Chị Thúy Hường, 45 tuổi, ở Hà Nội, cho biết chị hầu như ngày nào cũng ăn cơm nguội. Gần đây, đọc trên mạng thấy nhiều người nói ăn cơm nguội có thể gây ung thư, chị Hường không dám ăn.
Không riêng chị Hường, thói quen ăn cơm nguội tồn tại ở rất nhiều gia đình. Gia đình bà Đỗ Thị Mão (Mễ Trì, Hà Nội), ngày nào cũng dư bát cơm nguội nên bà lại cho vào hâm nóng với cơm mới. Mọi người vẫn ăn như thế nhiều năm nay và chưa thấy ai mắc bệnh gì. Tuy nhiên, khi hỏi về ăn cơm nguội có thể gây ung thư, bà Mão kể có nghe mọi người nói nhưng chưa rõ thực hư thế nào?
PGS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết ăn cơm nguội gây ung thư là thông tin sai. PGS Thịnh cho rằng người dân đang sợ ung thư như con “ngáo ộp” nên nhiều thứ vô tình cũng biến thành ung thư.
Cơm nguội có thể gây hại nếu không được bảo quản đúng cách. Ảnh: Infonet. |
Cơm nguội là thói quen ăn uống có ở nhiều gia đình Việt. Cơm nguội là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, nhiều tinh bột và đường nên rất dễ nhiễm khuẩn. Khi nhiễm khuẩn, cơm nguội có thể gây rối loạn tiêu hóa; nặng thì ngộ độc cấp, nhẹ thì rối loạn tiêu hóa.
Ở nhiệt độ thông thường, các bào tử vi khuẩn trong cơm đã nấu sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và tạo điều kiện cho phép các vi khuẩn Bacillus cereus sinh sôi. Đặc trưng của cơm nguội là nhanh thiu và chỉ cần nhìn màu cơm ngả vàng, không kết dính là có thể thấy tình trạng cơm đang phân hủy. Khi đó, chúng ta không nên ăn cơm mà cần bỏ đi.
PGS Thịnh cho biết bảo quản cơm ở tủ lạnh chỉ nên sử dụng trong 24 giờ, không nên lưu trữ quá lâu. Nhiều gia đình còn có thói quen gom cơm nguội cả tuần lại rồi để rang. Điều này không tốt vì để quá lâu vi sinh vật hoạt động mạnh.
Để an toàn và đảm bảo dinh dưỡng cho sức khỏe, mọi người chỉ nên nấu lượng cơm vừa đủ cho gia đình trong mỗi bữa ăn để vừa đảm bảo dinh dưỡng, ngon miệng vừa tiết kiệm.
Nhiều người có thói quen giữ thức ăn từ tối hôm trước dùng để ăn sáng hoặc mang đi làm. PGS Thịnh cho rằng những đồ ăn này, nhất định phải bảo quản thật tốt, tránh để biến chất.
Chính điều này cũng lý giải vì sao ngày 23/12 vừa qua, trang Facebook và Twitter của Bộ Y tế Malaysia (Kementerian Kesihatan Malaysia) đã đăng tải thông tin khuyến cáo đối người dân không nên hâm nóng lại cơm nguội để sử dụng, bởi có thể gây ngộ độc thực phẩm.