Cả năm làm việc, học tập vất vả nơi xứ người, càng gần cuối năm, niềm mong mỏi đoàn viên với gia đình của sinh viên, người lao động khó khăn càng lớn.
Dù đi xa đến đâu, Tết đến, ai cũng muốn trở về bên những điều thân thương nhất, nơi có bóng mẹ cặm cụi gói bánh chưng cùng tiếng em thơ reo vui trong tấm áo mới. Hạnh phúc của ngày Tết giản đơn là thế, nhưng đôi khi lại trở nên xa vời với cả người xa xứ và người thân của họ ở quê nhà. Tết không thể trọn vẹn khi nỗi mong ngóng cứ từ năm này đến năm khác không được hồi đáp.
Trong tâm thức của bao thế hệ Việt, Tết là những ngày đoàn viên đông vui, rộn ràng. Trong cái giá lạnh đầu năm, người ta vẫn cảm thấy ấm áp khi cùng gia đình canh nồi bánh chưng nghi ngút khói, quây quần bên mâm cơm tất niên nóng hổi hay ngắm những bông pháo hoa rực sáng trên bầu trời đêm 30. Thế nhưng, ở nhiều làng quê ở khu vực miền Trung và miền Bắc những năm gần đây, không ít gia đình phải trải qua những cái Tết vắng lặng, thiếu bóng người thân.
Vì nỗi lo cơm áo gạo tiền và ước mong tương lai tươi sáng, nhiều người trẻ rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn vào Nam lập nghiệp, hay xa xôi hơn là xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Những thôn xóm vốn vắng vẻ giờ càng thêm đìu hiu, trong nếp nhà đơn sơ chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Khung cảnh mùa xuân của những nơi này vì thế cũng thiếu đi không khí tươi vui như nhiều nơi khác.
Dù là kẻ rời đi hay người ở lại, ai cũng mong một cái Tết sum vầy bên người thân. Tuy nhiên, vì tài chính khó khăn và cách trở địa lý, nhiều người đành gác lại ước muốn, cố kìm nước mắt trong khoảnh khắc chuyển giao thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới. Hơn 4 năm qua, chị Hoài Thanh (sinh năm 1989, Hà Tĩnh) và ba mẹ đã trải qua những ngày xuân như thế, chỉ có thể cảm nhận ý nghĩa của sự đoàn viên qua cuộc gọi hay vài dòng tin nhắn hỏi thăm ngắn ngủi.
Vào Nam làm công nhân và lập gia đình, chị Hoài Thanh cho biết hai vợ chồng nỗ lực làm việc chăm chỉ nhưng chỉ tạm đủ để trang trải cuộc sống và lo cho hai con đến trường. Chị ấp ủ ước mong được đưa hai con về thăm ông bà ngoại đã lâu nhưng chưa thể thực hiện do chi phí di chuyển, ăn ở cuối năm đắt đỏ. Chị tâm sự ba mẹ năm nào cũng mong ngóng con gái đưa các cháu về đoàn tụ nhưng vẫn đành lỡ hẹn.
“Tết đến mình cũng cố gắng lo đủ đầy cho hai đứa nhỏ, nhưng tài chính vẫn chưa cho phép về Quảng Trị với bố mẹ. Thấy hoàn cảnh khó khăn, ông bà cũng thông cảm. Ngày Tết, bên cạnh chăm lo cho chồng con, tôi tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập, phần để vơi đi nỗi nhớ nhà”, chị Hoài Thanh chia sẻ.
Giống chị Hoài Thanh, anh Văn Hải (sinh năm 1990) cũng sớm rời Quảng Bình vào TP.HCM với mong ước có cuộc sống ấm no hơn. Đổi lại cho hoài bão của tuổi trẻ là hơn 9 năm, anh vắng bóng trong bữa cơm gia đình ngày cuối năm. Vốn là người mạnh mẽ nhưng anh thừa nhận nhiều đêm giao thừa không thể giấu nước mắt khi gọi về hỏi thăm ba mẹ ở quê. Cảm xúc cứ thế tự nhiên ùa đến khi anh thấy đấng sinh thành sức khỏe ngày một yếu, bản thân lại chưa thể cạnh bên trong ngày đoàn viên.
“Tết trong này buồn lắm, tôi và vợ con chỉ loanh quanh ở phòng trọ. Xung quanh, mọi người cũng về nhà hết, không khí Tết thì không thể bằng ở ngoài quê. Nói chung là buồn nhưng điều kiện mình vậy phải chấp nhận chứ không biết làm sao”, anh Hải ngậm ngùi.
Gần 11h đêm, Trần Thị Ngân (sinh năm 2001, sinh viên Đại học Công nghệ TP.HCM) về đến phòng trọ sau ca làm thêm vất vả ngày cuối năm. Cô sinh viên đến từ Hà Tĩnh bỗng sụt sùi khi được hỏi “Tết có muốn về với mẹ?”. Ngân nói trong lúc giọng vẫn còn run rằng đó là món quà lớn nhất cô ao ước khi năm mới đến. Gia đình không khá giả nên từ ngày học đại học, mỗi năm, Ngân chỉ có thể về nhà vào dịp Tết.
Cha mất sớm khi Ngân tròn 2 tuổi, chị gái đã lập gia đình nên ở quê, mẹ cô chỉ lủi thủi một mình. Vào TP.HCM học tập, nữ sinh viên tự nhủ phải nỗ lực thật nhiều, tự kiếm tiền trang trải việc ăn ở để mẹ vơi bớt vất vả. Tết đến, cô chỉ muốn về thật nhanh, đỡ đần mẹ phần nào những công việc đồng áng nặng nhọc và giúp căn nhà nhỏ vơi bớt sự cô quạnh.
“Tết là dịp mọi người sum vầy. Chị gái cũng đã lấy chồng rồi nên tôi không thể để mẹ ăn Tết ở quê một mình được. Như vậy thì hai mẹ con tủi thân lắm. Tôi rất mong được về nhà cùng mẹ ăn bữa cơm tất niên và đón năm mới. Gần Tết cũng là ngày giỗ của ba nên tôi càng muốn về để mẹ đỡ buồn”, Ngân bộc bạch.
Lắm nỗi niềm, trăn trở khi năm mới cận kề, dẫu vậy, cả chị Hạnh, anh Hải, chị Ngân đều cho rằng họ vẫn may mắn hơn những người đi xuất khẩu lao động bởi vẫn được gần gia đình. Tết đến họ có thể nguôi ngoai nỗi nhớ quê khi thấy đường sá được trang hoàng rực rỡ sắc hoa, ngoài chợ bày bán đủ loại kẹo mứt.
Còn ở những đất nước xa xôi như Nhật Bản, nhiều người lao động dường như không có Tết, muốn ăn được dưa món, bánh chưng cũng khó. Khoảnh khắc quây quần cùng gia đình đêm 30 càng trở nên xa xỉ khi vé máy bay về nhà đáng giá bằng toàn bộ số tiền dành dụm tích cóp. Chưa kể, một số nơi ở xứ mặt trời mọc không đón Tết như người Việt, người lao động vẫn phải đi làm, tăng ca như ngày thường.
Trải qua khoảng thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng những biến động về kinh tế, ai cũng mong sớm trở về bên vòng tay của gia đình. Vào Tết Quý Mão năm nay, ước muốn ấy chị Hoài Thanh, anh Văn Hải, chị Ngân cùng hàng nghìn lao động, sinh viên Việt trong nước và Nhật Bản sẽ được chắp cánh bởi những tấm vé máy bay, vé xe đặc biệt từ chương trình “Mang Tết về nhà”. Đây là chương trình được Pepsi phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai thường niên.
Trần Thị Ngân cho biết mẹ đã bật khóc khi nghe cô thông báo mình nhận được vé máy bay từ chương trình và sẽ khởi hành từ 27 Tết. Mẹ nữ sinh viên Hà Tĩnh đang đếm từng ngày chờ con gái trở về, nuôi sẵn gà để chuẩn bị mâm cỗ thật tươm tất. Còn Ngân cũng không khỏi vui mừng khi năm thứ 2 được chương trình hỗ trợ. Thông thường, cô mất đến 24 tiếng từ TP.HCM và Hà Tĩnh, nhưng giờ có thể về đến nhà ngay trong ngày.
“Điều đầu tiên tôi muốn làm khi về nhà là chạy đến ôm mẹ và ăn với mẹ bữa cơm. Năm nay về sớm nên tôi có thêm nhiều thời gian phụ mẹ việc nhà, đi chợ sắm Tết. Cảm giác ngày 28, 29 Tết được cùng mẹ gói bánh chưng rất hạnh phúc. Tôi biết ơn chương trình rất nhiều”, Ngân chia sẻ.
Còn chị Hoài Thanh cho biết từ khi nhận được thông báo từ chương trình “Mang Tết về nhà” gia đình chị cảm thấy rất háo hức khi được về thăm ba mẹ sau bao năm xa cách và cũng có chút hồi hộp khi lần đầu tiên được đi máy bay. Chị hy vọng có thể bù đắp cho 4 năm qua bằng thật nhiều khoảnh khắc thật ấm áp bên gia đình, mang lại niềm hạnh phúc lớn cho bố mẹ. Nếu không tham gia chương trình, chị cũng không biết đến khi nào mới có thể thực hiện ước mong của mình.
“Khi biết tôi đưa cháu về, ba mẹ vui nhiều. Năm nào ông bà cũng mong con cháu về ăn Tết cùng. Chồng tôi cũng ủng hộ 3 mẹ con về quê. Anh bảo sẽ buồn chút nhưng vui vì thấy vợ được đoàn viên bên bố mẹ”, chị Hoài Thanh hào hứng chia sẻ.
Tương tự chị Hoài Thanh, anh Văn Hải nôn nao chờ ngày đáp chuyến bay trở về nhà. Đây là lần đầu tiên anh đưa con trai nhỏ về quê thăm ông bà nội ngoại nên cảm thấy rất ý nghĩa. “Liên tiếp trải qua dịch bệnh đến vật giá leo thang, gia đình tôi phải thắt lưng buộc bụng nhiều mới đủ trang trải. Nếu tự túc về quê, trừ chi phí đi lại, ăn ở sẽ không còn dư để chi tiêu sau Tết. Vì vậy, tôi cảm thấy rất may mắn và vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ từ chương trình”, anh Hải cho hay.
Không chỉ giúp đỡ người lao động, sinh viên khó khăn trong một năm nền kinh tế nhiều biến động, những tấm vé máy bay, vé tàu, vé xe khứ hồi từ chương trình “Mang Tết về nhà” 2023 do nhãn hàng Pepsi tổ chức với sự đồng hành của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh càng thêm ý nghĩa với kiều bào xa quê. Khi các chuyến bay này cất cánh, niềm mong mỏi đoàn viên tưởng như xa vời của những đứa con xa xứ và những ông bố, bà mẹ ngày đêm ngóng trông sẽ được hồi đáp.
Hai năm qua, chương trình “Mang Tết về nhà” đã hiện thực hóa ước muốn đoàn viên của hàng nghìn sinh viên, người lao động Việt. Viết tiếp hành trình ý nghĩa, năm nay, ban tổ chức phối hợp cùng Vietnam Airlines tổ chức 3 chuyến bay Nhật Bản - Hà Nội, TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đồng Hới, đồng thời hợp tác nhiều đơn vị vận chuyển tổ chức 80 chuyến xe về các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Theo đó, chương trình dành tặng 556 vé máy bay khứ hồi, 3.600 vé xe ôtô khứ hồi cho sinh viên, thanh niên công nhân, người lao động xa nhà có hoàn cảnh khó khăn. Không dừng lại ở đó, nhãn hàng Pepsi cũng dành tặng 196 vé máy bay quốc tế cho các công dân có quê tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc của Việt Nam đang học tập, làm việc tại Nhật Bản.
Song song, nhãn hàng Pepsi cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với ví điện tử ZaloPay tổ chức cuộc vận động gây quỹ "Mang Tết về nhà". Hoạt động kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia quyên góp trực tiếp để có thể giúp thật nhiều sinh viên, người lao động xa xứ có thể về nhà đón Tết cùng gia đình. Với mục đích nhân văn, hoạt động nhanh chóng nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng.
Thông qua chương trình “Mang Tết về nhà” 2023, Pepsi kỳ vọng tạo nên nhiều khoảnh khắc ý nghĩa, thỏa niềm ao ước được trở về bên vòng tay gia đình của sinh viên, người lao động xa xứ. Cùng với đó, nhãn hàng mong muốn giúp cái Tết của người dân Việt Nam thêm trọn vẹn khi những đứa con xa nhà mang về cho bố mẹ không chỉ niềm vui đoàn viên, mà còn có cả hy vọng cho một năm nhiều thử thách phía trước.