17h chiều ngày 16/3, nếu như những ngày khác, đây là thời gian ThS.BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Điều trị, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, rời cơ quan về nhà. Hơn nữa, hôm nay là ngày thứ 7.
Thế nhưng, trong phòng làm việc, gần chục phụ huynh cùng con của mình đang nhấp nhổm xếp hàng để đến lượt gặp bác sĩ Thọ tư vấn, giải thích kết quả. Phía bên ngoài cánh cửa là cảnh đông chưa từng thấy ở một bệnh viện chuyên khoa.
Người dân đợi kết quả xét nghiệm tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương chiều 16/3. Ảnh: Hà Quyên. |
Nhiễm sán lợn có thể chữa khỏi chỉ với một lần uống thuốc
Trong gần 1.000 cháu nhỏ được đưa tới Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để xét nghiệm giun sán, nhiều bé không phải chỉ là học sinh của trường Mầm non Thanh Khương, một số ít có triệu chứng sốt, rối loạn tiêu hóa.
Để kiểm tra tình trạng nhiễm sán lợn, các bé được chỉ định xét nghiệm máu, phân, tế bào hoặc siêu âm với chi phí từ 400.000 đồng đến một triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại, ăn uống và sự mệt mỏi vì vạ vật ở bệnh viện.
Tuy nhiên, không phải tự nhiên phụ huynh ở Thuận Thành (Bắc Ninh) đồng loạt đưa con đi xét nghiệm sán lợn. Họ buộc phải làm như vậy sau khi những hình ảnh "thịt bẩn", "gà thối" trong bữa cơm của con được phanh phui.
Vì vậy, vừa thăm khám, các bác sĩ vừa giải thích về căn bệnh này cho người nhà hiểu để yên tâm điều trị nếu nhận kết quả dương tính.
Đường đi của sán thâm nhập và gây bệnh trong cơ thể người. Ảnh: Phương Mai |
Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, cho biết kết quả dương tính chỉ cho thấy trẻ từng nhiễm sán lợn, đang có kháng thể để chống lại ký sinh trùng chứ không khẳng định trẻ đang có sán lợn trong người.
Theo GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những bệnh nhi dương tính với sán lợn không cấp tính, không ảnh hưởng đến tính mạng.
“Các cháu có thể điều trị trong khoảng 15 ngày là dứt điểm. Đây cũng không phải là bệnh nguy hiểm, và hoàn toàn chữa được nên người dân không nên quá hoang mang. Điều trị bệnh sán lợn đã có phác đồ của Bộ Y tế nên các bậc phụ huynh yên tâm, tin tưởng vào các bác sĩ để điều trị cho con em mình", GS Kính cho hay.
Trường hợp dương tính sẽ được làm thêm xét nghiệm để xác định nhiễm sán trưởng thành hay ấu trùng sán.
Đối với người nhiễm sán trưởng, việc điều trị rất đơn giản, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê thuốc uống một lần để tiêu diệt sán.
Tuy nhiên, nếu nhiễm ấu trùng sán, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là sán ký sinh ở não, cơ. Khi đó, người bệnh sẽ phải điều trị làm nhiều đợt, mỗi đợt thường kéo dài 21 ngày.
“Trẻ có xét nghiệm ELISA dương tính với sán lợn sẽ phải tiến hành thêm các xét nghiệm khác để hỗ trợ và xác định bị nhiễm ấu trùng hay sán trưởng thành. Muốn biết ấu trùng sán có ký sinh ở não hay không, người bệnh sẽ được chỉ định chụp CT hoặc cộng hưởng từ”, bác sĩ Thiều cho biết.
Vì sao bệnh viện "vỡ trận" với hàng nghìn người đến xét nghiệm sán?
Đang nghe tư vấn từ bác sĩ Trần Huy Thọ, một phụ huynh trạc ngoài 30 tuổi khóc nức nở khi kết quả của cả mẹ lẫn con trai đều dương tính với sán lợn. Bác sĩ phải hết sức động viên, trấn an người mẹ trẻ. Anh đưa lời khuyên kèm số điện thoại của mình để người nhà yên tâm nếu cần tư vấn thêm.
Ngồi ở hàng ghế chờ, chị Dương Thị Nhung (30 tuổi, ở Phố Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) tự nhận mình là người may mắn khi con trai chị - cháu Lê Minh Tuệ (4,5 tuổi) không bị nhiễm sán. Thế nhưng, chị cũng khóc. “Cầm kết quả mà tôi không ngăn được nước mắt. Mừng lắm. Cả sáng tôi cũng khóc vì lo lắng, bây giờ lại khóc vì quá mừng”, chị Nhung nói với đôi mắt đỏ.
Con trai chị Nhung không học tại trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) - nơi bị phanh phui, nghi ngờ đưa thịt lợn bẩn, có dấu hiệu nhiễm sán gạo vào bữa ăn của học sinh. Nhưng sau khi xảy ra sự việc, chị không thể ngủ vì lo lắng cho con mình. Nên chỉ lướt qua một lời kêu gọi trên mạng xã hội, chị đã không chần chừ đăng ký để cùng 45 gia đình khác cả quen lẫn không quen trong cùng huyện Thuận Thành đưa con lên Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để làm xét nghiệm.
Chiếc xe của họ xuất phát lúc 3h sáng. Khi đến nơi, bệnh viện đã chật kín chỗ. Cũng như nhiều người khác, hơn 12h, con họ mới đến lượt được lấy máu xét nghiệm.
Ngoài trời mưa nặng hạt, giá lạnh. Hàng trăm con người từ người lớn lẫn trẻ nhỏ vạ vật ở hàng ghế chờ của bệnh viện, cầu thang, nhà xe, thậm chí ngồi bệt dưới đất. Trẻ mệt mỏi ngủ trên đôi tay của bố mẹ chúng. Không ai dám rời khỏi bởi không biết lúc nào mới có kết quả.
Anh Nguyễn Khắc Thành khó giữ bình tĩnh khi biết con mình dương tính với sán lợn. Ảnh: Việt Hùng. |
Là một trong những người nhận được kết quả sớm, anh Nguyễn Khắc Thành khó giữ bình tĩnh khi biết con mình dương tính với sán lợn. Trước khi đến xét nghiệm, con anh đã phải nhập viện điều trị vì sốt, đau bụng và đi ngoài. “Tôi vô cùng bức xúc, giờ con tôi bị bệnh, trong khi đó chưa một ai đứng ra chịu trách nhiệm. Tôi sẽ theo đuổi tới cùng sự việc này”, anh Thành nói.
Nhiều năm làm việc, bác sĩ Trần Huy Thọ cho hay bệnh ký sinh trùng dường như đã bị lãng quên nhưng gần đây tăng trở lại. Nhiều bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng đến khám trong tình trạng bị nhầm tưởng ung thư, khối u trên não. Trong đó, sán lợn là bệnh rất phổ biến, có thể xảy ra với bất cứ ai.
Do đó, trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc, sự việc này cũng cảnh báo người dân nên chú trọng việc phòng ngừa các bệnh lý giun sán, ký sinh trùng - vốn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.