Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Virus corona xáo tung mọi thứ, nhưng cũng mở ra hy vọng ở Hàn Quốc

Nỗ lực trong nhiều năm của Hàn Quốc để giải quyết các vấn đề xã hội nhức nhối tưởng chừng như “công cốc” lại có thể được đền đáp trong bối cảnh Covid-19 hoành hành.

virus corona chung moi anh 1

Virus corona xáo tung mọi thứ, nhưng cũng mở ra hy vọng ở hàn quốc

Nỗ lực trong nhiều năm của Hàn Quốc để giải quyết các vấn đề xã hội nhức nhối tưởng chừng như “công cốc” lại có thể được đền đáp trong bối cảnh Covid-19 hoành hành.

virus corona chung moi anh 2

Steven Borowiec

Nhà báo

Steven Borowiec là nhà báo, phát thanh viên đang sinh sống và làm việc ở Seoul (Hàn Quốc). Borowiec từng cộng tác với nhiều báo như Guardian (Anh), Al Jazeera (Qatar) hay Wall Street Journal (Mỹ). Anh còn từng là phát thanh viên của đài BBC (Anh) và NPR (Mỹ). Ngoài Hàn Quốc, Borowiec từng làm việc tại Hy Lạp, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Canada, Philippines, Myanmar và Mông Cổ. Đây là bài viết riêng của anh cho Zing.vn.

Biểu đồ số ca nhiễm virus corona chủng mới ở Hàn Quốc gần giống như một vách đá cheo leo dựng đứng: Con số thống kê tăng từ 30 lên gần 2.000 ca bệnh chỉ trong vài ngày, và vẫn tăng thêm vài trăm ca mỗi ngày.

Người dân Hàn Quốc giờ đây có thói quen mới: bật TV hoặc theo dõi chương trình trực tiếp trên Internet hai lần/ngày để cập nhật tin tức ảm đạm về số ca tử vong do dịch bệnh.

Tính tới chiều ngày 4/3, tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại Hàn Quốc là 5.621, con số cao nhất bên ngoài Trung Quốc, tâm điểm bùng phát dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19).

Tuy nhiên trong bối cảnh đó, hãy nhìn vào mặt tích cực của vấn đề.

Dịch bệnh càn quét khiến cuộc sống của người dân Hàn Quốc đảo lộn, nhưng cũng đưa họ đến gần nhau hơn. Và bằng cách nào đó, nó tạo ra khoảng lặng tạm thời cho vấn nạn ô nhiễm môi trường, hay thậm chí có thể mang lại hy vọng để cải thiện tỷ lệ sinh thấp chưa từng có ở nước này.

Dịch bệnh càn quét khiến cuộc sống của người dân Hàn Quốc đảo lộn, nhưng cũng đưa họ đến gần nhau hơn.

Tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc trong năm 2019 đạt 0,92 trẻ, mức thấp kỷ lục. Với con số này, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tổng tỷ suất sinh dưới 1 trẻ trong 2 năm liên tiếp trong giai đoạn 2018 - 2019.

Kể từ năm 2005, chính phủ nước này đã chi hơn 136 nghìn tỷ won (121 tỷ USD) cho các biện pháp tăng tỷ lệ sinh, chủ yếu thông qua các chiến dịch khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con, nhưng không thành công. Kết quả của xu hướng được mệnh danh như "cuộc đình công sinh nở" là dân số hơn 51 triệu người của Hàn Quốc hiện nay được dự đoán bắt đầu giảm từ năm 2028.

Nỗ lực trong nhiều năm của Seoul tưởng chừng như “công cốc” có thể được đền đáp trong bối cảnh Covid-19 hoành hành. Do được nghỉ làm hoặc làm ở nhà, các cặp vợ chồng Hàn Quốc có nhiều thời gian hơn cho nhau. Có người nửa đùa nửa thật rằng biết đâu được, khoảng 10 tháng nữa kể từ thời điểm này, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc sẽ tăng đột biến, từ mức rất thấp như hiện nay.

Kỳ nghỉ dài ngày vì Covid-19 là cơ hội tuyệt vời để các bậc phụ huynh dành thời gian cho con cái mà không sợ bị kỳ thị hay mất việc. Con cái nghỉ học, cha mẹ nghỉ làm cũng khiến các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn.

Dù chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách cho phép người chồng nghỉ làm trong thời gian vợ sinh con, tư tưởng chồng đi làm, vợ ở nhà chăm con vẫn cản trở nhiều người cha sử dụng quyền lợi này. Theo số liệu từ Bộ Lao động Hàn Quốc, chỉ gần 70% nhân viên tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể trở lại làm việc sau khi “nghỉ làm cha”. Điều này dẫn đến xung đột giữa nhu cầu của gia đình và thái độ từ xã hội.

Con cái nghỉ học, cha mẹ nghỉ làm cũng khiến các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn.

Để phòng ngừa dịch bệnh, phương tiện lưu thông ít đi khiến bầu trời mờ mịt vì khói bụi giờ đây trở nên trong xanh. Bầu không khí náo nhiệt, ồn ào thường ngày tại các đô thị lớn như Seoul giờ yên tĩnh kỳ lạ.

Các sự kiện, hoạt động lớn tập trung đông người đều bị hủy bỏ. Vào thời kỳ khủng hoảng như hiện nay, người dân cũng tìm đến nhau để có được sự an ủi, nhưng phải hạn chế tương tác trực tiếp.

Nhiều câu chuyện về lòng tốt giữa người với người cũng được chia sẻ rầm rộ, như danh sách gần 100 nghệ sĩ Hàn Quốc quyên tiền và khẩu trang cho người dân chống dịch.

Làm sao để hài lòng giới chỉ trích?

Trong khi đó, Tổng thống Moon Jae In đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích chủ yếu đến từ phe cánh hữu vì không áp dụng các biện pháp quyết liệt chống dịch Covid-19, như cấm người Trung Quốc nhập cảnh.

Ông Moon lập luận rằng tất cả cảng của Hàn Quốc đều đang áp dụng biện pháp phòng ngừa và kiểm dịch tối đa. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, và bằng cách mở cửa biên giới, Tổng thống Moon đang nỗ lực giảm thiểu thiệt hại từ dịch Covid-19 đối với nền kinh tế nước này.

Tôi không phải là chuyên gia, nhưng giới nghiên cứu chỉ ra rằng việc đóng cửa biên giới không phát huy nhiều tác dụng trong việc ngăn chặn bệnh truyền nhiễm. Thậm chí biện pháp này có thể khiến tình hình tồi tệ hơn.

Nói với NPR, các chuyên gia y tế công cộng cho rằng lệnh cấm nhập cảnh hoàn toàn và đình chỉ mọi giao dịch thương mại xuyên biên giới có thể dẫn đến tình trạng thiếu thiết bị và vật tư cần thiết cho công tác chống dịch bệnh. Cách tốt hơn hết vẫn là khuyến cáo bất kỳ ai có triệu chứng nhiễm bệnh đi xét nghiệm và cách ly nếu cần thiết.

Đóng cửa biên giới không phát huy nhiều tác dụng trong việc ngăn chặn bệnh truyền nhiễm.

Ngay cả những người chỉ trích gay gắt nhất về công tác ứng phó của chính phủ Hàn Quốc cũng không thể khẳng định rằng Seoul đã thất bại và không giúp được gì cho người dân.

Mỗi ngày, điện thoại của họ nhận được hàng loạt tin nhắn cảnh báo của chính phủ về số ca bệnh mới trong khu vực họ sinh sống, nhắc nhở về các triệu chứng của Covid-19 và khuyến cáo nên thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi ra ngoài trời.

Cơ quan Y tế Cộng đồng Hàn Quốc đang tiến hành khử trùng các địa điểm công cộng và chẩn đoán cho người dân trên diện rộng. Hôm 3/3, ông Moon chính thức “tuyên chiến” với dịch Covid-19 và đặt tất cả cơ quan chính phủ trong tình trạng báo động 24/7. Ông cũng tuyên bố kế hoạch bơm 30 nghìn tỷ won (25 tỷ USD) trực tiếp hoặc gián tiếp cho công tác ứng phó dịch bệnh.

Vì vậy, đối với bất cứ ai nghĩ rằng chính phủ Hàn Quốc đang áp dụng những biện pháp mờ nhạt hay “đem con bỏ chợ”, Seoul còn phải làm gì nữa để họ hài lòng?

Tình trạng hiện nay có thể coi chỉ là vận xui của Hàn Quốc, chứ không phải thất bại của chính phủ.

“Vận xui” này có liên quan mật thiết đến giáo phái Tân Thiên Địa, khi bệnh nhân đầu tiên của phái này đã lây nhiễm cho hàng trăm người. Bệnh nhân số 31, được coi là người “siêu lây nhiễm”, bị sốt vào ngày 10/2, nhưng đã tham dự ít nhất bốn buổi lễ tại nhà thờ ở tâm dịch Daegu trước khi được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới.

Tại các buổi lễ, tín đồ Tân Thiên Địa ngồi gần nhau trên sàn nhà, cầu nguyện tập thể trong khi không được phép đeo khẩu trang. Giới chuyên gia cho rằng đây là điều kiện lý tưởng để virus lây lan.

Đối với bất cứ ai nghĩ rằng chính phủ Hàn Quốc đang áp dụng những biện pháp mờ nhạt hay "đem con bỏ chợ", Seoul còn phải làm gì nữa để họ hài lòng?

Sau nhiều ngày đối mặt làn sóng phẫn nộ, phái Tân Thiên Địa đã giao nộp danh sách 212.000 tín đồ cho chính quyền để kiểm tra triệu chứng nhiễm virus corona chủng mới.

Tuy nhiên, trước đó, giáo phái này tuyên bố có 240.000 tín đồ. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về tính chính xác của danh sách nói trên. Hiện hơn 60% ca bệnh ở Hàn Quốc là tín đồ Tân Thiên Địa.

Khoảng 600 cảnh sát tại tâm dịch Daegu đã được điều động để truy lùng tín đồ của giáo phái này bằng cách gõ cửa tận nhà, lần theo sóng điện thoại, dò hình ảnh camera an ninh, vì các tín đồ Tân Thiên Địa thường không trả lời điện thoại từ những người không cùng phái.

Với một chút may mắn, Cơ quan Y tế Cộng đồng Hàn Quốc hy vọng sẽ có thể kiềm chế sự lây lan của Covid-19.

Người Hàn Quốc luôn tự hào về khả năng vượt qua khủng hoảng. Trong lịch sử đương đại, đất nước này từng chiến thắng trong chiến tranh và vượt qua khủng hoảng kinh tế.

Với tinh thần lạc quan, người dân xứ kim chi vẫn sẽ tiếp tục truyền thống của mình: làm việc chăm chỉ hơn và nỗ lực hết sức có thể để tiếp tục “cuộc chiến” chống Covid-19.

Steven Borowiec

Đồ hoạ: Phượng Nguyễn - Biên dịch: Nguyên Thảo

Bạn có thể quan tâm