Phân tích
Tháng 11/2021 có thể xem là cột mốc quan trọng với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam khi 2 dòng xe điện VinFast VF e35 và VF e36 trình làng ở Los Angeles Auto Show (LA Auto Show), một trong những triển lãm ôtô nổi tiếng nhất nước Mỹ.
VinFast tỏ rõ quyết tâm làm khác khi bố trí bàn hướng dẫn ngay từ cổng triển lãm, trùm kín hai mẫu xe điện cho đến tận giờ G để tạo bất ngờ, trong khi các hãng xe khác không hề giấu giếm những model mới ngay từ lúc mở cửa. Sự kiện còn được làm nóng trên mạng xã hội bởi những người nổi tiếng trong giới đánh giá xe quốc tế.
VinFast cùng bộ đôi SUV điện đã cố gắng gây dấu ấn tại Mỹ, đồng thời mang đến nhiều quan tâm và kỳ vọng cho người dùng Việt Nam.
Tuy vậy, tuần trăng mật sẽ sớm qua đi, hành trình chinh phục thị trường Mỹ của VinFast chỉ vừa mới bắt đầu và còn nhiều thách thức chờ đợi phía trước.
"Bây giờ hoặc không bao giờ"
VinFast mới ra đời được vài năm, đang cho thấy tham vọng đón đầu kỷ nguyên xe điện. Đầu năm 2021, VinFast giới thiệu thông tin về 3 mẫu ôtô chạy điện VF31, VF32 và VF33, cùng với đó là mục tiêu phát triển thành một hãng xe điện hoàn toàn.
Trong kế hoạch đó, Bắc Mỹ vừa được xem là thị trường trọng tâm, vừa là bàn đạp tối quan trọng để tạo đà cho VinFast mở rộng kinh doanh khi đặt chân đến châu Âu.
Trụ sở của VinFast Mỹ tại California vừa đi vào hoạt động ở giữa tháng 11/2021. Ảnh: VinFast. |
Ngay trước thềm LA Auto Show 2021, ngày 16/11, hãng xe Việt Nam đã công bố việc đưa vào hoạt động trụ sở chính của VinFast Mỹ, tọa lạc tại khu vực Playa Vista thuộc thành phố Los Angeles, nơi có nhiều công ty công nghệ hoạt động.
Với diện tích ban đầu khoảng 1.400 m2, tổng hành dinh mới tại phía nam bang California sẽ được đầu tư ban đầu 200 triệu USD và trở thành nơi để VinFast triển khai kế hoạch phát triển ở Mỹ.
Bước tiếp theo từng được VinFast xác nhận hồi tháng 10 là xây dựng hệ thống 60 showroom vào năm tới để kinh doanh VF e35 và VF e36 ở xứ cờ hoa. Hãng sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho VinFast VF e35 và VF e36 vào giữa năm 2022, sau đó sẽ bàn giao xe đến khách hàng từ cuối năm sau.
CEO Michael Lohscheller xác nhận VinFast có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ trong vòng 3 năm tới. Ảnh: VinFast. |
Trong bài phỏng vấn với CNN cách đây một tuần, CEO Lohscheller xác nhận rằng cơ sở sản xuất đầu tiên đặt ở nước ngoài của VinFast dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn nửa sau của năm 2024 và hoàn thiện chuỗi cung ứng, kinh doanh tại Mỹ của hãng xe điện Việt Nam. Trước mắt, VinFast VF e35 và VF e36 sẽ được hoàn thiện tại nhà máy Hải Phòng và xuất khẩu sang Mỹ.
Đây là thời điểm "bây giờ hoặc không bao giờ"
Giáo sư Peter Wells, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ngành xe hơi tại Đại học Cardiff
Nhận định về kế hoạch kinh doanh xe điện của VinFast, Giáo sư Peter Wells, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ngành xe hơi tại Đại học Cardiff nói với Zing rằng đây là thời điểm "bây giờ hoặc không bao giờ" khi mà xu hướng chuyển đổi sang ôtô chạy bằng pin đang thúc đẩy toàn bộ ngành công nghiệp tái cấu trúc. Dù vậy, ông Peter Wells cũng đặt dấu hỏi về việc liệu VinFast có đủ nguồn lực để thâm nhập vào lĩnh vực ôtô điện hay không.
Nhận diện thương hiệu phải là ưu tiên hàng đầu
Sau sự kiện ra mắt sản phẩm tại LA Auto Show 2021, chiến lược kinh doanh của VinFast được hé lộ rõ ràng hơn thông qua chia sẻ từ ông Michael Lohscheller và bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc điều hành VinFast Mỹ.
Trước mắt, hãng xe Việt Nam sẽ bán ôtô điện cho khách hàng Mỹ qua kênh trực tuyến trên website và hệ thống các cửa hàng tại bang California do chính VinFast điều hành. Đây là cách làm tương tự 2 công ty xe điện Mỹ là Tesla và Rivian đang thực hiện.
Chính sách bán hàng và cho thuê pin sẽ là giải pháp để VinFast tạo khác biệt tại Mỹ. Ảnh: VinFast. |
VinFast dự định áp dụng mô hình cho thuê pin ôtô điện đối với VF e35 và VF e36 sắp bán ra tại Mỹ, tương tự cách thức tiếp cận thị trường của VF e34 tại thị trường nội địa. Chính sách thuê pin xe điện có thể giúp VinFast giảm giá bán ban đầu cũng như tối ưu chi phí sử dụng cho người dùng.
2 dòng ôtô điện VinFast được hưởng chế độ bảo hành 10 năm, dài nhất trên thị trường, có thể tạo nên sự khác biệt và tăng sức cạnh tranh cho VinFast với các nhà sản xuất khác.
VinFast phải tạo dựng được độ nhận diện về thương hiệu và sau đó chuyển hóa điều đó thành sự quan tâm, cân nhắc dành cho sản phẩm
Ông Michael Lohscheller, CEO VinFast
“Chúng tôi có giá bán hấp dẫn và chi phí sử dụng hợp lý, nhưng hiện tại chưa nhiều người dùng ở thị trường quốc tế biết đến VinFast. Vì vậy, trước tiên VinFast phải tạo dựng được độ nhận diện về thương hiệu và sau đó chuyển hóa điều đó thành sự quan tâm, cân nhắc dành cho sản phẩm", vị CEO người Đức Michael Lohscheller trả lời tạp chí Automotive News.
"VinFast sẽ có cơ hội nếu khác biệt"
Tất nhiên, các kế hoạch và dự định của VinFast cần thời gian để chứng minh hiệu quả khi mà thị trường xe điện Mỹ hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt.
Trao đổi với Zing, Giáo sư Peter Wells cho rằng VinFast không phải là nhà sản xuất ôtô điện non trẻ duy nhất muốn thiết lập sự hiện diện ở Bắc Mỹ và châu Âu. Hãng xe Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các công ty mới nổi của Mỹ và Trung Quốc như Lucid, Xpeng, BYD...
Tiếp đến là những thương hiệu ôtô thuần điện thuộc sở hữu của các nhà sản xuất Trung Quốc có tiềm lực lớn, ví dụ Geely sở hữu Volvo, Polestar, Lynk & Co, LEVC... Đó là chưa kể đến những hãng xe có ưu thế về khâu sản xuất, chẳng hạn Tesla, BMW hay Volkswagen đều xuất khẩu ôtô điện từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ để tối ưu chi phí vận hành.
VinFast VF e35 và VF e36 sẽ được sản xuất tại Việt Nam và bán ra ở Mỹ từ cuối năm 2022. Ảnh: VinFast. |
Trong khi đó, khi được hỏi về tính khả thi của chính sách cho thuê pin mà VinFast dự định triển khai ở Mỹ, ông Sam Jaffe, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Cairn Energy Research Advisors cho rằng chiến lược này của hãng xe Việt Nam không mấy phù hợp tại Mỹ. Nếu như không sở hữu viên pin, ông Jaffe cho rằng người dùng hoàn toàn có thể thuê xe điện chứ không cần mua.
"Tôi chưa nghĩ ra sản phẩm nào mà bạn mua một phần, và thuê phần còn lại. Chính sách cho thuê pin sẽ phát huy tác dụng rõ ràng nhất khi nhà sản xuất triển khai được một hệ thống hoán đổi pin cho ôtô điện", ông Jaffe nói, và nhận định thêm hệ thống này chưa từng xuất hiện trong những tuyên bố của VinFast.
VinFast có cơ hội thành công tại thị trường Mỹ chỉ khi họ có một sản phẩm đủ khác biệt
Sam Jaffe, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Cairn Energy Research Advisors
Trên thế giới, hãng xe điện Trung Quốc Nio cũng áp dụng chính sách cho thuê pin, đi cùng công nghệ thay pin nhanh chóng khi đưa xe vào trạm đổi pin mới thay vì phải chờ sạc. Cách làm này tách quyền sở hữu bộ pin riêng lẻ khỏi xe một cách hiệu quả, giúp giảm giá thành và có thể hấp dẫn một số người tiêu dùng, Giáo sư Peter Wells nhận xét.
Nói về tiềm năng của VinFast tại thị trường Mỹ, ông Sam Jaffe cho rằng hãng xe Việt Nam cần đưa ra thêm những sản phẩm đủ khác biệt.
“Nhìn từ những mẫu xe được trưng bày tại LA Auto Show, VinFast dường như muốn cạnh tranh ở phân khúc ôtô điện hạng trung mà nhiều thương hiệu khác cũng đang theo đuổi. Sẽ không dễ để họ nổi bật với điều đó. Nếu VinFast theo đuổi phân khúc phổ thông của thị trường Mỹ, họ có thể có cơ hội tốt hơn vì hầu như không có sự cạnh tranh đáng kể nào ở thời điểm hiện tại”, ông Jaffe nói thêm.
Có cùng nhận định này, Giáo sư Peter Wells cho rằng bên cạnh tham vọng thể hiện qua sự kiện và các tuyên bố, VinFast vẫn cần dải sản phẩm rộng, khác biệt hơn, cũng như doanh số cao mới có thể cạnh tranh ở thị trường Mỹ, châu Âu.
Dù vậy, Stephanie Brinley, nhà phân tích thị trường ôtô của IHS Markit nói với Automotive News rằng việc cạnh tranh trực diện với các công ty Mỹ như Rivian, Lucid hay Tesla có thể ít nhiều giúp ích cho hãng xe Việt Nam.
Theo bà Brinley, những khách hàng quan tâm và tìm hiểu xe điện giờ đã quen với việc nhìn thấy những cái tên mới mẻ, ở trường hợp này là VinFast với 2 dòng SUV điện vừa ra mắt tại LA Auto Show.
Bên cạnh đó, chuyên gia của IHS Markit còn nhận định VinFast đang đi theo mô hình của những nhà sản xuất ôtô châu Á trước đây từng nỗ lực gia nhập thị trường Mỹ.
VinFast đang đi theo mô hình của những nhà sản xuất ôtô châu Á trước đây từng nỗ lực gia nhập thị trường Mỹ
Bà Stephanie Brinley, nhà phân tích thị trường ôtô của IHS Markit
Bà Stephanie Brinley nhắc đến việc Hyundai và Kia đã thành công khi thuyết phục khách hàng bằng các giá trị khác biệt mà họ có thể nhận được với một mức giá cạnh tranh. Xa hơn, nhiều thập kỷ trước các thương hiệu Nhật Bản như Toyota, Honda hay Subaru đã bắt đầu kinh doanh tại Mỹ với chiến lược tương tự.
Thị trường Mỹ đón nhận không ít những thương hiệu ôtô nước ngoài thành công, từ Toyota, Lexus cho tới Mazda hay Subaru. Điều này tạo nên động lực không nhỏ cho VinFast khi bước những bước đi đầu tiên trên nước Mỹ.
Cơ hội luôn đi kèm với thách thức, sự cạnh tranh từ các hãng xe non trẻ khác cộng với sự nghiêm túc của những hãng xe lâu đời trong mảng xe điện trong 2 năm qua sẽ là thử thách lớn mà VinFast cần đối mặt.