Gần giữa trưa, bên ngoài dãy hành lang chật kín của khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vẫn vang đều tiếng gọi tên từng bệnh nhi vào khám hô hấp.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, ba tháng cuối năm là thời điểm bệnh đường hô hấp ở trẻ em bắt đầu tăng mạnh.
Vào giai đoạn này, số bệnh nhi khám ngoại trú và điều trị nội trú tăng vọt. Số trẻ phải nằm phòng cấp cứu vì thế cũng tăng lên.
Phòng Cấp cứu, khoa Hô hấp 1, gần kín các bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nặng. Ảnh: N.Nhi. |
Thở oxy chỉ sau 2 ngày sốt
Ngồi một bên dãy ghế chờ tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu, anh Quốc Cường (đến từ Bình Dương) tay lau mồ hôi, một tay phe phẩy quạt cho con gái ngủ thiếp nằm trong lòng vợ. Con anh Cường, bé Xuka, mới hơn một tháng tuổi, vừa được cho ra viện nửa tháng trước, nhưng phải quay trở lại phòng cấp cứu lần 2.
"Bé ho rất nhiều, nghẹt mũi, khó thở kéo dài nhưng chăm sóc không đỡ, vợ chồng tôi phải đưa con tái khám gấp", anh Cường kể.
Tại khoa Hô hấp 1, bên trong phòng Cấp cứu, hơn 20 giường bệnh đã gần kín, trong đó, nhiều bệnh nhi mới chỉ vài tháng tuổi.
Bé Duy Hưng (2 tháng tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong 20 trẻ bệnh nặng đang phải điều trị tại đây. Lọt thỏm giữa chiếc giường bệnh lớn, Hưng nằm ngủ thiếp với ống trợ thở oxy. Ngồi bên cạnh, chị Hồng Nga, mẹ bé, mắt đượm buồn nhìn con.
Bé trai mới tháng tuổi vào viện trong tình trạng nặng chỉ sau 2 ngày sốt. Ảnh: Linh Thùy. |
Trước đó, bé Hưng được bác sĩ tại phòng khám địa phương chẩn đoán mắc viêm phổi. Bé được lấy đờm nhớt kết hợp uống thuốc hàng ngày nhưng không đỡ. Đến tối ngày thứ ba, trẻ đột ngột khó thở, được bố mẹ đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 ngay trong đêm.
"Khi nhập viện, bé được chuyển thẳng vào phòng Cấp cứu của khoa. Nghe bác sĩ hỏi sao để con nặng rồi mới đưa vào, tôi tá hỏa, thương con và tự trách mình nhiều", chị kể.
Hai hôm nay, bé Hưng điều trị ở phòng Cấp cứu nhưng tình trạng không tiến triển dù được dùng thuốc, hút đờm nhớt và trợ thở oxy hàng ngày.
Số trẻ bị bệnh hô hấp sẽ còn tiếp tục tăng
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, trong vòng 2 tuần qua, khoa Hô hấp 1 tiếp nhận lượng bệnh tăng khoảng 20-25% so với tháng trước. Hiện tại, khoa điều trị nội trú cho khoảng 200-210 trẻ.
Trong đó, 20 bé có tình trạng nặng, phải hỗ trợ thở và nằm phòng Cấp cứu, chiếm 10-15% tổng số lượng bệnh đang nằm tại khoa.
Các bệnh hô hấp thường gặp hiện nay và có nguy cơ diễn tiến nặng là viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hen suyễn.
"Tính đến thời điểm này, diễn biến bệnh hô hấp cũng không quá khác biệt so với các năm trước. Năm nay, các bệnh hô hấp đến muộn hơn 2 tuần so với cùng kỳ mỗi năm. Thông thường, đỉnh bệnh sẽ rơi vào khoảng tháng 11 và trải dài đến hết năm. Hiện tại, số bệnh nhi mới chỉ bắt đầu tăng và sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới", bác sĩ Phong nhận định.
Trưởng khoa Hô hấp 1 cho hay từng có thời điểm, khoa tiếp nhận điều trị cho khoảng 350-400 bệnh nhi mắc bệnh hô hấp. Tỷ lệ trẻ bệnh nặng chiếm tới 20-25%.
Theo bác sĩ Phong, số trẻ mắc bệnh hô hấp dưới 5 tuổi phải nhập viện chiếm tới 97%. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi, có hệ miễn dịch yếu hơn các trẻ lớn. Khả năng chống chọi với bệnh tật vì thế cũng kém hơn.
Các bệnh lý đường hô hấp thường lây qua đường không khí, rất dễ lây trong môi trường tập thể. Đây cũng là lý do mùa bệnh hô hấp thường xuất hiện sau thời điểm tựu trường khoảng vài tuần.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh hô hấp, các bé cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh. Theo bác sĩ Phong, đây là yếu tố rất quan trọng giúp phòng bệnh cho trẻ.
Gia đình cũng cần chú trọng giữ vệ sinh môi trường xung quanh của trẻ, tránh cho bé tiếp xúc những nguồn bệnh xung quanh, đến những nơi quá đông người.
Ngoài ra, trẻ cần được tiêm đầy đủ vaccine. Nếu có điều kiện, gia đình có thể cho bé tiêm thêm vaccine cúm, phế cầu...
Bên cạnh đó, các phụ huynh cần theo dõi sát sức khỏe của con trẻ để có những biện pháp đối phó kịp thời với bệnh tật. Trẻ ở giai đoạn bệnh nhẹ có dấu hiệu ho, ho đàm, ho tăng nhiều, sổ mũi, ngạt mũi... cần được đưa đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám và có hướng xử trí phù hợp.
Các triệu chứng này thường rất dễ bị bỏ sót hoặc chủ quan. Lúc này, bệnh sẽ diễn tiến nặng, gây khó khăn trong việc điều trị tiếp theo.
Ngoài ra, khi thấy con có triệu chứng sốt cao khó hạ, khó thở, phụ huynh cần ngay lập tức đưa vào bệnh viện để can thiệp kịp thời, tránh biến chứng về sau.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, gặp vấn đề tiêu hóa, bệnh đường tiêu hóa khi thời tiết thay đổi.
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.