Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Vì sao bạn sợ nói chuyện qua điện thoại?

Không ít người cảm thấy bối rối, thậm chí sợ hãi trước các cuộc gọi. Tuy nhiên, họ không hẳn là những người nhút nhát.

so noi chuyen qua dien thoai anh 1

Không ít người cảm thấy bối rối, thậm chí sợ hãi trước các cuộc gọi. Tuy nhiên, họ không hẳn là những người nhút nhát.

so noi chuyen qua dien thoai anh 2

Điểm chính:

  • Có nhiều nguyên nhân cho nỗi sợ gọi điện thoại, thói quen nhắn tin là một trong số đó.
  • Thế hệ trưởng thành với công nghệ có xu hướng gặp hội chứng này nhiều hơn, theo khảo sát 2019 ở UK.
  • Nở một nụ cười có thể giúp giọng nói bớt căng thẳng.

Đã bao giờ bạn rơi vào trạng thái lúng túng khi có cuộc gọi đến? Đôi khi, bạn phải nhờ người khác nghe điện thoại giúp mình, hoặc ấp úng, tim đập nhanh trong lúc trò chuyện với người ở đầu dây bên kia.

Huyền My (23 tuổi, TP.HCM) là một trường hợp như vậy. Là nhân viên văn phòng, cô nói mình rất ít khi nhận điện thoại từ các số máy lạ vì không biết phải trả lời như thế nào.

Với đối tác và đồng nghiệp, nếu không bắt buộc, Huyền My cũng hạn chế nghe điện thoại. Ngay cả với bạn bè thân thiết, cô cũng cảm thấy thoải mái, tự tin hơn khi giao tiếp bằng tin nhắn.

Đó có thể đơn giản là một thói quen hay sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình căng thẳng trước tiếng chuông, đồng thời xuất hiện một số triệu chứng cụ thể, có thể bạn đã trải nghiệm phone phobia - hội chứng sợ nghe gọi điện thoại.

so noi chuyen qua dien thoai anh 3so noi chuyen qua dien thoai anh 4


Nguyên nhân của nỗi sợ

Thực chất, sợ nói chuyện điện thoại không phải là một căn bệnh tâm lý được công nhận. Thông tin từ NHS cho biết đây là một trong những biểu hiện của chứng rối loạn lo âu xã hội (SAD - Social Anxiety Disorder). Chứng này không hiếm gặp, và nhiều người vẫn đối diện với nó bằng cách này hay cách khác.

Một khảo sát năm 2019 giữa 500 nhân viên văn phòng đã chỉ ra rằng, 76% người thuộc thế hệ millennials (Gen Y) tỏ ra lo lắng khi điện thoại của họ đổ chuông. 2/3 trong số đó hoàn toàn không nhấc máy, trong khi với thế hệ lớn hơn - những baby boomers - con số giảm đi gần một nửa.

Tuy các nhà nghiên cứu không kết luận nguyên nhân cụ thể, có một số lý do được đề cập gồm:

  • Nỗi lo bản thân không biết cách xử trí tình huống.
  • Sợ giọng nói của mình không bình thường.
  • Sợ bị hiểu lầm, không muốn tranh chấp; sợ bản thân "đứng hình".
  • Lo rằng đối phương sẽ nghĩ xấu về mình, đặc biệt là khi không thể nhìn thấy mặt mũi, ngôn ngữ hình thể của họ.

Theo Psychology Today, sự phát triển của các hình thức liên lạc như email, nhắn tin cũng có thể làm tăng tỷ lệ người mắc phone phobia. Giao tiếp qua câu chữ đồng nghĩa chúng ta có nhiều thời gian đọc và chỉnh sửa câu trả lời của mình hơn. Ta cũng có thể dùng icon để giấu đi cảm xúc vui, buồn thực sự.

Trò chuyện trực tiếp thì không như vậy, do đó nhiều người cảm thấy bị xâm phạm, thiếu an toàn và trở nên bối rối.


Dấu hiệu thường gặp

Chứng sợ nói chuyện điện thoại thể hiện gần giống với SAD nhưng tập trung nhiều hơn vào chiếc điện thoại di động, cụ thể là:

  • Tránh nhận điện thoại và ít khi chủ động gọi; sợ tự làm xấu hổ, sợ làm phiền người khác.
  • Cố gắng trì hoãn, lo lắng về điều mình sắp nói và dễ ám ảnh về điều đã nói.
  • Đôi khi cảm nhận các triệu chứng thể chất như tim đập nhanh, người run rẩy, buồn nôn, khó tập trung trong lúc gọi.
so noi chuyen qua dien thoai anh 5so noi chuyen qua dien thoai anh 6

Healthline còn mô tả khá chi tiết về 6 giai đoạn của phone phobia như sau:

  • GĐ1: Bạn bắt đầu cảm nhận nỗi sợ khi điện thoại reo lên, hoặc khi bạn cần phải gọi ai đó như hẹn lịch khám răng, thăm hỏi họ hàng.
  • GĐ2: Bạn tìm cách thoái thác.
  • GĐ3: Nếu bắt buộc phải thực hiện, bạn trấn an bản thân rằng mình sẽ ổn.
  • GĐ4: Bạn tập nói đi nói lại, thậm chí ghi nội dung ra giấy note để tránh bỏ sót.
  • GĐ5: Trong quá trình gọi, bạn nói chuyện khá dè dặt và thi thoảng nhìn xuống "kịch bản", hơi run mỗi khi người đó nói họ không hiểu ý hoặc chưa nghe rõ.
  • GĐ6: Bạn đặt điện thoại xuống sau khi tắt máy, thở phào như thể vừa hoàn thành một bài kiểm tra khó nhằn.

Dù không ảnh hưởng đến sức khỏe, phone phobia cũng phần nào làm giảm chất lượng sống và hiệu quả công việc. Rất may, chúng ta có thể hạn chế mức độ nghiêm trọng của nó bằng cách tham vấn chuyên gia, hoặc tự tập luyện dần ở nhà.


Làm sao để vượt qua nỗi sợ?

Một số gợi ý để bạn kiểm soát phone phobia, hoặc chí ít là mạnh dạn hơn khi nghe gọi điện thoại:

  • Trước khi nhấc máy, bạn nên mỉm cười, hít thở sâu để thả lỏng gương mặt. Nghiên cứu từ Đại học Portsmouth, Anh nói nụ cười ảnh hưởng đến tone giọng và khiến người nghe nhận ra cảm xúc của người nói.
  • Bạn có thể chuẩn bị một chút để cuộc trò chuyện suôn sẻ hơn, ví dụ như ghi ra một số điểm quan trọng mình chắc chắn phải nói. Dù vậy, đừng cứng nhắc và gây áp lực cho bản thân.
  • Hình dung cảm giác thỏa mãn sau khi xong việc. Sau cuộc gọi, bạn có thể tự thưởng mấy phút nghỉ ngơi và làm các hoạt động mình thích.
  • "Dù có ra sao cũng chẳng sao". Tha thứ cho bản thân với những khoảnh khắc lỡ lời và khó xử, từ đó bình tĩnh giải quyết chúng.

Đây là chứng lo âu có thể khắc phục, miễn là bạn quen thuộc với việc chia sẻ qua điện thoại. Thực hiện những cuộc gọi ít áp lực như nói chuyện với bạn bè, gia đình thường xuyên là một cách để làm quen.

Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể thử hình thức giao tiếp khác, hoặc chọn thời điểm gọi phù hợp nhất.

Hãy biết rằng bạn không nhất thiết phải trả lời tất cả cuộc điện thoại nếu thấy không thoải mái. Thay vào đó, bạn được quyền nhờ người gọi để lại tin nhắn, voice clip, hoặc hẹn gặp trực tiếp để giảm thiểu những vấn đề không đáng có.

Thiên Hân

Đồ họa: Mỷ Thi

Bạn có thể quan tâm