Nếu thường xuyên xem các trận đấu MotoGP, những chiếc xe đua với bộ lốp trơn là hình ảnh quen thuộc. Khác với lốp xe phổ thông, lốp đua trên đường khô có thiết kế bề mặt nhẵn mịn và không có các rãnh gai.
Về vật lý, bề mặt tiếp xúc giữa lốp và mặt đường càng nhiều thì khả năng bám đường của lốp càng cao, đây là lý do tại sao lốp xe đua không có rãnh gai. Bên cạnh đó, hợp chất cao su trong lốp đua cũng khác lốp thương mại.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả mẫu xe thương mại trên thị trường đều được trang bị lốp đua?
Không thể chạy dưới mưa
Lốp trơn chỉ phát huy độ bám đường tối đa khi đạt được nhiệt độ thích hợp và sử dụng trên điều kiện mặt đường khô ráo, trong khi đó lốp phổ thông có thể vận hành ở nhiều điều kiện mặt đường khác nhau. Điểm khác biệt này đến từ những rãnh gai có trên lốp phổ thông.
Khi chạy dưới mưa hay mặt đường có nước, những rãnh này lại là "cứu tinh" giúp cho bánh xe không bị mất độ bám. Nước dưới mặt đường sẽ len lỏi vào các rãnh gai, tránh việc lốp xe bị trượt trên một màng nước mỏng thay vì tiếp xúc với mặt đường.
Một vài dòng lốp hiệu suất cao vẫn được thiết kế có rãnh gai để chạy được dưới mưa. |
Tuy nhiên khi chạy trên bề mặt khô ráo, những rãnh gai hoàn toàn vô tác dụng, thậm chí còn làm giảm một phần khả năng bám đường của lốp. Một số dòng lốp chuyên về hiệu suất nhưng không phải lốp đua chuyên dụng thường được bổ sung một vài đường rãnh gai, cho phép xe vẫn có thể hoạt động an toàn dưới mưa.
Chi phí đắt đỏ, độ bền kém
Nếu bỏ qua vấn đề thời tiết, lốp đua cũng khó có thể trở thành trang bị tiêu chuẩn trên các mẫu xe phổ thông vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề liên quan đến chi phí cũng như tuổi thọ lốp.
Lắp lốp trơn lên xe phổ thông khiến giá xe sẽ bị đội lên nhiều lần, điều này ảnh hưởng nhiều đến doanh số vì không phải người dùng nào cũng chạy xe quá nhanh. Hầu hết người dùng thông thường hiếm khi chạy nhanh vào cua hay phanh đột ngột, việc lắp một cặp lốp trơn trên xe là không cần thiết và lãng phí.
Một cặp lốp theo xe của Yamaha Exciter 150 có giá tại hãng khoảng 1,2 triệu đồng, nếu thay bằng lốp trơn dùng để đua thì số tiền phải chi là gần 9 triệu đồng. Con số này sẽ tăng lên nhiều lần đối với các dòng xe phân khối lớn.
Cao su trong lốp trơn là loại mềm nhằm tăng tối đa khả năng bám đường, còn lốp phổ thông dùng hợp chất cao su cứng hơn để kéo dài tuổi thọ.
Trung bình một cặp lốp trên xe phổ thông có thể chạy được quãng đường khoảng 15.000 km, trong khi lốp trơn dùng để chạy trên sân đua có vòng đời chưa đến 500 km nếu hoạt động liên tục ở cường độ cao.
Những lựa chọn lốp tối ưu về hiệu suất cho chạy phố
Nếu thừa tiền và chỉ dùng xe để chạy vào những ngày thời tiết khô ráo thì trang bị một cặp lốp trơn là điều đáng để cân nhắc cho những ai cần lốp xe có độ bám đường cao. Tuy nhiên nếu muốn tìm một bộ lốp có độ bám đường tốt nhưng vẫn có thể sử dụng hàng ngày thì người dùng có thể cân nhắc đến những lựa chọn dưới đây.
IRC IZ-003 là dòng lốp thiên hiệu suất được nhiều người lựa chọn cho việc tập luyện. |
Đối với các dòng xe phổ thông dưới 175 cc, Michelin Pilot GP là lựa chọn cân đối giữa giá tiền và khả năng bám đường, dòng lốp này có giá khoảng 700.000 đồng cho kích cỡ 100/80-17.
Nếu muốn độ bám đường tốt hơn nữa, IRC IZ-003 là sự lựa chọn đáng cân nhắc, giá loại lốp đến từ Thái Lan này khoảng 1,7 triệu đồng cho cỡ 90/80-17. IZ-003 cũng được nhiều vận động viên đua xe sử dụng để tập luyện.
Ở phần khúc môtô phân khối lớn, các dòng lốp thiên về hiệu suất thường được nhiều người lựa chọn có thể kể đến như Dunlop Sportmax Alpha 14, Pirelli Diablo Supercorsa... Để sở hữu các mẫu lốp này với kích cỡ 120/70-17, mức giá khởi điểm là gần 4 triệu đồng.