Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ Việt, chồng Hàn đưa con đi cắm trại để tận hưởng cuộc sống

Mỗi khi sắp xếp được thời gian, vợ chồng chị Nhung lại đưa con gái đi cắm trại, cho bé hòa mình với thiên nhiên.

Chị Nhung Nguyen (sinh năm 1988, quê Thái Nguyên), tên thường gọi là Ju Ri, hiện sống cùng chồng và con gái 4,5 tuổi tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Cách đây hơn 5 năm, khi còn làm việc ở Việt Nam, chị quen chồng là người Hàn. Sau khi kết hôn và sinh con, chị theo ông xã qua xứ sở kim chi định cư để tiện cho công việc, đồng thời chăm sóc ông bà nội lớn tuổi.

“Trước đây, vợ chồng mình đều từng du học ở Australia. Đất nước này có thiên nhiên hoang dã, nhiều địa điểm đẹp và thú vị. Khi đó, mình thường đi cắm trại cùng bạn bè và ao ước được làm điều này với gia đình nhỏ. Và mình đang thực hiện nó ở Hàn Quốc”, chị Nhung nói với Zing.

Vo Viet cung chong Han ru con di cam trai de tron dich anh 1

Gia đình chị Nhung thường đi cắm trại vào cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ.

Đi cắm trại để tránh tiếp xúc nhiều người trong dịch

Trước đây, khi bé Heyri, con gái chị Nhung, còn nhỏ, gia đình 3 người đi du lịch chỉ ở khách sạn vì không phù hợp cắm trại qua đêm. Cuối tuần, nếu có thời gian rảnh, vợ chồng chị Nhung thường mang chiếc lều nhỏ đi picnic ở công viên hoặc địa điểm gần trong ngày.

Năm nay, khi con gái lớn hơn, họ mới quyết định đi cắm trại qua đêm.

“Vì có con nhỏ, mình phải nghiên cứu cẩn thận và trang bị đầy đủ vật dụng để đảm bảo bé được an toàn, thoải mái. Mình chọn chiếc lều lớn, đủ rộng để vừa có chỗ ngủ, vừa có không gian cả nhà sinh hoạt, ăn uống. Dù ngày mưa, ngày nắng hay khi tuyết rơi phủ kín, ‘ngôi nhà’ này cũng không vấn đề gì”, người mẹ nói.

Theo chị Nhung, các mẫu lều chuyên dụng tốt, có giá thành vừa phải là 10-30 triệu đồng. Sau nhiều công sức tìm kiếm, chị ưng mẫu không được bán đại trà trên các trang web. Bộ lều hiện tại của vợ chồng chị có giá khoảng 50 triệu đồng.

Chị Nhung kinh doanh nên khá chủ động về thời gian. Chồng chị làm cho công ty của Mỹ, được nghỉ cuối tuần. Theo bà mẹ một con, ở Hàn, phạm vi quan hệ họ hàng hơi hẹp, người thân không qua lại thăm hỏi nhiều như tại Việt Nam. Vì vậy, ngoài thời gian làm việc hoặc trong dịp lễ, gia đình chị thường rủ nhau đi chơi, du lịch.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, họ hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc nên cắm trại là lựa chọn tốt nhất.

“Khi sắp xếp được thời gian, mình book chỗ cắm trại tại địa điểm muốn đến, rồi chất đồ lên xe và khởi hành. Vì có con nhỏ, mình chọn những khu có nguồn điện, địa hình thoáng, không nguy hiểm. Thực phẩm được mua sẵn từ nhà, chứa trong tủ lạnh mini và thùng đá đủ ăn trong 3-4 ngày. Mình cũng chuẩn bị đầy đủ thuốc chống côn trùng”, chị Nhung kể.

Theo chị, các khu cắm trại ở xứ sở kim chi có nhiều mức giá. Một số địa điểm gia đình chị ghé thăm giá thuê khoảng 1,2-1,8 triệu đồng/đêm. Khách du lịch có thể sử dụng khu rửa bát, nhà tắm, nhà vệ sinh chung. Một số nơi sẽ có thêm máy giặt/vắt quần áo, siêu thị mini.

Đến nay, chị Nhung không nhớ hết gia đình chị đã đặt chân tới bao nhiêu địa điểm. Mỗi chuyến đi đều là kỷ niệm nhưng đối với chị, được dành thời gian du lịch cùng đại gia đình là tuyệt vời nhất.

“Mình may mắn có bố mẹ chồng tâm lý và yêu thương con dâu. Khi sắp xếp được thời gian, ông bà sẽ sang Việt Nam ăn tết và đi du lịch cùng thông gia. Hoặc bố mẹ, anh em mình từ Việt Nam qua rồi cùng nhau đi khắp Hàn Quốc. Đối với mình, đi đâu không quan trọng, quan trọng là đi cùng ai”.

Dạy con biết yêu thiên nhiên

Theo chị Nhung, trẻ em ở Hàn được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên từ rất sớm. Các bé luôn quan sát và học tập từ người lớn. Do đó, nếu phụ huynh trân trọng từng cành cây ngọn cỏ, bông hoa, các con cũng sẽ học theo.

Chị Nhung mong muốn con gái được trải nghiệm những hoạt động lành mạnh, có ý nghĩa với tuổi thơ. Mỗi trải nghiệm, bé có thể thỏa sức khám phá theo cách riêng.

“Mùa hè, mình đưa con đi suối bắt cua, cá hoặc ra biển cào ngao, hến. Mùa thu lên núi ngắm lá vàng. Mùa xuân đi ngắm hoa nở. Mùa đông đi trượt tuyết. Đó là các hoạt động hàng năm cùng gia đình. Ngoài ra, tùy từng mùa, con lại có trải nghiệm khác nhau như đi thu hoạch ở vườn trái cây, trồng rau, củ, khi lại đi chăn cừu, vắt sữa bò”, chị kể.

Bất cứ khi nào có thời gian, vợ chồng chị Nhung đều muốn cùng con tham gia các hoạt động.

Vốn thích các hoạt động ngoài trời, bé Heyri có thể lăn lê hàng giờ trên những bãi cỏ, bì bõm ngã trong đống bùn đất để mò ngao. Khi đi cắm trại, cô bé không bao giờ muốn về nhà.

Nếu không vướng dịch bệnh, mẹ con chị Nhung về Việt Nam khoảng 4 lần/năm. Hơn một năm nay, họ chưa thể hồi hương thăm gia đình nên rất mong nhớ.

“Mình mong muốn Ri yêu Việt Nam và có tình cảm gần gũi với người thân nên khi nào có thể sắp xếp, hai mẹ con lại bay về. Đặc biệt, mình luôn ăn Tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm này đi lại rất khó khăn. Năm ngoái, vì dịch Covid-19, lần đầu tiên mình ăn Tết ở Hàn Quốc”, chị kể.

Theo chị Nhung, cũng do ảnh hưởng của đại dịch, hoạt động cắm trại gia đình đang rất phổ biến ở Hàn. Hầu hết gia đình trẻ đều thích hoạt động này, đồng thời trang bị đồ khá đầy đủ, cao cấp.

Nếu không trang bị được đồ camping (cắm trại truyền thống), mọi người có thể đi theo dạng glamping (cắm trại kiểu cao cấp, tiện nghi) hoặc caravan camping (sử dụng loại cabin xe giống như container nhỏ, bên trong được trang bị đầy đủ đồ dùng thiết yếu để có thể nấu ăn, tắm, vệ sinh và ngủ).

“Cắm trại là hoạt động rất lành mạnh. Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh chỉ hợp cắm trại tại nhà. Đó cũng là trào lưu rất thú vị. Mình hy vọng mọi người khỏe mạnh, bình an vượt qua đại dịch”, chị Nhung nhắn nhủ.

Người đàn ông 62 tuổi ẩn cư trên núi Bà hơn 1 tháng giữa dịch

Hơn 4 tuần sống giữa núi rừng Langbiang, khái niệm về thời gian của ông Sơn cũng dần nhạt nhòa.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm