Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ chồng trẻ Trung Quốc phải nhờ bố mẹ nuôi con vì kiệt sức

Ở vùng nông thôn thuộc một số tỉnh miền Đông Trung Quốc, nhiều cặp vợ chồng trẻ sống chung với bố mẹ sau khi kết hôn để san sẻ gánh nặng nuôi con và gánh vác nghĩa vụ đôi bên.

China Women News đưa tin trong kiểu hôn nhân được gọi là “Liang tou hun” (nghĩa đen là “hôn nhân hai bên”), đôi vợ chồng trẻ - cả hai đều là con một trong gia đình - chọn ở cùng nhà với bố mẹ một trong hai bên.

Họ thường có hai con, một theo họ bố và chủ yếu do gia đình nội nuôi dưỡng. Đứa trẻ còn lại lấy họ mẹ và được nhà ngoại chăm sóc.

Xu hướng này xuất hiện ở nhiều vùng nông thôn thuộc các tỉnh Chiết Giang và Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, trong những năm gần đây.

Yang Huili - luật sư từ Công ty Luật Nuoliya ở Chiết Giang - cho biết kiểu hôn nhân này bắt nguồn từ nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả, nơi các cặp vợ chồng trẻ không còn sức lực, thời gian để chăm sóc con cái và phải dựa dẫm vào bố mẹ.

Luật sư Yang nói thêm sự phụ thuộc vào gia đình ban đầu cũng là kết quả của khả năng sống độc lập của một số đứa con một khi trưởng thành còn kém.

Vo chong tre Trung Quoc phai nho bo me nuoi con anh 1

Do nhịp sống hiện đại hối hả, nhiều cặp vợ chồng trẻ không còn sức lực, thời gian để chăm sóc con cái và phải dựa dẫm vào bố mẹ. Ảnh: VCG.

Giảm bớt vấn đề già hóa

Nhiều chuyên gia nhận định “Liang tou hun” có một số ưu điểm.

Theo luật sư Yang Hong từ Công ty Luật Siwei ở Chiết Giang, việc chú rể không cần tặng quà đính hôn đắt tiền cho nhà gái và cô dâu không phải trả của hồi môn đã giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho đôi bên. Điều này cũng kích thích nhiều người trẻ tuổi kết hôn hơn.

Bà Yang cho biết “hôn nhân hai bên” cũng giúp giảm bớt vấn đề già hóa trong xã hội Trung Quốc bằng cách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh hai con.

Nữ luật sư nói thêm do mỗi đứa trẻ đều lấy họ bố hoặc mẹ, kiểu hôn nhân mới này cũng có thể ngăn ngừa những tranh chấp về họ tên và việc nuôi dạy con cái.

Du Peng - luật sư từ Công ty Luật Shunbo ở Chiết Giang - cho biết “hôn nhân hai bên” ít gây áp lực tinh thần hơn cho những người đàn ông phải sống với gia đình vợ sau khi kết hôn do có gia thế kém hơn.

Trong kiểu hôn nhân này, áp lực tinh thần dành cho người đàn ông sẽ được giảm bớt khi hai vợ chồng không có gánh nặng tài chính.

Vo chong tre Trung Quoc phai nho bo me nuoi con anh 2

Trong “Liang tou hun”, bố mẹ sẽ giúp con cái nuôi dưỡng cháu.

Tranh cãi

Bên cạnh ưu điểm, “Liang tou hun” cũng tồn tại một số mặt tiêu cực.

Kiểu hôn nhân mới này có thể giúp thắt chặt tình cảm của các cặp vợ chồng trẻ và gia đình bố mẹ họ. Tuy nhiên, tính toàn vẹn của gia đình hạt nhân sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời sự thân mật của cặp vợ chồng có thể bị suy giảm, theo luật sư Yang Huili.

Trong nhiều trường hợp, các cuộc cãi vã nổ ra khi vợ chồng bất đồng về nhiều vấn đề, chẳng hạn là thời gian sống với gia đình hai bên được phân bổ không đồng đều.

Xiao Xi và chồng Xiao Zheng (đến từ Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang) đều là con một sinh sau năm 1985. Xiao Zheng từng từ chối đến thăm viếng mộ bên gia đình vợ trong lễ Thanh Minh và coi đó là sự ô nhục. Bởi trong xã hội phụ hệ truyền thống, nhiệm vụ của phụ nữ là phải đến thăm viếng mộ bên gia đình chồng.

Ngoài ra, việc tách con cái ra để nuôi dạy còn gây ra một số vấn đề như thích đứa này hơn đứa kia.

Luật sư Yang nói: “Sự thiên vị sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa những đứa trẻ và khiến chúng khó hòa nhập vào gia đình hơn”, đặc biệt là khi hai đứa trẻ của một cặp vợ chồng sống tách biệt trong thời gian dài.

Vo chong tre Trung Quoc phai nho bo me nuoi con anh 3

Trong nhiều trường hợp, các cuộc cãi vã nổ ra khi vợ chồng bất đồng về nhiều vấn đề, chẳng hạn là thời gian sống với gia đình hai bên được phân bổ không đồng đều. Ảnh: VCG.

Về triển vọng của kiểu “hôn nhân hai bên”, các chuyên gia đưa ra ý kiến ​​khác nhau.

Luật sư Yang Huili cho biết “Liang tou hun” là kết quả của chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt ở Trung Quốc. Khi những hạn chế về sinh con được nới lỏng và các cặp vợ chồng được khuyến khích sinh nhiều hơn một con, nhu cầu về cuộc hôn nhân như vậy sẽ giảm đi. Do đó, hiện tượng này sẽ dần biến mất.

Vị chuyên gia cho biết khi dịch vụ gia đình chuyên nghiệp hơn được cung cấp và những cải tiến đối với hệ thống giáo dục, đặc biệt là đối với trẻ em mẫu giáo, các cặp vợ chồng trẻ sẽ dễ dàng tách khỏi gia đình ban đầu của mình hơn.

Ở chiều ngược lại, nữ luật sư Yang Hong cho biết “hôn nhân hai bên” sẽ trở nên phổ biến hơn.

Theo bà, với nền giáo dục được cải thiện cùng tiến bộ xã hội, thái độ của người dân đối với việc kết hôn, nhận con nuôi sẽ trở nên cởi mở hơn và nỗi ám ảnh về việc nối dõi tông đường sẽ giảm bớt.

Đôi vợ chồng Trung Quốc ly hôn vì đều muốn con mang họ mình

Chỉ sau 3 tháng kết hôn, Chen Jun và Lin Li dứt khoát đường ai nấy đi vì không thể thống nhất chuyện con sẽ mang họ của bên nào.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm