Nhiếp ảnh gia kỳ cựu Paul Clarke đang chèo thuyền trên sông Thames vào hôm 10/3 thì màn hình điện thoại sáng lên.
Gia đình hoàng gia Anh vừa công bố bức ảnh chụp Công nương xứ Wales Catherine cùng 3 người con như lời chào mừng Ngày của Mẹ.
Clarke là chuyên gia về nghệ thuật chỉnh sửa ảnh và bạn bè muốn biết ý kiến của ông về bức ảnh này. Ông nhanh chóng nhận thấy một số điểm “không nhất quán".
Bức ảnh do Cung điện Kensington công bố cho thấy Công nương xứ Wales chụp cùng Hoàng tử Louis, Hoàng tử George và Công chúa Charlotte. Nhiều điểm bất thường nghi đã bị chỉnh sửa. Ảnh: Thân vương xứ Wales/Cung điện Kensington. |
Chuyện gì đã xảy ra ở chỗ cổ tay áo của Công chúa Charlotte, nơi dường như bị khuyết mất một phần? Tại sao những ngón tay của Công nương Catherine lại mờ nhạt hơn so với lớp áo len dệt kim rõ nét của Hoàng tử Louis?
Trong bài đăng trên mạng xã hội, Clarke lưu ý bức ảnh chứa “nhiều… thao tác (chỉnh sửa) dễ nhận thấy được”.
“Họ đang nghĩ gì vậy?”, ông chia sẻ.
Trong vòng vài giờ, các dịch vụ tin tức lớn phát hành bức ảnh mà cung điện cung cấp - như Getty Images, Agence France-Presse và Associated Press - đã yêu cầu khách hàng ngừng sử dụng nó. Họ lo ngại bức ảnh đã bị chỉnh sửa này vi phạm quy định, chuẩn mực đạo đức của hãng.
Vào hôm 11/3, Công nương Catherine lên tiếng xin lỗi.
“Giống nhiều người chụp ảnh nghiệp dư, thỉnh thoảng tôi cũng thử nghiệm việc chỉnh sửa”, công nương giải thích trong bài đăng trên mạng xã hội. “Tôi muốn bày tỏ lời xin lỗi vì bất kỳ sự nhầm lẫn nào mà bức ảnh gia đình chúng tôi chia sẻ hôm qua đã gây ra”.
Hai dòng tiêu chuẩn truyền thông
Vụ việc làm nổi bật xung đột ngày càng lớn giữa hai tập hợp tiêu chuẩn truyền thông.
Một mặt là sự kỳ vọng ngày càng cao của người nổi tiếng để trông thật hoàn hảo - gương mặt mịn màng và đôi chân thon gọn, đạt được tốt nhất nhờ một chút Photoshop.
Mặt khác là những lý tưởng nhất định về tính minh bạch và toàn vẹn báo chí - điều đang bị “tấn công” khi deepfake và tin giả lan rộng.
Sự việc cũng đặt ra câu hỏi liệu nỗ lực PR gượng ép của Cung điện Kensington - nhằm giải quyết nỗi lo ngại ngày càng tăng và các thuyết âm mưu hoang đường về Công nương Catherine - lại gây phản ứng ngược.
Bức ảnh gây tranh cãi xuất hiện trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về sự vắng mặt đáng chú ý của công nương Anh kể từ khi phẫu thuật vùng bụng vào tháng 1.
"Họ đang nghĩ gì vậy?", Sally Bedell Smith - người viết tiểu sử hoàng gia - nói. "Nếu như bức ảnh đã qua chỉnh sửa đáng kể, điều này sẽ tạo ra vấn đề lớn về uy tín”.
Vợ chồng Hoàng tử William và Công nương Kate Middleton. Ảnh: Karwai Tang/Wireimage. |
Tuy nhiên, Clarke, người không thấy có âm mưu nào, cho rằng đó không phải vấn đề chính. Tại sao người hoàng gia lại không muốn chỉnh sửa hình ảnh? “Tất cả chúng ta đều muốn có bức ảnh con mình đang cười”, ông nói.
Theo ông, câu hỏi đặt ra là liệu các phương tiện truyền thông có quyết định quá nhanh chóng khi truyền tải nó tới công chúng hay không.
Đạo đức báo chí yêu cầu hình ảnh được đăng trên các hãng tin tức phải phản ánh thực tế, không bị chỉnh sửa hậu kỳ bằng Photoshop hay phần mềm chỉnh sửa khác.
Biên tập viên cũng phải đảm bảo tính xác thực của những bức ảnh được chụp trong tình huống không chắc chắn. Chẳng hạn, hình ảnh từ hiện trường một cuộc xung đột cần được phân tích từng pixel để tránh thông tin sai lệch tiềm ẩn.
Quy chuẩn
Theo Washington Post, trong thế giới VIP mà các nhân vật hoàng gia sống, chỉnh sửa ảnh không chỉ được chấp nhận mà còn được mong đợi.
Khi bàn đến vấn đề ảnh, các tạp chí thời trang và ấn phẩm tập trung vào người nổi tiếng không tuân thủ quy chuẩn giống cơ quan thu thập tin tức.
Họ thường xuyên chỉnh sửa những nhân vật được chụp trên ảnh bìa và trong bài phỏng vấn, nhằm mục đích quảng bá một lối sống mà nhiều người mơ ước.
Năm 1989, TV Guide đã ghép đầu của nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey vào hình dáng mảnh mai hơn của diễn viên Ann-Margret. Tạp chí Complex làm thon gọn vòng eo và hông của Kim Kardashian trong bức ảnh vào năm 2009.
Tiêu chuẩn về sự hoàn hảo của người nổi tiếng thậm chí còn được nâng cao hơn đối với thành viên hoàng gia, những người được kỳ vọng không chỉ có vẻ ngoài hấp dẫn mà còn thể hiện được khát vọng và lý tưởng của cả một quốc gia.
Trang nhất các tờ báo Anh đồng loạt đăng hình ảnh Công nương xứ Wales Catherine cùng các con. Ảnh: Shutterstock. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hình ảnh đã qua chỉnh sửa. Một số người nổi tiếng lên tiếng chỉ trích các tạp chí vì chỉnh sửa ảnh quá mức. Năm 2003, Kate Winslet nói với BBC ảnh bìa trên British GQ "giảm kích thước đôi chân tôi khoảng 1/3".
Hãng thông tấn AP từng công bố bản giải thích về lệnh "hủy ảnh" (photo kill). Theo đó, họ cho biết quy tắc của họ cấm hình ảnh bị thay đổi hoặc chỉnh sửa số, ngoài trừ những chỉnh sửa nhỏ, như cắt xén hoặc điều chỉnh màu sắc.
Tuy nhiên, ngay cả “thay đổi về mật độ, độ tương phản, màu sắc và mức độ bão hòa mà làm thay đổi đáng kể cảnh gốc cũng không được chấp nhận”, AP cho biết.
Tương tự, trong “Sổ tay Báo chí” Reuters cho hay họ chỉ cho phép sử dụng hạn chế Photoshop.
“Chúng tôi chỉ sử dụng một phần rất nhỏ khả năng tiềm năng của nó để định dạng hình ảnh, cắt xén và chỉnh kích thước cũng như cân bằng tông màu và màu sắc”, hãng tin tức này chia sẻ.
Việc các hãng thông tấn lớn đồng loạt gỡ bỏ bức ảnh mới nhất của Công nương xứ Wales tạo ra “cơn đau đầu mới” đối với hoàng gia Anh. Cung điện Kensington có thể sẽ phải tiếp tục đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc chia sẻ thông tin về vương hậu tương lai mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư về y tế của bà.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.