Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Vụ bé trường Gateway tử vong: Thảm kịch sẽ còn nếu người lớn vô cảm

Tai nạn ít nhiều cũng xảy ra dù có cẩn thận bao nhiêu, nhưng độ chênh giữa nhận thức và văn hóa của các bộ phận trong học đường càng lớn thì nguy cơ càng cao.

hoc sinh lop 1 truong Gateway tu vong anh 1

Vụ bé trường Gateway tử vong: thảm kịch sẽ còn nếu người lớn vô cảm

Tai nạn ít nhiều cũng xảy ra dù có cẩn thận bao nhiêu, nhưng độ chênh giữa nhận thức và văn hóa của các bộ phận trong học đường càng lớn thì nguy cơ càng cao. Vụ học sinh Lê Hoàng Long là trường hợp điển hình.

hoc sinh lop 1 truong Gateway tu vong anh 2

hoc sinh lop 1 truong Gateway tu vong anh 3

Lê Nguyên Phương

Chuyên gia tâm lý học đường

TS Lê Nguyên Phương gần 20 năm tư vấn học đường cho lứa tuổi mầm non đến đại học. Ông lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Học đường tại Đại học Nam California (USC), Mỹ. TS Lê Nguyên Phương cũng người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam. Ông là tác giả của bộ sách Dạy con trong hoang mang, giành giải Sách hay 2018 về hạng mục sách Giáo dục.

Thảm kịch học sinh Lê Hoàng Long chết trong xe đưa đón của trường Gateway đang gây ra sự đau đớn lẫn phẫn nộ của nhiều bậc phụ huynh Việt Nam vốn đã rất nhạy cảm với việc xuống cấp của dịch vụ giáo dục, cũng như thái độ vô cảm và thói quen phủ nhận trách nhiệm của giới có thẩm quyền trong ngành này.

Điều dư luận chú ý đặt câu hỏi ngay sau thảm kịch là nhà trường Gateway có một quy trình đón trả học sinh chu đáo, chặt chẽ và hợp lý hay không.

“Hộp đen” sư phạm

Ở Mỹ, các trường đều có một quy trình đón trả học sinh đầy đủ, bao gồm: các quy định về giờ giấc; cách đếm số lượng học sinh để nắm được có bao nhiêu cần đón hoặc trả; bảo vệ vùng chung quanh xe khi trẻ lên xuống; các tuyến vào ra trong trường; danh sách người được đưa đón trẻ từ xe buýt. Thậm chí, yêu cầu học sinh duy trì giao tiếp qua ánh mắt với tài xế cũng được quy định cụ thể.

Các trường tại Việt Nam, đặc biệt là trường tư, có lẽ đều có những quy định này không nhiều thì ít. Việc tham khảo quy trình tiêu chuẩn của các trường trên thế giới là điều cần thiết vì kinh nghiệm lâu dài, phương pháp khoa học, và cách tư duy toàn diện của họ là điều mà đôi khi người Việt Nam chúng ta còn thiếu.

Tuy nhiên, việc có một quy trình đưa đón khoa học và toàn diện đến đâu cũng sẽ chỉ là vô nghĩa khi không có người đủ nhận thức và sự nghiêm túc để thực hiện.

Các quy trình hay quy định trong môi trường học đường không chỉ là sự thể hiện của triết lý giáo dục hay thực nghiệm khoa học về các điều kiện tối ưu trong không gian học tập cho học sinh. Đó còn là sự thể hiện của tập tục văn hóa và lối sống văn minh ở một xã hội mà nhà trường cũng là thành viên.

Việc có một quy trình đưa đón khoa học và toàn diện đến đâu cũng sẽ chỉ là vô nghĩa khi không có người đủ nhận thức và sự nghiêm túc để thực hiện.

Trong tiến trình hội nhập, việc học hỏi những quy trình trong học đường từ các quốc gia có trình độ tiên tiến hơn là điều cần thiết. Không ai đặt vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc trong các quy trình này vì hình thức, nội dung, cho đến chức năng của học đường của chúng ta đều du nhập từ phương Tây.

Rất tiếc, thay vì học hỏi cái hay của xứ người đã đi trước, phương pháp “đi tắt đón đầu” chỉ thường là sự sao chép hụt đầu hụt đuôi và kém thông hiểu ý nghĩa của từng quy định hay các bước trong quy trình.

Nếu may mắn chúng ta có bộ phận lãnh đạo của một hệ thống giáo dục thông hiểu vấn đề thì việc triển khai các quy định xuống đến cơ sở chắc chắn cũng sẽ gặp trở ngại bởi trình độ của bộ phận thừa hành.

Khi nào ngành sư phạm còn là nơi “chuột chạy cùng sào” từ các ngành có triển vọng kiếm tiền kiếm danh nhiều hơn thì chắc chắn điểm tuyển sinh không phải là niềm hãnh diện của người trong cuộc.

Giữa cái đầu vào và đầu ra là cái “hộp đen” 2 hay 4 năm sư phạm mà không ai biết chúng có gì ở trong.

Đã thế, ở nơi dạy trẻ càng nhỏ thì yêu cầu về bằng cấp càng thấp thì việc giáo dục gọi là khai tâm cho trẻ mới bước vào cửa ngõ học đường xem chừng phó mặc cho rủi may. Một phụ huynh đã chia sẻ với tôi là chị đã bàng hoàng khi khám phá cô dạy lớp mầm non của con mình không…biết chữ.

So với yêu cầu của nền giáo dục Phần Lan - nơi giáo viên và nhân viên vườn trẻ phải có bằng cử nhân và giáo viên mẫu giáo phải có bằng thạc sĩ - thì sự nghiệp giáo dục của con cái chúng ta ở Việt Nam vẫn còn rất gian nan.

Dĩ nhiên, bằng cấp không phải là tất cả. Thế nhưng, với chuẩn đầu vào như thế thì ngoại trừ một thiểu số, các trường chỉ có thể tuyển chọn những ứng viên mà trình độ ghi nhớ cũng còn giới hạn, chứ khoan nói đến các cấp độ tư duy cao hơn như phân tích, đánh giá hay sáng tạo.

Hơn nữa, giữa cái đầu vào và đầu ra là cái “hộp đen” 2 hay 4 năm sư phạm mà không ai biết chúng có gì ở trong. Tuy thành ngữ của dân IT có câu “garbage in, garbage out” (vào là rác thì ra cũng rác) nhưng tôi vẫn tin một môi trường đào tạo tiên tiến sẽ giúp sinh viên nâng trình độ của mình lên nhiều cấp trong các năm hít thở không khí giảng đường.

Thế nhưng, thực tế đầu ra của giáo viên Việt Nam vẫn là một câu hỏi lớn không lời đáp.

Tai họa không chỉ của gia đình

Cho dù không tính đến quá trình đào tạo sư phạm thì tập quán và lối sống của những người chăm sóc con em chúng ta ở các ngôi trường vẫn là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua.

Đây là điều mà tôi muốn nói đến khi quy định học đường còn là sự thể hiện của tập tục văn hóa và lối sống văn minh của một xã hội.

Khi những quy trình được tiếp thu từ những quốc gia văn minh hơn, nhiều nhân viên và giáo viên trong học đường ở Việt Nam không chỉ không hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa, mà còn xem chúng như những bó buộc vô ích áp đặt từ bộ phận quản lý nhà trường.

Một cô giáo chưa bao giờ biết cách cư xử trong mâm cơm gia đình nề nếp thì sẽ rất khó để hiểu và áp dụng được những quy trình trong một bữa ăn cho học sinh. Một thầy giáo ở quê chưa quen sử dụng những phương tiện công cộng tại thị thành thì việc phải áp dụng những quy trình của một thành thị phương Tây chắc chắc sẽ vô cùng xa lạ bỡ ngỡ.

Nhận thức của một nền giáo dục và người cung cấp sản phẩm giáo dục càng kém thì con em của chúng ta càng gặp nhiều tai họa.

Khi không hiểu và xem chúng như sự áp đặt thì thái độ “đại khái” làm cho có; khi có giám sát thì nghiêm túc, khi không thì cẩu thả; thậm chí làm bừa như một sự phản kháng cũng là điều dễ hiểu. Sự bừa bãi thể hiện như một sự vô cảm.

Đó là chưa kể đến cái gọi là “lương tâm chức nghiệp” đã bị “bấy chầy gió táp mưa sa” sau nhiều biến cố nhân tai khiến cho thầy cô trẻ không còn những mẫu mực làm nơi nương tựa.

Cũng cần nói rõ, việc để quên trẻ đến chết trên xe không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Tháng 5 vừa rồi, một học sinh 4 tuổi chết trên xe đưa đón đậu ngoài trời nóng bức suốt 5 tiếng tại Vạn Ninh (Hải Nam, Trung Quốc). Năm ngoái, một học sinh 3 tuổi cũng chết trong xe vào mùa hè nóng bỏng của thành phố Houston (bang Texas, Mỹ).

Tuy nhiên, con số thống kê về số trẻ em chết trên xe dù nhiều đến đâu sẽ hoàn toàn vô nghĩa đối với gia đình của các em. Vì mỗi đứa trẻ là một báu vật, một linh hồn của một gia đình.

Tai nạn thì dĩ nhiên ít nhiều cũng xảy ra dù có cẩn thận bao nhiêu. Nhưng độ chênh giữa nhận thức và văn hóa của các bộ phận trong học đường càng lớn thì nguy cơ tai nạn càng cao. Đặc biệt, trong vụ em Lê Hoàng Long là độ chênh giữa quy trình và nhận thức về quy trình đó.

Nhận thức của một nền giáo dục và người cung cấp sản phẩm giáo dục càng kém thì con em của chúng ta càng gặp nhiều tai họa. Một tai họa không chỉ của từng gia đình mà còn cho cả xã hội và đất nước.

Lê Nguyên Phương

Illustration: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm