Sáng 2/10, phiên tòa xét xử vụ án Dùng nhục hình và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Sóc Trăng tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn.
Các luật sư bào chữa cho cựu đại úy Triệu Tuấn Hưng tập trung hỏi bị hại và những người có liên quan.
Cựu thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân (nguyên Đội trưởng, điều tra viên) không có luật sư bào chữa. Anh này được HĐXX tạo điều kiện để hỏi những người liên quan là các cảnh sát được triệu tập đến tòa.
Bị cáo Quân đặt câu hỏi với những người có liên quan. Ảnh: Việt Tường. |
Trong những lần trả lời HĐXX trước đó, bị cáo Quân cho rằng, cơ quan điều tra mời chị Nguyễn Thị Bé Diễm và anh Thạch Sô Phách đến làm việc nhưng lập "biên bản đầu thú" là sai quy định.
Theo bị cáo Quân, việc "hợp thức hóa" hồ sơ đầu thú của nghi can nhằm giúp họ có tình tiết giảm nhẹ, sau này được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Kết thúc phần xét hỏi liên quan đến Quân và Hưng, HĐXX thẩm vấn bị cáo Phạm Văn Núi (nguyên kiểm sát viên) để làm rõ cáo buộc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Núi khai, bị cáo này làm kiểm sát viên từ năm 1992, tại VKSND TP Sóc Trăng. Cuối tháng 6/2013, ông chuyển về Phòng 1A của VKSND tỉnh Sóc Trăng thì vài ngày sau xảy ra vụ lái xe ôm Lý Văn Dũng (ngụ huyện Trần Đề) bị sát hại.
Được lãnh đạo phân công kiểm sát điều tra vụ án của anh Dũng, ông Núi tham gia đầy đủ các buổi khám nghiệm tử thi, hiện trường, họp đánh giá vụ việc cùng với cơ quan công an... Dựa vào hồ sơ của cơ quan điều tra, ông Núi cho rằng, bản thân phát hiện một số mâu thuẫn nhưng không lớn.
Sau khi kiểm tra lời khai của 7 nghi can, nguyên kiểm sát viên thấy 5 người khai khá trùng khớp với nhau về thời gian, địa điểm, cách thức gây án... Bị cáo này cũng phát hiện 2 thanh niên không thừa nhận hành vi giết người là anh Thạch Mươl và Khâu Sóc.
Ông Núi cho rằng, đã quá tin vào những hồ sơ "hoàn hảo" nhưng thực chất đó là hồ sơ sai lệch, không đúng sự thật. Ảnh: Việt Tường. |
Lúc này, ông Núi nhận được đề nghị của cơ quan điều tra về việc bắt khẩn cấp Mươl và Sóc. Trước khi đề nghị lãnh đạo phê chuẩn lệnh bắt, bị cáo Núi gặp 2 thanh niên này và họ đều không thừa nhận hành vi giết người.
"Đúng ra, sau khi gặp 2 người không nhận tội thì phải lập biên bản đưa vào hồ sơ. Thiếu sót của bị cáo là ở chỗ này vì thấy hồ sơ của công an quá hoàn hảo. Hồ sơ có đến 2 người đầu thú thì quá chắc chắn", ông Núi trình bày.
HĐXX đặt vấn đề về trách nhiệm của kiểm sát viên khi để xảy ra vụ bắt oan 7 người, bị cáo 57 tuổi nói nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ hồ sơ điều tra sai lệch, không đúng sự thật.
"Bị cáo tin vào những hồ sơ hết sức hoàn hảo. Bị cáo có trách nhiệm trong vụ bắt oan nhiều người nhưng chưa đến mức phải ngồi tại đây. Bị cáo có sai nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. VKSND tối cao truy tố bị cáo là quá nghiêm khắc", ông Núi nói.
Chiều nay, phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi.
Theo hồ sơ tố tụng, quá trình điều tra vụ án Giết người xảy ra tháng 7/2013 tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), Quân và Hưng được cấp trên huy động. Hai người này có hành vi dùng nhục hình đối với anh Trần Văn Đở, Thạch Sô Phách và Khâu Sóc, mục đích ép buộc họ khai nhận đã giết ông Lý Văn Dũng (chạy xe ôm ở huyện Trần Đề).
Cáo trạng của VKSND tối cao cáo buộc, nguyên thiếu tá Quân và đại úy Hưng dùng nhục hình với Đở, Phách, Sóc tại phòng làm việc của PC45 Công an Sóc Trăng. Họ lấy khóa số 8 treo tay người bị tình nghi vào khung sắt cửa sổ, chỉ để 2 đầu bàn chân chạm sàn nhà.
Nguyên đại úy Hưng được cho là dùng tay đánh, thúc đầu gối vào bụng anh Đở để ép người này khai nhận việc giết ông Dũng. Quân cũng treo tay nghi can như đồng nghiệp của mình, rồi đấm đá anh Đở.
Cơ quan công tố cho rằng, Hưng không chỉ treo tay anh Phách bằng khóa số 8 mà còn dùng dùi cui cao su đánh mạnh vào chân anh này.
Sáng 20/7/2013, nghi can tiếp tục bị Hưng treo hai tay. Nguyên đại úy dùng khăn lau bàn gói cục đá lạnh, đặt vào bộ phận sinh dục của anh Phách.
Từ việc ép những thanh niên phải nhận tội, Công an Sóc Trăng đã bắt tạm giam 3 nạn nhân Đở, Phách, Sóc và 4 người bạn của họ là Thạch Mươl, Trần Hol, Trần Cua và Nguyễn Thị Bé Diễm.