Từ 6/3 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới Covid-19. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng.
Trong tầm kiểm soát
Về điều này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay việc tiếp tục ghi nhận các ca Covid-19 là điều đã được tính trước. Trong bối cảnh hiện nay, người dân cần hiểu nguy cơ bệnh xâm nhập không chỉ từ Trung Quốc, Hàn Quốc mà còn nhiều quốc gia khác. “Hiện nay, điều quan trọng nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh của người dân”, PGS Phu nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cũng cho biết đây không phải thời điểm người dân hoang mang khi nghe thông tin công bố các ca mắc mới.
“Khi có ca dương tính, điều cần làm là phải lý giải cho ra nguồn gốc. Nếu lý giải được thì không đáng lo vì chúng ta biết được nguồn lây. Đó là điều quan trọng nhất để đánh giá tốc độ ảnh hưởng của con virus này đối với một người không kiểm soát đi ra ngoài cộng đồng. Còn nếu lây trong gia đình thì bình thường”, bác sĩ Khanh phân tích.
PGS Phu cũng khuyến cáo người dân cần hiểu đúng để tránh tâm lý hoang mang, bất ổn. “Trường hợp ở Núi Trúc, Hà Nội khiến nhiều người sợ đi qua khu vực này sẽ bị lây. Tuy nhiên, sự thật là chúng ta phải có tiếp xúc gần, có giao tiếp thì mới lây nhiễm virus. Trong chung cư, phải có giao tiếp chung như tay nắm cửa, cầu thang máy... Chúng ta phải biết những thông tin này để có cách ứng xử phù hợp”, PGS Phu nói.
Đeo khẩu trang đúng cách để phòng nhiễm Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chủ động bảo vệ người thân
Bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân khi được thông báo có ca mới, ngay lập tức phải kiểm tra lại bản thân có liên quan hay không. Đây là điều quan trọng để bảo vệ người thân, đồng nghiệp và những người xung quanh mình.
“Nếu ca F1 âm tính thì nguyên chuỗi F2, F3, F4 sẽ không còn trong diện nghi ngờ. Và ngược lại”, bác sĩ Khanh hướng dẫn.
Ông khuyến cáo khi có bệnh, dù có nghi ngờ mắc Covid-19 hay không, người dân phải chủ động bảo vệ gia đình và đồng nghiệp bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay, tự cách ly,...
“Nhiều người khi có triệu chứng, nghĩ ngay tới việc đi xét nghiệm mà không chủ động tự ngăn nguồn lây từ mình sang người khác. Đó là điều rất sai lầm. Điều đó quá trễ nếu không may mình dương tính. Trước tiên, mỗi người phải chủ động bảo vệ cho người thân của mình bằng cách đeo khẩu trang khi có bệnh, hạn chế tiếp xúc gần, sau đó mới tham vấn y tế, xét nghiệm khi cần thiết. Khi đến cơ sở y tế, người dân phải khai thật”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Ông nhấn mạnh chúng ta phải chặn dịch bệnh chậm lại, dành sức để điều trị bệnh nhân. Người dân cần góp phần trong cuộc chiến này bằng cách hạn chế tiếp xúc, tự cách ly nếu có dấu hiệu nghi ngờ.
"Nếu tất cả cùng làm khiến số ca mắc mới tăng chậm lại, chắc chắn chúng ta sẽ thắng. Ngược lại, nếu không để ý như ca 34, chúng ta sẽ phải trả giá, trong đó, người thân, gia đình của mình sẽ phải trả giá đầu tiên”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
PGS Trần Đắc Phu cũng lưu ý người có những triệu chứng giống viêm phổi cấp như sốt, ho, khó thở phải đến cơ sở y tế hoặc phải khai báo y tế. Việc khai báo trung thực rất quan trọng để ngăn dịch bệnh.
Biện pháp phòng tốt nhất vẫn là vệ sinh cá nhân. Trong đó, đặc biệt chú ý rửa tay bằng xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn.