Những ngày cuối năm 2019, Hà Việt Hoàng, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, bước vào môn thi cuối trước kỳ nghỉ Tết. Hoàng chia sẻ Tết là thời gian em dành cho gia đình.
Không còn là thí sinh của "Siêu trí tuệ" hay "Đường lên đỉnh Olympia", cậu đơn giản là con cháu của dòng họ, mong đến giờ giao thừa cùng gia đình xem pháo hoa.
Thành công đến từ nỗ lực
- Chào Việt Hoàng. Khi nhận danh hiệu một trong 10 '"Gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu" mới đây, Hoàng có cảm xúc gì? Sau "Siêu trí tuệ", cuộc sống của em có gì đổi khác?
- Em khá bất ngờ khi nhận danh hiệu "Gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu" bởi chỉ nghĩ mình được mời tới dự lễ tuyên dương, chứ không biết sẽ được vinh danh.
Sau "Siêu trí tuệ", em được nhiều người biết đến hơn. Tuy nhiên, em đã quen với điều này khi là thí sinh vào chung kết năm của "Đường lên đỉnh Olympia" 2017 nên đã biết cách giữ tâm lý ổn định để có được sự tập trung cần thiết.
Em hạn chế đọc bình luận và bớt thời gian lên mạng xã hội. Dù trước kia "nghiện" mạng xã hội, nhưng bây giờ, em hạn chế đọc bình luận và kết bạn với người không quen biết. Facebook với em đơn giản là nơi liên lạc với mọi người.
Việt Hoàng bày tỏ để học tốt chương trình của ĐH Bách khoa Hà Nội không phải dễ dàng. Ảnh: T.D. |
- Việt Hoàng được chú ý nhiều trên mạng xã hội khi là sinh viên, điều này có khiến bố mẹ em lo lắng?
- Bố em là sĩ quan quân đội, mẹ từng là giáo viên mầm non, hiện làm việc tại sân bay. Bố là người ít chia sẻ, chưa bao giờ muốn em nổi tiếng vì coi việc này như “con dao hai lưỡi”. Bố luôn muốn em tập trung cho con đường vào đại học, trở thành kỹ sư giỏi.
Bản thân em trải nghiệm nổi tiếng mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít hệ lụy. Điều quan trọng là mình biết tận dụng lợi thế đó như thế nào để có nhiều mối quan hệ, cơ hội hơn, biết đâu đó sẽ là con đường dẫn đến thành công.
"Siêu trí tuệ" vừa kết thúc. Khi chương trình lắng xuống, em sẽ có nhiều thời gian để tập trung cho việc học.
- Những cuộc thi trên truyền hình giúp Việt Hoàng học được những gì?
- Khi thi đấu "Đường lên đỉnh Olympia", em là người nhút nhát, thậm chí trận chung kết năm không dám chọn ngôi sao hy vọng. Điều này giúp em nhận ra bài học cuộc sống đôi khi cần liều lĩnh, nếu chỉ ở trong vùng an toàn mãi sẽ không thể thành công.
Đến "Siêu trí tuệ", trải nghiệm sự liều lĩnh, ở vòng một, em không nhìn ô chữ để giải. Vòng 3, dù giải ô chữ chỉ sau 3 phút, em đã phạm phải sai lầm là điều chỉnh đáp án sau khi đã bấm chuông. Với em, đó là bài học phải trả giá cho sự bất cẩn.
- Việt Hoàng cho rằng những thành công ban đầu của mình đến từ đâu, do bẩm sinh hay nỗ lực học tập?
- Nhà khoa học Thomas Edison từng nói: "Thiên tài do 1% bẩm sinh và 99% do nỗ lực mà có". Em nghĩ khả năng ghi nhớ của mình có một phần may mắn do "trời cho" khi lúc 2,3 tuổi đã nhớ được số điện thoại, biển số xe khá tốt. Bố mẹ cũng tạo điều kiện giúp em học hỏi điều này.
Muốn ghi nhớ tốt, em phải đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu. Em thường đọc và tìm hiểu sâu kiến thức khi cảm thấy hứng thú, đồng nghĩa với lúc não bộ hoạt động tốt nhất.
Với kiến thức mà mình không hứng thú, em đọc để hiểu cơ bản. Việc rèn luyện trong thời gian dài giúp em tìm được phương pháp tốt nhất để ghi nhớ, góp phần phát triển khả năng của não bộ.
Không đặt ra mục tiêu vượt qua Huy Hoàng
- Việt Hoàng và Huy Hoàng là sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội, cùng là đối thủ từ "Đường lên đỉnh Olympia" đến "Siêu trí tuệ". Mối quan hệ của các em thế nào?
- Em gặp Huy Hoàng từ "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2017. Trải qua các cuộc thi, chúng em không coi nhau là đối thủ, mà thường nói vui là "bạn khẩu nghiệp", luôn vui vẻ cùng nhau.
Đối với em, cuộc thi truyền hình chỉ là cuộc chơi. Em không đặt mục tiêu bằng mọi giá để vượt qua Huy Hoàng. Nếu có cuộc thi tiếp theo, chúng em sẽ luôn cố gắng hết mình.
Hà Việt Hoàng (thứ ba từ trái sang) gây ấn tượng trong chương trình "Siêu trí tuệ". Ảnh: NVCC. |
Vòng 2 của "Siêu trí tuệ", em đối đầu Huy Hoàng là phần thi đáng nhớ nhất, bởi cả hai đã rất cố gắng và nhận được phản hồi tốt từ khán giả.
Em và Huy Hoàng khá thân thiết, có điểm tương đồng về đam mê, tìm hiểu và thu thập kiến thức mới. Chúng em cùng là thành viên chung của một số hội nhóm trao đổi về các chủ đề nâng cao kiến thức của cộng đồng Olympia.
Tại huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, em cũng thành lập CLB Olympia từ năm 2017, tạo điều kiện giúp tất cả học sinh trong địa bàn huyện có sân chơi thú vị.
- Có khi nào Việt Hoàng thấy mình thất bại?
- Em thấy mình trưởng thành và tự tin hơn khi tham gia các cuộc thi truyền hình. Em luôn nghĩ nếu mình khép kín biết đâu sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Không ai toàn diện cả, chỉ có biết nhiều hay ít kiến thức mà thôi.
Em từng gặp thất bại khi thi cấp ba, "Đường lên đỉnh Olympia" và cả đại học. Nguyện vọng 1 vào ĐH Bách khoa của em bị thiếu 0,05 điểm. Nhóm ngành Thông tin Điện tử Viễn thông đang học là nguyện vọng 2. Ngày biết kết quả, em rất tiếc nuối nhưng bây giờ phải cố gắng với con đường đã chọn.
Nhiều người hỏi tại sao đam mê lịch sử, thể thao nhưng lại chọn ngành kỹ thuật. Em xác định đam mê tìm hiểu kiến thức là cảm hứng còn công việc lâu dài em cần làm với những ngành có tư duy tốt, trong đó có kỹ thuật.
- Việt Hoàng có dự định tham gia cuộc thi truyền hình nào khác không? Xa hơn, Việt Hoàng có nghĩ mình sẽ du học khi có cơ hội?
- Hiện tại, em cũng như nhiều sinh viên ĐH Bách khoa khác, gặp khó khăn với các môn đại cương. Học tốt chương trình của ĐH Bách khoa Hà Nội không bao giờ là dễ dàng. Thậm chí, em đang phải học lại một môn học.
Tương lai gần, em nghĩ mình sẽ không tham dự thêm các cuộc thi trền truyền hình, bởi đã bỏ ra khá nhiều thời gian cho "Siêu trí tuệ". Em cũng luôn nghĩ đến việc đi du học nếu có cơ hội.