi nên phải thu xếp đến rút hồ sơ vào chủ nhật để ngày mai còn phải đi học nữa. Em mong sao các trường sẽ cập nhật danh sách thí sinh đạt ngưỡng an toàn theo từng nguyện vọng thay vì theo cả 4 nguyện vọng như hiện nay để phụ huynh, thí sinh dễ theo dõi, bớt đau tim hơn”.
Tương tự, tại ĐH Sài Gòn, nhiều thí sinh, phụ huynh ở tỉnh xa cũng đến nộp hồ sơ. Phụ huynh Đặng Ngọc Thành (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) vừa “tay xách nách mang” balô hành lý, giấy tờ, vừa chia sẻ: “Mới xuống bến là hai ba con bắt xe ôm vào trường nộp hồ sơ luôn. Con chú thi được 27,75 điểm (đã nhân đôi hệ số), tính nộp vào ngành luật của trường này. Sau khi nộp hồ sơ xong, hai cha con sẽ đi thuê nhà ở theo dõi mà rút ra kịp thời khi có biến động”.
“Em ở nhà người quen tại TP HCM để chầu chực từ bữa xét tuyển đợt 1 đến giờ. Bữa em nộp vào ĐH Luật TP HCM nhưng hôm qua thấy đã bị “văng” khỏi danh sách an toàn nên hôm nay xem xét đăng ký vào ĐH Sài Gòn”, thí sinh Nguyễn Thị Cẩm Tú (huyện Sơn Trạch, tỉnh Quảng Bình) nói.
26 điểm vẫn bị “văng”
Tương tự, ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP HCM, sáng nay, cũng có khá nhiều phụ huynh và thí sinh đến từ sớm để nộp, rút hồ sơ đăng ký. Những thí sinh đến rút hồ sơ có điểm số trong khoảng 25-26 điểm khối A. Trong khi đó, cũng với mức điểm này của khối D1 và A1 nhiều thí sinh lại quyết định nộp hồ sơ vào.
Thí sinh Bảo Nghi (Huế) đạt 25,5 điểm khối A nên quyết định rút hồ sơ ở ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP HCM để nộp sang trường khác. Theo Nghi, trường lấy điểm khối A cao hơn các khối khác 1,5 điểm nên Nghi khó lòng đậu vào với mức điểm của mình.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Gia Huy (Lâm Đồng) cũng đạt 25,5 điểm nhưng Huy thi khối A1. Huy quyết định giữ hồ sơ và tiếp tục theo dõi. Huy cho biết: “Thầy cô nói điểm của em vẫn an toàn, nên chưa rút hồ sơ. Em về nhà họ hàng ở TP HCM theo dõi thêm, nếu không ổn thì chạy qua rút cũng chưa muộn”.
Bên cạnh những thí sinh đến nộp, rút hồ sơ, nhiều phụ huynh, thí sinh đến để nhờ thầy cô của trường tư vấn và đặc biệt là thí sinh và phụ huynh tư vấn lẫn nhau.
Cô Minh Thủy (Biên Hòa) cho biết, con cô thi được 25 điểm khối A1, không biết nên nộp vào ĐH Ngoại thương hay không? Thầy cô của trường khuyên nên nộp hồ sơ và theo dõi thêm, hiện tại mức điểm đó an toàn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khác khuyên không nên nộp hồ sơ lúc này, đợi 1-2 ngày nữa xem tình hình thế nào rồi quyết định cho luôn.
Những phụ huynh này cho rằng, mức điểm này chỉ mấp mé ngưỡng an toàn thôi, không nên nộp vội. Cô rất hoang mang, không biết nên nộp hay nên chờ.
Trái ngược hoàn toàn với tâm lý hoang mang của cô Thủy, anh Vĩnh (Ninh Thuận) rất nhiệt tình tư vấn cho các thí sinh và phụ huynh khác.
Anh Vĩnh nói: “Từ lúc em trai anh nộp hồ sơ vào trường này, ngày nào anh cũng theo dõi danh sách trường công bố và tính toán rất kỹ lưỡng để quyết định rút hay giữ hồ sơ. Không những theo dõi thông tin của trường này mà nhiều trường khác trong nhóm ngành kinh tế như: ĐH Kinh tế, ĐH Ngân hàng, Kinh tế- Luật… anh đều nắm rõ. Ai cần góp ý gì thì anh nhiệt tình tư vấn cho người ta, phụ huynh với nhau nên rất hiểu tâm trạng của họ”.