Với cảnh sắc thiên nhiên trời phú, sao Việt Nam cứ mãi thiếu tự tin?
Để thu hút khách du lịch, dường như Việt Nam bị ám ảnh bởi nếp nghĩ “cứ to và hiện đại là tốt”.
Từ những ngày đầu tiên ở Việt Nam, tôi đã bị hớp hồn bởi đường bờ biển dài tít tắp, bầu trời cao xanh, trong vắt và thảm thực vật nhiệt đới xanh rì.
Điều làm cho Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt với tôi (và cũng có lẽ với nhiều du khách khác) chính là vẻ đẹp kỳ vĩ mà rất đỗi giản dị thiên nhiên ưu ái ban tặng. Chẳng cần tô vẽ nhiều.
Gắn bó với Việt Nam từ những năm 1960, 25 năm trở lại đây, tôi chứng kiến không ít nét hoang sơ, mộc mạc của thiên nhiên bị phá hủy dưới danh nghĩa “phát triển”. Sa Pa, Phú Quốc, Hội An, hay vịnh Hạ Long là những ví dụ điển hình.
“Thành phố tình yêu” Đà Lạt cũng không phải là ngoại lệ. Ít lâu trước, thành phố công bố kế hoạch mở rộng gấp 8,5 lần diện tích hiện tại để đáp ứng lượng dân cư đang phình to; còn mới đây là kế hoạch di dời các di tích ở khu trung tâm gắn liền với Đà Lạt như Rạp hát Hòa Bình, Dinh tỉnh trưởng để thay bằng khu phức hợp bằng kính. Trên giấy tờ, diện tích quy hoạch là 30 ha nhưng diện tích đất liên quan thực sự có lẽ lớn hơn.
Từ nhiều năm, Đà Lạt luôn là điểm đến lý tưởng của bạn trẻ ham khám phá, của những cặp đôi nghỉ trăng mật, của những người trung niên muốn nghỉ dưỡng.
Rough Guides, một trong những tạp chí du lịch uy tín nhất, năm 2017 chọn Đà Lạt là một trong 10 điểm du lịch đáng đến nhất ở Việt Nam. Tháng 11/2018, Tạp chí du lịch Nine của Australia cũng chọn Đà Lạt là điểm đến rẻ và đẹp của Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch, khách tham quan Đà Lạt tăng trung bình 10%/năm.
Thế nhưng, đông đúc, ồn ào, thương mại hóa đến chóng mặt là những gì mà thời gian gần đây người ta miêu tả Đà Lạt. Nhà hàng, khách sạn, homestay đua nhau mọc lên như nấm.
Việt Nam chật vật với câu chuyện bảo tồn và phát triển đã nhiều năm. Dường như ngành du lịch bị ám ảnh bởi một suy nghĩ “cứ to và hiện đại là tốt” .
Du lịch đại chúng dẫn đến ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự không đảm bảo, hạ tầng không được quy hoạch theo hệ thống, kèm theo áp lực của lượng khách du lịch ngày càng tăng. Đà Lạt rồi cũng đứng trước nguy cơ mất đi toàn bộ sự hấp dẫn nguyên bản.
Và đó là vấn đề không phải chỉ của riêng thành phố sương mù.
Việt Nam chật vật với câu chuyện bảo tồn và phát triển đã nhiều năm. Để thu hút khách du lịch, dường như Việt Nam bị ám ảnh bởi nếp nghĩ “cứ to và hiện đại là tốt” .
Dự án xây dựng nào cũng được trình bày đầy tham vọng, theo hướng “hiện đại hóa” với quỹ đất có diện tích lớn. Với Đà Lạt là khu phức hợp hiện đại thay thế kiến trúc Pháp cũ; với Phú Quốc là chuỗi resort, nhà hàng; với Sa Pa là cáp treo lên đỉnh Fansipan.
Ở nhiều điểm đến của Việt Nam, giờ đây tôi quay trở lại chỉ để chứng kiến sự thương mại hóa đã nhấn chìm vẻ thuần khiết của thiên nhiên.
Trong đầu tôi luôn thắc mắc: Sao Việt Nam cứ mãi kém tự tin với cảnh sắc thiên nhiên đến mức phải liên tiếp xây dựng những công trình nhân tạo hào nhoáng có tính giải trí như cáp treo hay resort để thu hút khách du lịch?
Nếu chỉ dừng lại ở việc mở rộng đất hay xây dựng những tòa nhà làm bằng bê tông cốt thép thì du lịch Việt Nam không thể phát triển một cách bền vững được.
Mỗi vùng đất có cái hồn riêng. Tất nhiên, cần khai thác dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Thế nhưng, cái hồn của vùng đất, nét đơn sơ, mộc mạc, chân thật mới là yếu tố níu chân khách du lịch và khiến họ muốn quay trở lại.
Sẽ rất cực đoan nếu chúng ta cứ bắt Việt Nam còn mãi hoang sơ hay tồn tại như một cái bảo tàng chỉ để du khách đến tham quan rồi đi.
Sẽ rất cực đoan nếu chúng ta cứ bắt Việt Nam còn mãi hoang sơ hay tồn tại như một bảo tàng chỉ để du khách đến tham quan rồi đi. Thế nhưng, nhu cầu phát triển và việc bảo tồn những cảnh quan thiên nhiên hoàn toàn có thể tồn tại song song.
Du khách đến Việt Nam sẽ vô cùng thích thú được chiêm ngưỡng đồng lúa, tham gia trải nghiệm làm nông dân, hay đi thăm thú di tích lịch sử, đền đài. Cùng lúc đó, họ cũng muốn được ở trong một resort tiện nghi cho cả gia đình. Đây là những nhu cầu không hề mâu thuẫn nhau.
Có những việc Việt Nam có thể làm ngay để bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chất lượng.
Các nhà quản lý cần cân nhắc có cần xây thêm khách sạn, resort hay không nếu những công trình đó phá huỷ hoàn toàn sự thuần khiết của môi trường xung quanh. Cơ quan chức năng chỉ cấp phép đối với công trình nào phát triển hài hoà với môi trường tự nhiên. Những khu tham quan được xếp hạng di sản chỉ nên được phép tiếp tục hoạt động nếu như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về trùng tu, cải tạo.
Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, nếu Việt Nam chỉ tập trung đẩy mạnh du lịch chủ yếu ở 6 điểm du lịch được gọi là 5H và 1S - Hà Nội, TP.HCM, Hội An, Huế, Hạ Long và Sa Pa - quá tải du khách ở những nơi này là tất yếu. Nó còn tạo cảm giác là sản phẩm du lịch của Việt Nam ngày càng đơn điệu và rơi vào lối mòn.
Trong bối cảnh đó, rất mừng là những vùng đất mới như Bình Định hay Phú Yên đã bắt đầu mở rộng cửa đón khách du lịch. Thế nhưng, để tránh cho những nơi này đi vào vết xe đổ thương mại hoá, rất cần sự giám sát từ chính quyền để bảo tồn trọn vẹn sự thuần khiết của thiên nhiên.
Tôi cũng có cảm tình đặc biệt với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tin rằng du khách sẽ rất ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Đó sẽ là nơi du khách được đắm mình trong gió mát lồng lộng, không cần máy điều hoà và thưởng ngoạn hoàng hôn lộng lẫy.
Tại sao không biến thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) thành một Hội An của miền Nam? Tại sao không tăng cường quảng bá mạnh hơn đến những địa điểm thuần khiết ở nhiều tỉnh như thế dọc khắp Việt Nam?
Đừng nhân danh phát triển để tiếp tục huỷ hoại sự thuần khiến của thiên nhiên.
Rõ ràng, với lượng du khách hiện nay đến Việt Nam, sự đa dạng về sở thích là điều tất yếu, đó là còn chưa nói đến nhu cầu của khách trong nước. Có người chỉ thích nằm thảnh thơi trên bờ biển. Nhưng cũng sẽ có người luôn muốn đi hết nơi này đến nơi khác.
Làm sao Việt Nam có thể thoả mãn từng du khách? Câu trả lời không hề dễ dàng. Thế nhưng, một phương án khả dĩ nhất là cung cấp sản phẩm du lịch đa dạng hơn và tiếp tục tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam. Song song đó, càng không thể lơ là cải tiến chất lượng dịch vụ và những sản phẩm du lịch hiện có.
Điều quan trọng nhất: Đừng nhân danh phát triển để tiếp tục huỷ hoại sự thuần khiết của thiên nhiên.