Choi Soul trong phòng riêng ở căn hộ với giá thuê 7 USD/tháng dành cho người trẻ tuổi ở quận Dongjak, Seoul. Ảnh: Los Angeles Times. |
“Sau khi nhận được tin nhắn thông báo tôi đã thuê được căn hộ, tôi xem đi xem lại trong suốt một tuần liền”, nữ sinh viên đại học 24 tuổi chia sẻ với Los Angeles Times. “Tôi cảm thấy cuối cùng mình cũng có thể bắt đầu tiết kiệm cho tương lai”.
"Tôi không nghĩ bất cứ ai ở độ tuổi của tôi có thể mua nhà ở đây"
Căn hộ mới tinh nhỏ gọn - có diện tích 21 m2 - nhưng được trang bị máy điều hòa không khí, bếp từ, tủ lạnh, máy giặt và nhiều tủ âm tường.
Choi mới chuyển đến vào đầu tháng 5 và chỉ cần đặt mua thêm một chiếc giường.
Là một phần của khu nhà ở công cộng mới ở quận Dongjak của Seoul có tên là Yangnyeong Youth House, căn hộ studio được trợ giá rất nhiều dành cho những người như Choi: những người trẻ Hàn Quốc đang chật vật tìm nơi sinh sống.
Với dân số 10 triệu người, Seoul là một trong những thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới. Giá trung bình của một căn hộ đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua lên khoảng 685.000 USD.
Mua nhà ở đây thường được ví như việc “cạo mòn tâm hồn”.
“Tôi không nghĩ bất cứ ai ở độ tuổi của tôi có thể mua nhà ở đây”, Choi nói. “Có lẽ thế hệ tiếp theo sẽ dễ dàng hơn”.
Thuê nhà cũng không khá hơn là bao.
Tính đến tháng 12/2023, giá thuê trung bình hàng tháng đối với các căn hộ có diện tích dưới 33 m2 ở Seoul là 457 USD - tăng 15% kể từ năm 2021, theo dữ liệu của chính phủ được nhóm vận động nhà ở Minsnail Union phân tích.
Ở một số khu đại học, những căn hộ dành cho một người hiện có giá lên tới 700 USD.
Đối với Choi, với thu nhập ở mức lương tối thiểu quốc gia 7 USD/ giờ trong vai trò một nhà quay phim tự do trong khi theo đuổi bằng đại học báo chí truyền hình, mức giá thuê căn hộ nói trên giống như “bị mắc kẹt ở cánh cổng đầu tiên của tuổi trưởng thành”.
Ngoài hoạt động đầu cơ bất động sản, những thay đổi gần đây về sở thích thuê nhà và nhân khẩu học của Hàn Quốc cũng là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở.
Cho đến gần đây, hầu hết người dân thuộc tầng lớp trung lưu của xứ sở kim chi đều thuê nhà thông qua một hệ thống đặc thù gọi là jeonse. Thay vì trả tiền thuê nhà hàng tháng, người thuê trả cho chủ nhà một khoản đặt cọc lên tới 70% giá trị thị trường của tài sản, sau đó không phải trả bất kỳ khoản tiền thuê nhà hàng tháng nào trong vòng 2 năm. Khi hết hợp đồng, người thuê được trả lại tiền đặt cọc đầy đủ.
Về lâu dài, đó là một đề xuất đôi bên cùng có lợi.
Các khoản trả lãi cho khoản vay jeonse thường thấp hơn so với tiền thuê nhà, cho phép người thuê nhà có thể tiết kiệm tiền mua nhà tốt hơn. Đối với chủ nhà, số tiền đặt cọc một lần thực tế đóng vai trò là khoản vay không lãi suất mà họ có thể sử dụng để đầu tư vào cổ phiếu hoặc bất động sản.
Tuy nhiên một loạt vụ lừa đảo nổi lên, trong đó chủ nhà đầu tư không thuận lợi từ chối trả lại tiền đặt cọc, ngày càng khiến người thuê nhà e ngại mô hình jeonse và chuyển sang trả tiền thuê nhà bằng tiền mặt - một lựa chọn trước đây chủ yếu dành cho người trẻ hoặc người nghèo.
Người Hàn Quốc cũng đang ngày càng kết hôn muộn hơn, càng thúc đẩy nhu cầu trên thị trường cho thuê bằng tiền mặt, với đa số là đối tượng thuê nhà độc thân.
“Sự cạnh tranh hiện nay rất cao và có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn”, giáo sư Seo Won-seok, chuyên gia chính sách bất động sản tại Đại học Chung-Ang, cho hay.
“Điều này cũng nói lên rằng chúng ta cần nhiều nhà ở công hơn để giảm bớt những xu hướng như vậy”.
Như trúng số độc đắc
Seoul vẫn là nơi cư trú của 1/5 dân số cả nước, nhưng vấn đề nhà ở là lý do chính khiến 1,7 triệu người Hàn Quốc rời thủ đô đến các tỉnh lân cận trong thập kỷ qua, để đổi lấy mức tiền thuê nhà mềm hơn dù di chuyển vào trung tâm thành phố lâu hơn.
Trong điều kiện như vậy, việc giành được một suất trong các căn hộ công cộng như Yangnyeong giống như trúng số độc đắc.
“Mọi người xung quanh tôi đều muốn được dọn vào một căn hộ công cộng”, Kim Do-yeon, sinh viên đại học 25 tuổi, làm nhân viên bán thời gian ở cửa hàng tiện lợi, chia sẻ. “Tôi đã nộp đơn vào 5 nơi khác trước khi nhận được chỗ này”.
Kim Do-yeon, người mới thuê căn hộ giá 7 USD/tháng dành cho thanh niên, đứng trong phòng của mình ở quận Dongjak, Seoul. Ảnh: Los Angeles Times. |
Kim là một trong số 700 người nộp đơn đăng ký vào một trong 36 căn hộ ở Yangnyeong Youth House, được xây dựng bằng đầu tư của quận trên một bãi đậu xe công cộng.
Chỉ những người trong độ tuổi 19-39, có thu nhập hàng tháng không quá 1.620 USD mới đủ điều kiện nhận được một suất.
Trên giấy tờ, tiền thuê nhà hàng tháng là 93 USD - mức này cũng thấp hơn thậm chí so với tiêu chuẩn nhà ở công cộng. Nhưng bằng cách sử dụng lợi nhuận từ tập đoàn công trình công cộng, quận này đang đưa ra mức giá thuê 7 USD cho nhóm người thuê nhà đầu tiên.
Choi Sun-young, người phát ngôn của văn phòng quận cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đã đảm bảo đủ kinh phí cho 6 tháng đầu tiên, nhưng chúng tôi dự định tiếp tục đưa ra mức giá tương tự sau đó”.
“Chúng tôi cũng đang phát triển thêm các dịch vụ cho thuê công cộng trị giá 7 USD dành cho những người thuê nhà trẻ tuổi khác, chẳng hạn như các cặp vợ chồng mới cưới”, người phát ngôn này cho biết thêm.
Kim Do-yeon đã nộp đơn vào 5 nơi khác nhau trước khi có được một suất thuê nhà 7 USD/tháng. Ảnh: Los Angeles Times. |
Tuy nhiên, thuê những căn hộ này cũng không hẳn rẻ như vậy: Mỗi người thuê nhà phải đặt cọc khoảng 10.000 USD.
Kim được cha mẹ trợ giúp những chi phí cơ bản. Căn hộ nhỏ mà cô ở trước đó, với một cửa sổ duy nhất hướng ra bức tường bê tông, tiêu tốn 446 USD/tháng.
Sau khi ký hợp đồng với một quan chức quận, Kim lên tầng 5 để tham quan chỗi ở mới, nơi có mùi nhà mới và tràn ngập ánh nắng.
“Wow, rộng rãi quá”, cô hồ hởi.
“Cô có thể đặt rèm ở đây”, viên chức đứng bên cửa sổ giải thích. “Nhưng làm ơn đừng đóng đinh vào tường”.
Kim không bận tâm.
Cô nói: “Ở nhà thuê trước đó, tôi thậm chí không thể nấu ăn vì không đủ chỗ và hệ thống thông gió quá kém. Bây giờ cuối cùng tôi cũng có thể tự nấu ăn rồi”.
Người thuê nhà có quyền lựa chọn gia hạn hợp đồng hai năm bốn lần, có nghĩa đây có thể sẽ là ngôi nhà đồng hành cùng Kim cho đến giữa những năm 30 tuổi của cô.
Đến lúc đó, cô hy vọng sẽ ổn định được nghề kế toán.
Nhưng sau đó, cô nói, thời gian ở Seoul của cô sẽ kết thúc.
Kim Do-yeon mở cửa sổ trong căn phòng mới của mình. Ảnh: Los Angeles Times. |
Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.