Sau nửa đầu năm 2021, VinFast Fadil là mẫu ôtô bán chạy nhất thị trường. Những dòng sản phẩm mới như Kia Seltos, Toyota Corolla Cross cũng góp mặt trong nhóm 10 xe ăn khách nhất.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 6/2021, tổng doanh số ôtô con và xe bán tải đạt 110.438 chiếc, tăng 34,7% so với kết quả 81.979 xe của nửa đầu năm 2020.
Nếu tính cả số liệu bán hàng từ TC Motor (đơn vị phân phối xe Hyundai) và VinFast, tổng lượng ôtô con và xe bán tải bán ra đạt hơn 154.000 chiếc.
Bên cạnh đó, nhóm 10 mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam nửa đầu năm cũng có xáo trộn lớn so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, VinFast Fadil giành ngôi "vua doanh số" từ Toyota Vios. Nhiều dòng SUV/crossover 7 chỗ quen thuộc như Toyota Fortuner, Honda CR-V đánh mất vị thế, trong khi các tân binh Kia Seltos và Toyota Corolla Cross dần được đông đảo người dùng ưa chuộng.
Đạt doanh số 10.127 xe tính đến hết tháng 6/2021, VinFast Fadil lần đầu tiên trở thành mẫu ôtô bán chạy nhất Việt Nam sau nửa đầu năm. Đồng thời, Fadil cũng là dòng xe hạng A ăn khách nhất.
Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Thúc Hoàng Linh, dù nhận nhiều đánh giá trái chiều ở thời điểm ra mắt, Fadil đã chứng minh được sức hút với người tiêu dùng Việt.
Có xuất phát điểm tốt là nền tảng công nghệ của GM, Fadil được VinFast định hình tuỳ chọn phù hợp với tâm lý người dùng trong nước, đặc biệt là những yếu tố mà khách hàng quan tâm và chưa hài lòng trên các dòng xe nhỏ nước ngoài, ví dụ như trang bị an toàn.
"Yếu tố thúc đẩy doanh số Fadil tốt nhất là chính sách giá và các ưu đãi lớn. Mức chi phí sở hữu ban đầu chỉ vài chục triệu đồng khiến ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận.
Việc sở hữu Fadil cũng đem tới cho chủ nhân những lợi ích như gửi xe miễn phí tại các cơ sở của Vingroup, coupon du lịch... qua đó tăng sức hút, tạo ra giá trị cạnh tranh riêng của mẫu hatchback này", ông Linh nhận định.
Tương tự nửa đầu năm 2020, Hyundai Accent vẫn là mẫu ôtô bán chạy thứ hai tại Việt Nam sau 6 tháng của năm 2021. Tuy nhiên, với doanh số 9.949 xe, tốt hơn Toyota Vios 326 xe, Accent trở thành dòng sedan hạng B ăn khách nhất thị trường.
Song song đó, so với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020, doanh số của Hyundai Accent cũng tăng 2.600 xe.
Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Mạnh Thắng, xu hướng lựa chọn của người dùng ở phân khúc sedan hạng B đang thay đổi, họ cần một mẫu ôtô nhiều tiện nghi, có kiểu dáng đẹp thay vì một chiếc xe quá bền bỉ nhưng hạn chế về thiết kế, trang bị.
"Không ít khách hàng trong nhóm này là người mua ôtô lần đầu hoặc thứ hai, với sự trung thành dành cho thương hiệu còn yếu, dễ bị thuyết phục hơn bởi những sản phẩm có thiết kế hợp thị hiếu, nhiều trang bị", ông Thắng cho biết.
Bản nâng cấp giữa vòng đời ra mắt không lâu sau khi Accent 2021 trình làng chưa thể giúp Toyota Vios tìm lại vị thế. So với cùng kỳ năm 2020, Toyota bán ít hơn 1.621 chiếc Vios, đạt doanh số 9.623 xe.
Kết quả này khiến Toyota Vios không còn là mẫu ôtô bán chạy nhất thị trường. Xe cũng đánh mất vị trí dẫn đầu doanh số nhóm sedan hạng B.
Chuyên gia Hoàng Linh cho rằng dù tính bảo thủ trong triết lý sản phẩm của Toyota còn gây tranh cãi, riêng dòng xe Vios vẫn có ưu điểm không thể phủ nhận về khả năng vận hành bền bỉ, đáng tin cậy.
Điều này không chỉ đến từ những giá trị cốt lõi bên trong chiếc xe, mà còn ở hệ thống dịch vụ tốt của Toyota. Việc phần cứng ít bị thay đổi giúp việc bảo dưỡng, sửa chữa Vios dễ dàng, nhanh chóng, ít rủi ro. Đi kèm là mạng lưới cung cấp phụ tùng rộng.
"Điều Vios thiếu là khả năng "bắt trend" trong việc chọn lựa đối tượng khách hàng và đáp ứng mong muốn của họ. Kinh tế phát triển cũng khiến tính toán “ăn chắc, mặc bền” khi mua xe không còn như cách đây một thập kỷ. Nói cách khác, Vios không “xuống cấp” mà các đối thủ đang tiến nhanh cả về chất lượng, kiểu dáng, trong khi lại thích ứng thị trường tốt", ông Linh nhận định.
Sau 6 tháng đầu năm 2021, Mitsubishi Xpander đạt doanh số 8.324 xe, tăng 2.441 xe so với nửa đầu năm 2020, tiếp tục đứng thứ 4 trong top 10 mẫu ôtô ăn khách nhất thị trường.
Kết quả này cũng giúp Xpander củng cố vị thế tại nhóm MPV, với doanh số bỏ xa Toyota Innova, Suzuki XL7, Suzuki Ertiga hay Toyota Avanza.
Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng, Mitsubishi Xpander là mẫu ôtô đáp ứng đúng những nhu cầu của người dùng Việt, với giá bán vừa túi tiền, chở được nhiều hành khách và động cơ dung tích thấp, tiêu thụ ít nhiên liệu.
Dù xuất hiện trên thị trường sau Suzuki Ertiga và cùng thời điểm với Toyota Rush, Avanza - những mẫu xe cũng có các đặc điểm kể trên, ngoại thất hợp thị hiếu khách hàng góp phần không nhỏ vào thành công của Xpander.
"Người dùng Việt Nam thực dụng nhưng lại chú trọng đến kiểu dáng, mẫu mã bên ngoài. Có nội thất đơn giản, tuy nhiên ngoại thất hiện đại, bắt mắt giúp Xpander chiếm ưu thế lớn trước Suzuki Ertiga, Kia Rondo hay Toyota Avanza", ông Thắng nói.
Kia Seltos là một trong hai tân binh sớm thu về thành công sau khi ra mắt Việt Nam. Với doanh số 7.209 xe sau nửa đầu năm 2021, Seltos hiện là mẫu SUV đô thị bán chạy nhất.
Bên cạnh đó, vị trí thứ 5 của Kia Seltos cũng đánh dấu sự quay trở lại của nhóm SUV đô thị trong danh sách 10 xe ăn khách nhất nửa đầu năm, sau khi Hyundai Kona, Ford EcoSport hay Honda HR-V chưa thể tạo dấu ấn doanh số.
Reviewer Lê Thượng Tiến cho rằng thành công của Seltos tương đối giống Ford EcoSport những năm đầu tiên ra mắt.
"Người Việt luôn có thiện cảm lớn với các mẫu xe có kiểu dáng urban SUV - khoảng sáng gầm chưa chắc cao nhất nhưng chiều cao tổng thể phải cao, nhìn xe to lớn bệ vệ.
Seltos hấp dẫn những gia đình nhỏ với vợ chồng và em bé, hoặc người mới mua ôtô lần đầu. Họ sẽ chọn chiếc xe kích cỡ nhỏ, không gây khó khăn cho người mới lái nhưng cũng phải “ra dáng” một chút", anh Tiến nhận định.
Ngoài kiểu dáng và giá thành, anh Tiến cho biết được nhiều chủ xe chia sẻ chọn mua Seltos vì có màu ngoại thất bắt mắt, trẻ trung, khác biệt với những màu sơn phổ biến như đen, trắng hay xám.
Ford Ranger tiếp tục ghi nhận doanh số áp đảo các đối thủ tại nhóm xe bán tải sau nửa đầu năm 2021. Kết quả 6.912 xe bán ra của Ranger cách biệt lớn Toyota Hilux (1.878 xe), Mitsubishi Triton (1.500 xe), Mazda BT-50 (662 xe) hay Isuzu D-max (76 xe).
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng nhận định về thiết kế, trang bị công nghệ và vận hành, Ford Ranger vẫn đang bỏ cách tương đối xa các mẫu bán tải còn lại, dù đa phần đã được nâng cấp thời gian gần đây.
Cụ thể, Ranger có động cơ mới cho hiệu suất cao. Ngoài ra, phong cách thiết kế bán tải Mỹ của xe cũng hợp thị hiếu và nhu cầu sử dụng của đa số khách hàng Việt. Mặt khác, nguồn cung linh, phụ kiện phong phú giúp người dùng dễ dàng tùy biến, nâng cấp xe.
"Việc là mẫu ôtô được số đông lựa chọn cũng giúp Ford Ranger có lợi thế ban đầu lớn khi khách hàng cân nhắc mua xe bán tải", ông Thắng cho biết.
Sau khi mất ngôi vị xe hạng A bán chạy nhất năm 2020 cho VinFast Fadil, Hyundai Grand i10 tiếp tục chịu xếp sau mẫu ôtô Việt khi kết thúc nửa đầu năm 2021.
Doanh số 6.347 xe của Hyundai Grand i10 thua kém đáng kể kết quả 10.127 chiếc Fadil được bán ra. Dù không chênh lệch nhiều doanh số 6.414 xe cùng kỳ năm ngoái, Grand i10 vẫn rơi từ vị trí thứ 3 xuống thứ 7 trong top 10 ôtô ăn khách nhất thị trường.
Theo reviewer Lê Thượng Tiến, Hyundai Grand i10 ra mắt vào thời điểm bùng nổ xe công nghệ. Chính sách giá của i10 lúc đó rất tốt, xe cũng rộng rãi và nhìn mạnh mẽ hơn mẫu Kia Morning cùng đời. Vì vậy Grand i10 nhanh chóng thống trị nhóm ôtô hạng A.
Tuy nhiên, Hyundai Grand i10 cũng bị không ít tài xế công nghệ phản ánh về độ bền, ví dụ như vấn đề liên quan đến két nước hay gioăng quy lát.
Hai năm gần đây, VinFast Fadil với nhiều chính sách ưu đãi mạnh tay trở thành lựa chọn hợp lý về giá, trong khi có nhiều trang bị an toàn, động cơ mạnh và độ ổn định thân xe tốt hơn Grand i10.
Trong khi đó, mẫu sedan Mitsubishi Attrage ở cùng tầm giá với ngoại thất bớt lỗi thời hơn đời cũ, tiết kiệm và vận hành bền bỉ cũng là phương án đáng cân nhắc khi so sánh với Grand i10.
Ngoài Kia Seltos, Toyota Corolla Cross cũng là tân binh sớm tạo dấu ấn doanh số sau khi ra mắt thị trường.
Được định vị thuộc phân khúc tiệm cận C-SUV và có giá thuộc dạng cao nhất nhóm SUV đô thị, tuy nhiên Toyota Corolla Cross vẫn ghi nhận doanh số tốt với 5.659 xe bán ra.
Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng, trong dải sản phẩm của Toyota Việt Nam, Corolla Cross thuộc số ít mẫu xe Toyota toàn cầu sớm được phân phối tại thị trường nội địa.
Khác với quan niệm xe Toyota ít trang bị của nhiều người dùng, Corolla Cross có đầy đủ tiện nghi và công nghệ như biến thể bán tại thị trường nước ngoài. Xe cũng mang phong cách thiết kế hiện đại, trẻ trung hơn nhiều mẫu ôtô Toyota khác.
"Thương hiệu Toyota, vốn được đánh giá cao về sự bền bỉ, vận hành tiết kiệm, cũng góp phần giúp Corolla Cross được ưa chuộng dù giá bán của xe cao so với mặt bằng chung", ông Thắng nhận xét.
Tương tự nửa đầu năm 2020, sedan hạng B tiếp tục là nhóm xe có nhiều đại diện nhất trong top 10 ôtô ăn khách với Toyota Vios, Hyundai Accent và Honda City.
Tính đến hết tháng 6/2021, Honda City đạt doanh số 5.509 xe, tăng 1.161 xe so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này giúp City đứng vị trí thứ 9 trong nhóm ôtô bán chạy nhất thị trường.
Reviewer Lê Thượng Tiến nhận xét Honda City thế hệ mới đã phần nào cải thiện nhược điểm của đời cũ là khả năng cách âm kém, tiếng ồn gầm nhiều. Đây cũng là hạn chế của hầu hết mẫu xe Honda khi so sánh với đối thủ cùng phân khúc.
Đồng thời, City mới vẫn duy trì những ưu điểm làm nên sự khác biệt với các mẫu sedan hạng B khác như vận hành tiết kiệm, độ ổn định thân xe và cảm giác lái vượt trội.
"Người mua xe Honda thường trung thành với lựa chọn của họ, do đa số ôtô Hàn Quốc và các hãng Nhật Bản khác vẫn thua kém xe Honda ở một số tiêu chí kể trên", anh Tiến cho biết.
Bên cạnh Mitsubishi Xpander, Hyundai Santa Fe là mẫu ôtô 7 chỗ còn lại trong nhóm xe bán chạy nhất nửa đầu năm 2021.
Đồng thời, đây cũng là mẫu SUV/crossover 7 chỗ duy nhất thuộc top 10 xe ăn khách. Trong khi đó, Honda CR-V và Toyota Fortuner không còn giữ được vị trí như giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020.
Theo chuyên gia Hoàng Linh, Hyundai Santa Fe là một trong số ít mẫu xe Hàn Quốc thành công sớm tại Việt Nam và có thể cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí vượt trội các đối thủ Nhật Bản. Đây cũng là dòng xe góp phần giúp xoá bỏ định kiến không mấy tốt đẹp về độ bền từng ám ảnh các thương hiệu ôtô Hàn Quốc.
"Thế mạnh của Hyundai Santa Fe là nhanh chóng thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tế từ người dùng, kết hợp với việc mang những tiện nghi của xe sang xuống phân khúc phổ thông. Đây là điều mà các hãng ôtô Nhật Bản khó làm được với triết lý sản phẩm truyền thống, ông Linh chia sẻ.