Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kết luận kiểm tra số 1883 về Công tác lãnh đạo, quản lý nhà trường tại trường THPT Buôn Ma Thuột.
Nhiều vi phạm
Qua đó, chỉ rõ nhiều tồn tại như: Việc phân công chuyên môn trong bộ môn Toán chưa hợp lý dẫn đến hiệu trưởng được thanh toán tiền thừa giờ, còn giáo viên dạy thừa tiết phải bù trừ cho người thiếu tiết.
Việc triển khai các nội dung trong quy chế phối hợp chưa cụ thể, thiếu nhịp nhàng dẫn đến thiếu sự thống nhất trong thực hiện. Cụ thể, trong phối hợp giữa chính quyền và tổ chức Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân (TTND) còn bất cập.
Bên cạnh đó, việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ không phù hợp; một số nội dung chi cho công tác quản lý với tỷ lệ 20% là không có cơ sở và quá cao; việc sử dụng kinh phí chi cho các hoạt động dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi, tham gia kỳ thi Olympic 10/3/2023, thi tập trung, sửa chữa nhà xe, chi hỗ trợ từ nguồn thu, chi thanh toán dạy thừa giờ cho cán bộ quản lý và một số nội dung khác còn bất cập hoặc chưa đúng quy định; có nhiều chứng từ phát sinh chưa được thanh toán kịp thời; Các nguồn thu từ năng lượng mặt trời và căng tin chưa được làm rõ.
Sở GD&ĐT đề nghị trường THPT Buôn Ma Thuột công khai nguồn kinh phí ngoài ngân sách. Ảnh: Tiền Phong. |
Sở GD&ĐT yêu cầu nhà trường khắc phục về sử dụng, thu chi tài chính, các nguồn kinh phí ngoài ngân sách, công khai trước tập thể; ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ phải chi tiết, có định mức cụ thể từng nội dung, đảm bảo không vượt quá tiêu chuẩn, định mức và phải được bàn bạc thống nhất trong tập thể; tăng cường chăm lo đời sống của nhà giáo, nhân viên, người lao động; củng cố và xây dựng khối đoàn kết, không để xảy ra mất đoàn kết nội bộ và niềm tin vào người đứng đầu…
Kiến nghị lên Bí thư Tỉnh ủy
Nhận thấy, kết luận trên không giải quyết những nội dung Ban TTND trường THPT Buôn Ma Thuột kiến nghị, đại diện Ban TTND đã gửi đơn lên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Nội dung kiến nghị gồm: Hiệu trưởng Lê Văn Thái không giải quyết các kiến nghị của Ban TTND từ quý IV/2022 đến các quý I-II-III/2023; nhiều năm, ông Thái không sinh hoạt chuyên môn, dù năm nào cũng dạy một lớp 10 môn Toán; ông Thái không hoàn thành 9 modul tập huấn chương trình giáo dục 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức; ông Thái tự kê thừa giờ 70 tiết học trong khi tất cả giáo viên tổ Toán Tin, dù dư có vài tiết hoặc đến vài chục tiết, đều không được kê thừa giờ…
Ban Thanh tra nhân dân trường THPT Buôn Ma Thuột kiến nghị lên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ảnh: Tiền Phong. |
Đại diện Ban TTND cho hay tuân thủ quy trình kiến nghị và không vượt cấp. Cụ thể, khi có vấn đề của trường, đại diện Ban TTND trực tiếp cầm kiến nghị lần 1 lên giám đốc Sở GD&ĐT. Ngày 14/10, Phó giám đốc sở Đỗ Tường Hiệp cùng trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính về trường tham dự Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, để nắm tình hình.
Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk - cho hay đoàn kiểm tra đã làm việc trực tiếp và yêu cầu hiệu trưởng giải trình các kiến nghị của Ban TTND; còn nội dung kết luận kiểm tra chỉ nêu những vấn đề lớn.
Sau đó, sở có quyết định số 763 thành lập Đoàn kiểm tra về trường làm việc và ra dự thảo. Nhận thấy dự thảo không làm rõ hết những nội dung theo kiến nghị nên ngày 6/11, Ban TTND kiến nghị lần 2 bằng văn bản gửi Sở GD&ĐT. Ngày 10/11, Sở GD&ĐT ban hành kết luận số 1883 cũng không đề cập đến các kiến nghị của Ban TTND.
Hiệu trưởng lên tiếng
Liên quan đến phản ánh bị “tố” chuyên quyền, ông Lê Văn Thái - Hiệu trưởng trường THPT Buôn Ma Thuột - khẳng định luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ. Quá trình xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và các vấn đề liên quan, nhất là công tác tài chính, được đưa ra tập thể bàn bạc, thống nhất chứ không “chuyên quyền”.
Cũng theo ông Thái, việc một số giáo viên nhân danh tập thể để “tố” ông là không đúng với bản chất sự việc. Nhà trường vẫn còn tiền chi thường xuyên và đảm bảo để các hoạt động liên quan đến chuyên môn, các phong trào thi đua, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, văn nghệ, thể dục thể thao vẫn diễn ra bình thường.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.