Ngày 29/6, TP.HCM bước qua 33 ngày bùng phát ổ dịch Covid-19 lớn nhất và phức tạp nhất từ trước đến nay. Hiện tại, số ca mắc tại thành phố vượt mốc 3.000 và trở thành địa phương có tổng bệnh nhân Covid-19 cao thứ 2 cả nước, sau Bắc Giang.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ngành y tế đang điều phối nhân lực tối đa, cùng với sự viện trợ của lực lượng Trung ương, dốc toàn lực khống chế dịch.
Ông cho biết đây là giai đoạn thử thách năng lực của thành phố khi các lực lượng tỏa ra khắp mặt trận, từ truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị đến tiêm vaccine. Đây cũng là giai đoạn thành phố có nhiều thay đổi trong chiến lược, áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn.
Thành lập 22 Tổ công tác đặc biệt
Nhằm nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và TP Thủ Đức theo phương châm 5 tại chỗ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM hình thành các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Đội đặc nhiệm này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban chỉ đạo khu vực đó.
Một cán bộ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển, đưa đón F0, F1 từ nhà đến khu cách ly hoặc nơi điều trị. Ảnh: Duy Hiệu. |
Về thành phần của 22 Tổ công tác đặc biệt, Sở Y tế TP.HCM là Tổ trưởng, phụ trách chung về hoạt động và chịu trách nhiệm chính về chuyên môn phòng, chống dịch bệnh. Thành đoàn TP.HCM là Tổ phó, chịu trách nhiệm huy động lực lượng hỗ trợ cho Tổ công tác.
Thành viên gồm nhân viên Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố, nhân viên y tế tại các bệnh viện, sinh viên các trường đại học y trên địa bàn và lực lượng đoàn viên thanh niên.
Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa các khu vực trên địa bàn. Riêng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, thành phố giao cho Ban quản lý chịu trách nhiệm cao nhất.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM tăng cường tổ công tác đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga... Đồng thời, tăng cường lực lượng hỗ trợ một số quận, huyện đang có tình hình dịch bệnh phức tạp.
Xét nghiệm nửa triệu mẫu/ngày, thí điểm test nhanh
TP.HCM thay đổi nhiều chiến lược xét nghiệm qua từng giai đoạn dịch. Trước đó, thành phố chủ trương xét nghiệm rRT-PCR mẫu đơn.
Từ đợt bùng phát dịch liên quan nhóm bốc xếp sân bay Tân Sơn Nhất đầu tháng 2, thành phố áp dụng xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp, tầm soát diện rộng tại các khu dân cư, nơi tập trung đông người có nguy cơ cao như bến xe, nhà ga, khu nhà trọ, công viên vui chơi...
Lúc này, năng lực xét nghiệm của thành phố khoảng 30.000-40.000 mẫu đơn và 120.000-150.000 mẫu gộp mỗi ngày. Nhờ xét nghiệm gộp mẫu, đến cuối tháng 2, thành phố nhanh chóng khống chế, cắt đứt chuỗi lây nhiễm này.
Trong đợt bùng phát dịch lần 4 vào cuối tháng 5 liên quan chuỗi công ty Grove và quán bánh canh O Thanh (quận 3), TP.HCM huy động nhân lực lấy 100.000 mẫu bệnh phẩm trong vòng 24 giờ, xét nghiệm 35.000-40.000 mẫu đơn và trả kết quả trong 24 giờ.
Ngày 26/6, thành phố đặt mục tiêu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân, người lao động tại khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên toàn thành phố. Hình thức là lấy mẫu gộp 10 hoặc 15 với số lượng 500.000 người/ngày. Trong 10 ngày (từ 26/6 đến hết 5/7), thành phố dự kiến lấy mẫu cho 5 triệu người.
Điểm mới trong phương pháp xét nghiệm tại TP.HCM là sử dụng test nhanh, kết hợp xét nghiệm rRT-PRC mẫu đơn, mẫu gộp để truy tìm F0 sớm nhất. Test nhanh được dùng để quét ngay tại vùng có ổ dịch, áp dụng với các trường hợp tiếp xúc gần. Người dương tính sẽ được cách ly ngay và sử dụng rRT-PCR mẫu đơn xét nghiệm. Những người âm tính được xét nghiệm mẫu gộp một lần nữa.
Hàng nghìn công nhân Công ty PouYuen (quận Bình Tân) được lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 28/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo thành phố cần tăng cường năng lực xét nghiệm, xử lý và trả kết quả xét nghiệm nhanh.
Với số lượng test nhanh được phân bổ thêm, TP.HCM tiến hành thí điểm test nhanh kháng nguyên đối với người trong khu vực đã phong tỏa, trường hợp đang cách ly tập trung, người làm công việc thiết yếu chống dịch và nhóm công nhân trong khu công nghiệp.
Kịch bản 10.000 ca nhiễm và mô hình điều trị 3 tầng
Trong giai đoạn đầu bùng phát dịch, Sở Y tế TP.HCM xây dựng kịch bản 1.000 ca mắc, thành lập Bệnh viện dã chiến Củ Chi (300 giường) và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ (600 giường), song song Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (điều trị trường hợp diễn biến nặng) và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (điều trị trẻ em).
Giữa tháng 5, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục xây dựng kế hoạch 5.000 ca mắc. 7 bệnh viện được phân công chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 với 2.000 giường bệnh, 1.000 giường hồi sức, 1.000 máy thở. Các đơn vị điều trị Covid-19 gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Covid-19 Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Mô hình tháp điều trị Covid-19 ba tầng tại TP.HCM. Ảnh: Sở Y tế cung cấp. |
Ngày 26/6, Sở Y tế TP.HCM thành lập thêm 2 bệnh viện dã chiến có quy mô 5.000 giường. Hai cơ sở được chuyển đổi công năng từ ký túc xá Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh sinh viên, địa chỉ tại phường Đông Hòa, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, có quy mô 1.000 giường và ký túc xá Khu A, thuộc ký túc xá ĐHQG TP.HCM, địa chỉ tại khu phố 6, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, quy mô 4.000 giường.
Trong bối cảnh thành phố ghi nhận khoảng 80% trường hợp nhiễm mới không có triệu chứng, 2 cơ sở mới thành lập này chịu trách nhiệm tiếp nhận, điều trị các trường hợp mới mắc hoặc F1 trở thành F0 và F0 không có triệu chứng. Như vậy, với 2 bệnh viện dã chiến được thành lập, TP.HCM có 10.000 giường điều trị Covid-19 tại 11 cơ sở y tế.
Giám sát chặt chẽ khu công nghiệp
Song song kiểm soát và khống chế các ổ dịch bùng phát, TP.HCM đặc biệt chú trọng công tác kiểm soát sự lây nhiễm trong khu công nghiệp.
Hiện tại, Sở Y tế TP.HCM áp dụng các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ người lao động, kiểm tra thông tin người ra vào cơ sở sản xuất lao động, yêu cầu khai báo y tế đầy đủ.
Người lao động sau giờ làm việc được yêu cầu chỉ nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc người ngoài gia đình, không tụ tập, đi đến nơi công cộng. Người thân trong cùng nhà cũng hạn chế tiếp xúc bên ngoài.
Các cơ sở kiểm soát khu lưu trú, ký túc xá dành cho công nhân, không để người không có nhiệm vụ được ra vào; theo dõi sát tình hình sức khỏe công nhân và thông tin khai báo y tế.
Đơn vị sản xuất nghiên cứu bố trí khu lưu trú cho công nhân ngay tại cơ sở làm việc nếu có điều kiện, đảm bảo quản lý không tiếp xúc với người bên ngoài cộng đồng. Các cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức cách ly tại nơi làm việc nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh, đảm bảo vừa cách ly y tế vừa duy trì lao động sản xuất.
Xây dựng kế hoạch tiêm vaccine
TP.HCM vừa hoàn tất chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 được khởi động từ 21/6. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết thành phố đã thực hiện thành công đợt tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với hơn 800.000 người được tiêm.
Hàng nghìn người được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11). Ảnh: Quỳnh Danh. |
Từ mũi tiêm đầu tiên được thực hiện vào ngày 8/3, đến nay, TP.HCM đã hoàn tất tiêm cho khoảng hơn 945.000 người. Trong đó, đợt 1 có 9.155 người, đợt 2 có 64.416 người, đợt 3 có 71.800 người và đợt 4 là hơn 800.000.
Sở Y tế TP.HCM tiếp tục đề ra kế hoạch tiêm vaccine cho những đợt tiêm chủng tiếp theo.
Ông Dương Anh Đức cho biết TP.HCM có 2 nguồn cung vaccine là Chính phủ cấp và thành phố chủ động tiếp cận. Theo kế hoạch dự kiến đến cuối năm, Việt Nam nhận hơn 100 triệu liều vaccine, TP.HCM cũng được phân bổ khoảng 10% trong số này (khoảng 10 triệu liều).
Ngoài ra, thành phố đã tiếp xúc trực tiếp với các nhà sản xuất, không phải qua trung gian, để chủ động tiếp cận nguồn vaccine. Mục tiêu của TP.HCM đang hướng đến việc tiếp cận khoảng 5-10 triệu liều trong năm nay, phấn đấu ít 70% người dân thành phố được tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.