Trong khi đó tại các thị trường như Mỹ hay châu Âu, xe cỡ nhỏ với các trang bị an toàn hiện đại hơn, đã có điểm số an toàn tốt hơn.
Ôtô cỡ nhỏ thường chịu thiệt thòi khi xảy ra va chạm
Khả năng đảm bảo an toàn của xe hạng A nói riêng và ôtô cỡ nhỏ nói chung không phải là câu chuyện mới. Suốt nhiều năm qua, không ít nghiên cứu đã được thực hiện xoay quanh vấn đề này.
Hầu hết nghiên cứu trong vòng 10 năm trở lại đây từ Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (National Academy of Sciences - NAS), Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS) đều chỉ ra rằng các mẫu xe cỡ nhỏ (hạng A, B) có khả năng bảo vệ hành khách khi xảy ra va chạm kém hơn so với ôtô cỡ trung và cỡ lớn.
Trên thực tế, so với các mẫu xe cỡ trung hay cỡ lớn, hành khách ngồi trên ôtô cỡ nhỏ thường rủi ro hơn khi xảy ra va chạm. Nguyên nhân không đơn thuần bắt nguồn từ việc loại xe này được trang bị ít tính năng an toàn, mà còn liên quan đến thiết kế, cấu tạo và kích cỡ của xe.
Những kết quả nghiên cứu nói trên không nhằm khẳng định ôtô cỡ nhỏ luôn là loại xe kém an toàn nhất. Khả năng bảo đảm an toàn cho hành khách còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng xe, kỹ năng của người lái, điều kiện đường sá, thời tiết hay các phương tiện cùng tham gia giao thông.
Khả năng bảo đảm an toàn cho hành khách của xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ảnh minh họa |
Trang bị an toàn không phải tất cả
Ôtô cỡ nhỏ (hatchback/sedan hạng A, hạng B, SUV đô thị...) là những mẫu xe đáp ứng chính cho nhu cầu chạy phố, nơi mật độ giao thông cao và tốc độ di chuyển trung bình của phương tiện thấp. Đây là phương tiện thường thấy tại các quốc gia đang phát triển với hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện. Do vậy, loại xe này không yêu cầu quá nhiều trang bị và tính năng an toàn. Tuy nhiên, ít trang bị an toàn không phải nguyên nhân duy nhất và lớn nhất khiến ôtô cỡ nhỏ kém an toàn.
Kích cỡ nhỏ gọn, dễ xoay xở trong phố xá đông đúc là một trong những ưu điểm của ôtô cỡ nhỏ. Bên cạnh đó, khối lượng nhẹ giúp xe không cần sử dụng động cơ với hiệu suất quá cao. Nhờ vậy, ôtô cỡ nhỏ cũng trở thành lựa chọn sáng nước cho những người muốn tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
Tuy nhiên, đây cũng là những điểm khiến ôtô cỡ nhỏ kém an toàn khi xảy ra va chạm, đặc biệt với các mẫu xe có kích cỡ và khối lượng lớn hơn.
Theo nghiên cứu năm 2015 của IIHS, khi xảy ra va chạm, xe có khối lượng lớn hơn thường sẽ đẩy xe nhẹ hơn về phía sau. Do đó, lực tác động lên các hành khách ngồi trên xe nhẹ hơn cũng sẽ lớn hơn.
Trả lời Zing, chuyên gia ôtô Nguyễn Thúc Hoàng Linh cho biết: “Kích thước khung gầm nhỏ gọn của xe hạng A khó triệt tiêu xung lực từ va chạm bên ngoài hơn so với các nền tảng cỡ lớn, đặc biệt với những va chạm trực diện. Hạn chế về thể tích cũng khiến việc gia cố trần và sàn xe trở nên khó khăn hơn”.
Ví dụ, một mẫu xe hạng A nhận 5 sao an toàn NCAP không đồng nghĩa với việc mẫu xe này có khả năng bảo vệ hành khách tốt như một chiếc SUV cỡ lớn cũng đạt 5 sao NCAP.
Cần được sử dụng đúng mục đích
Theo chuyên gia Hoàng Linh, trong những năm qua, sự phát triển của công nghệ đã tạo ra những mẫu ôtô cỡ nhỏ nói chung và xe hạng A nói riêng an toàn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng những người ngồi trong dòng xe nhỏ này sẽ an toàn hơn so với các phương tiện cỡ lớn.
“Xe hạng A được thiết kế tối ưu cho việc di chuyển trong đô thị, do đó rất ưu việt về sự linh hoạt, nhỏ gọn, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường. Về phương diện an toàn, ngoài những trang bị cơ bản như túi khí hay dây an toàn, xe hạng A cũng cần những trang bị an toàn chủ động cho môi trường đặc thù này, thay vì những trang bị thiên về phục vụ đi lại trên đường trường hay cao tốc”, ông Linh chia sẻ.
“Tại Việt Nam, do giá thành xe còn cao, nhiều người có xu hướng sử dụng xe nhỏ ‘tất cả trong một’. Điều này dễ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc, đặc biệt khi di chuyển với tốc độ cao. Tuy nhiên, trong hầu hết tình huống, cách điều khiển luôn quan trọng hơn chiếc xe mà người dùng cầm lái. Việc tuân thủ các nguyên tắc an toàn và không ngừng trau dồi kỹ năng lái xe sẽ có vai trò lớn trong việc giảm thiểu rủi ro”, ông Linh nhận định.
Bình luận