Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Viễn cảnh không chắc chắn sau cơn ‘địa chấn’ bầu cử ở Thái Lan

Trao đổi với Zing, chuyên gia nhận định còn quá sớm để nói về khả năng lập liên minh của Move Forward, và các mục tiêu kinh tế chỉ có thể được đưa ra sau khi thành lập chính phủ.

Đảng Tiến bước (Move Forward - MFP) ngày 18/5 tuyên bố thành lập một liên minh 8 đảng chính trị chiếm đa số tại Hạ viện gồm Pheu Thai, Prachachat (PRP), Thai Sang Thai, Seri Ruam Thai, Fair, Pue Thai Rumphlang và Plung Sungkom Mai, chiếm 313/500 ghế tại Hạ viện, dựa trên kết quả sơ bộ.

“Chúng tôi tự tin có thể thành lập chính phủ”, Straits Times dẫn lời ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng MFP, phát biểu trong họp báo ở Bangkok.

“Liên minh của tôi đang hình thành vững chắc. (Chúng tôi) có động lực, sự tiến bộ và một lộ trình rất rõ ràng cho đến ngày tôi trở thành thủ tướng”, ông Pita khẳng định.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra thận trọng hơn khi được hỏi về khả năng đảng Pheu Thai và MFP liên minh thành công. Ông Ken Mathis Lohatepanont - nhà bình luận chính trị và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa Khoa học Chính trị thuộc Đại học Michigan - nhận định còn quá sớm để nói cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ diễn ra như thế nào.

“Chiến thắng của MFP báo hiệu rằng kỷ nguyên thống trị tuyệt đối của Pheu Thai đã kết thúc. (Song) MFP có thể sẽ đối mặt với một số thách thức trong nỗ lực thành lập chính phủ”, ông Lohatepanont nói với Zing.

Nguy cơ vòng lặp bất ổn

Theo ông Lohatepanont, chiến thắng của đảng MFP rất đáng ngạc nhiên vì kể từ năm 2001, Pheu Thai và những đảng tiền nhiệm thường giành được số ghế lớn nhất trong các cuộc tổng tuyển cử.

“Điều đó cho thấy phong cách vận động tranh cử truyền thống, được thúc đẩy bởi chính trị bảo trợ, không còn đủ để giành chiến thắng”, ông nói thêm.

bau cu thai lan anh 1

Lãnh đạo đảng MFP Pita Limjaroenrat họp báo cùng các lãnh đạo đảng liên minh sau cuộc họp ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18/5. Ảnh: Reuters.

Hôm 15/5, Reuters dẫn tuyên bố từ lãnh đạo đảng Pheu Thai cho biết đảng này đã đồng ý với đề xuất cùng MFP thành lập liên minh đối lập và không có kế hoạch thành lập bất cứ chính phủ nào khác.

Các nhà lãnh đạo Pheu Thai phát biểu tại cuộc họp báo rằng họ tin tưởng liên minh có thể thành lập chính phủ ổn định, song việc đề cử thủ tướng phụ thuộc vào các yêu cầu pháp lý.

Dù các điều khoản và điều kiện chưa được tiết lộ, ông Lohatepanont cho rằng cả hai bên có thể sẽ cân nhắc cải cách hiến pháp và cải tổ quân đội.

“Chẳng hạn, cả hai đều tán thành việc loại bỏ nghĩa vụ quân sự. Song vẫn chưa rõ liệu Pheu Thai có hoàn toàn chấp nhận lập trường của MFP về cải cách luật liên quan đến tội khi quân hay không, khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra từng nhấn mạnh ông trung thành với chế độ quân chủ”, vị chuyên gia cho biết.

Về vấn đề này, ông Antonio Rappa - phó giáo sư nghiên cứu an ninh tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS), chuyên về Thái Lan - cho biết Pheu Thai và MFP sẽ phải xem xét lại nhiệm vụ chính trị của mình và những gì họ đã hứa với cử tri.

“Cả hai đều cần đối phương, đồng thời cần hợp tác với đảng PRP để thành lập một chính phủ liên minh”, ông nói.

“Tôi nghĩ rằng PRP sẽ là đảng phải thỏa hiệp nhiều nhất, gồm các thượng nghị sĩ của chính phủ quân sự cũ và tất nhiên là cả Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha”, vị chuyên gia cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Lohatepanont chỉ ra rằng cho đến nay, “chỉ một số thành viên Thượng viện tuyên bố sẵn sàng ủng hộ ông Pita làm thủ tướng, trong khi nhiều người khác khẳng định sẽ không”.

“Có lẽ các đảng bảo thủ cũng sẽ khó ủng hộ ông Pita, vì MFP đã khẳng định họ sẽ giữ vững lập trường trên các vấn đề quan trọng, chẳng hạn sửa đổi luật khi quân”, ông nói.

Các nhà phân tích đã cảnh báo thế bế tắc chính trị có thể dẫn tới các biểu tình trên đường phố, một lần nữa đẩy Thái Lan vào tình trạng bất ổn và đảo chính quân sự trước năm 2014.

“Nếu các thượng nghị sĩ quyết định hành động trái với nguyện vọng của người dân, điều đó chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất ổn và (tâm lý) phản kháng, từ đó dẫn đến các cuộc biểu tình trên đường phố - một cái cớ khác để quân đội can thiệp, và đi vào vòng lặp (bất ổn)”, giáo sư Pavida Pananond từ Đại học Thammasat nói với Straits Times.

Tặng tiền có kích thích nền kinh tế?

Một chính sách nổi bật của Pheu Thai khi vận động tranh cử là lời về việc cấp ví kỹ thuật số trị giá 10.000 baht (300 USD) cho mỗi người trưởng thành để chi tiêu tại địa phương, nếu họ lên nắm quyền.

Tuy nhiên, ông Lohatepanont cho rằng chính sách này sẽ không thể giải quyết thỏa đáng các vấn đề kinh tế của Thái Lan.

“Đây được cho là một biện pháp kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy tiêu dùng, giống kế hoạch Khon La Krueng mà chính phủ ông Prayuth đã thực hiện. Tuy nhiên, trong khi kế hoạch Khon La Krueng được ban hành chủ yếu trong thời gian phong tỏa, khi người tiêu dùng không muốn chi tiêu, nền kinh tế hiện đã phục hồi đến mức mà tôi không nghĩ rằng sự thúc đẩy này là cần thiết”, vị chuyên gia nhận định.

bau cu thai lan anh 2

Người ủng hộ đảng MFP ăn mừng trên đường phố Bangkok hôm 15/5. Ảnh: Reuters.

Theo Nation Thailand, chương trình “Khon La Khrueng” được đưa ra để kích thích chi tiêu sau khi các biện pháp phong tỏa vì dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế.

Ông Lohatepanont cho rằng “chính sách này sẽ gây ra các tác động chính như làm tăng lạm phát và khiến vấn đề chi phí sinh hoạt của Thái Lan thêm trầm trọng”.

“Ngoài ra, chính sách này không khả thi ở nhiều vùng nông thôn, nơi không có đủ cửa hàng địa phương và hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông cho hay.

Giữa lúc người dân Thái Lan đang vật lộn với mức nợ hộ gia đình gần kỷ lục và nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong khu vực, nhiều chính đảng đang cam kết các chính sách ưu đãi như tặng tiền mặt và hoãn nợ để thu hút cử tri. Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng các biện pháp này có thể gia tăng nợ công và thúc đẩy lạm phát.

Về vấn đề trên, phó giáo sư Rappa nhận định mục tiêu chính của các đảng ở Thái Lan hiện nay không phải nền kinh tế, mà là ai sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo.

Theo ông Rappa, dù lãnh đạo MFP đã tuyên bố ông sẵn sàng đảm nhận vị trí thủ tướng, phản ứng của bà Paetongtarn Shinawatra (đảng Pheu Thai) và tướng Prawit Wongsuwan (đảng PRP) vẫn là câu hỏi lớn.

“Liệu họ và các đảng phái chính trị của họ có ủng hộ ông Pita làm lãnh đạo liên minh? Bất kỳ trọng tâm kinh tế nào cũng chỉ có thể được đưa ra sau (khi chính phủ mới thành lập) vài tháng hoặc vài tuần”, ông nói.

Đáng chú ý, trong kỳ bầu cử lần này, đảng MFP đã giành chiến thắng gần như tuyệt đối với 32/33 ghế tại Bangkok - nơi có nhiều ghế quốc hội nhất theo khu vực bầu cử, Pattaya Mail đưa tin.

Ông Rappa nhận định những kết quả này, nếu được nhìn nhận nghiêm túc, có thể tạo ra một làn sóng cải cách và chính sách dân chủ mới. “Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với họ là ông Prayuth, người có thể quyết định lãnh đạo một cuộc chính biến mới kể từ cuộc đảo chính năm 2014”, vị chuyên gia cho hay.

“Song ông Prayuth cũng cần sự đồng ý của nhà vua. Nếu nhà vua không ở Bangkok, đảo chính không thể diễn ra. Nhưng sẽ chỉ mất vài ngày, thậm chí vài giờ để nhà vua trở lại Bangkok. Hãy chờ xem”, ông Rappa kết luận.

Những cuốn sách nên đọc về ASEAN

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Vì sao các tập đoàn lớn nhất Thái Lan nín lặng sau 'địa chấn' bầu cử

Khu vực tư nhân lo ngại việc Move Forward không dễ dàng thành lập liên minh cầm quyền sau chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 14/5 có thể dẫn tới khoảng trống chính trị ở Thái Lan.

Đảng thắng lớn thứ ba ở Thái Lan nói bóng gió về lãnh đạo Move Forward

Đảng Bhumjaithai - đảng về thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan vừa qua - ngày 17/5 khẳng định sẽ không bầu cho một thủ tướng ủng hộ sửa đổi luật chống khi quân.

Vân Đinh, Hải Linh

Bạn có thể quan tâm