Theo Từ điển tiếng Việt, "ủa" là phương ngữ thể hiện thái độ bất ngờ, ngỡ ngàng trước các sự việc không thể lường được. Lâu nay, từ này được người Việt sử dụng một cách tự nhiên, thậm chí là vô thức, trong đời sống hàng ngày.
Song, vài tháng qua, cú pháp "ủa" lại được giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội với lớp nghĩa mới.
Bên cạnh hàm ý cảm thán, từ này còn được coi như lời mở đầu cho các cuộc hội thoại phàn nàn, chê trách từ cấp trên, đồng nghiệp hay đối tác.
Lớp nghĩa này lần đầu xuất hiện vào tháng 3/2021 trên bài đăng của "Đài Tiếng Nói Gen Z" - trang Facebook tổng hợp các từ khóa phổ biến với giới trẻ.
"100% Gen Z mắc rối loạn lo âu, trào ngược dạ dày khi hồi hộp nên đề nghị các anh chị Gen X, Millennials không nhắn 'ủa', 'em ơi' vào nhóm chat".
Bài đăng trên nhanh chóng nhận về hơn 3.800 lượt thích, hàng trăm bình luận và chia sẻ từ dân mạng. Đa số ý kiến đều bày tỏ đồng cảm với tình huống éo le này, khẳng định đó là câu chuyện có thật khi đi làm.
"Mỗi lần thấy sếp nhắn 'ủa em', mình lại thấy tim hẫng một nhịp", "Hễ thấy tin nhắn bắt đầu bằng cú pháp này là chỉ muốn nhắm mắt làm ngơ", "Muộn rồi mà sao sếp còn 'ủa em' làm chi" là một số bình luận phổ biến nhất, được nhiều dân mạng tán thành nhất.
Ngay sau đó, trào lưu 'ủa em' nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội, với hàng loạt bài viết, ảnh chế, phiên bản khác nhau được các trang Facebook ăn theo. Người gửi những tin nhắn đó cũng được mở rộng, từ cấp trên, đồng nghiệp cho tới đối tác, bạn chung nhóm bài tập.
Loạt bài đăng này được đa số Gen Z ủng hộ nhiệt tình. Những tin nhắn theo cú pháp "ủa em" hiếm khi đi vào vấn đề chính ngay, có thể ập đến vào bất cứ thời điểm nào trong ngày khiến nhiều bạn trẻ thấy lo lắng, áp lực.
"Có lần, mình nhận được tin nhắn yêu cầu sửa lại thiết kế vào lúc 23h từ khách hàng với cú pháp 'Ủa, em ơi' kéo theo một hàng dấu hỏi kéo dài. Sắp đi ngủ rồi mà vẫn phải lôi máy tính ra làm, dù thật sự chỉ muốn lờ đi", Quỳnh Anh (23 tuổi, Hà Nội), chuyên viên thiết kế đồ họa, nói.
Không chỉ dừng lại như một từ khóa trending trên mạng xã hội, trào lưu "ủa em" còn cho thấy giới trẻ đang chịu áp lực lớn về công việc, thiếu thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.
"Sếp dùng cụm 'ủa em' để phê bình cũng không sao, chỉ cần không nhắn vậy sau giờ làm là được. Cảm giác vừa nghỉ ngơi, vừa nơm nớp đợi tin nhắn tra hỏi vậy không thoải mái chút nào", Lâm Anh (25 tuổi, Hà Nội), nhân viên văn phòng, chia sẻ.