Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xe bánh bột củ cải, xôi xái báo nổi tiếng tại TP.HCM

Suốt 30 năm qua, những món ăn bình dân gốc Quảng Đông (Trung Quốc) của vợ chồng ông Ngầu luôn nhận được sự yêu mến của người dân sinh sống tại khu vực Chợ Lớn (quận 6).

Đúng 12h, ông Ngầu (73 tuổi) bắt đầu xếp những miếng bánh bột củ cải đầu tiên ngay ngắn lên tủ kính. Trước cửa hàng của ông ở ngã tư Phạm Phú Thứ - Phạm Văn Chí (quận 6), vài khách đã dựng xe từ trước chờ để mua về.

Hàng chục năm nay, món xôi xái báo (còn gọi là xá bấu) và bánh bột củ cải trứ danh của gia đình ông Ngầu đã trở thành quà vặt quen thuộc của người dân trong khu vực. “Bánh mềm mịn, núng nính”, “xôi dẻo thơm, xá bấu đậm đà” là những lời khen mà các thực khách thường dành cho hàng ăn này.

“Người ta hay nói với tôi rằng đi ăn khắp khu Chợ Lớn mà vẫn chưa tìm được tiệm nào có bánh bột và xôi ngon hơn nhà tôi làm. Nghe mà mừng, chắc nhờ vậy mà hôm nào cũng bán mấy tiếng là hết sạch, cứ vậy suốt mấy chục năm nay”, ông Ngầu vừa xếp thêm bánh lên kệ, vừa xởi lởi khoe với Zing.

tiem xoi xa bau quan 6 anh 1

Ông Ngầu - chủ tiệm bánh bột củ cái, xôi xái báo nổi tiếng ở quận 6 (TP.HCM).

Món ngon Quảng Đông giá bình dân

Ông Ngầu tên thật là Lương Tử, nhưng không phải ai cũng biết vì mọi người đã quen gọi ông là "chú Ngầu".

“Nhiều khi người ta gọi ‘chú Ngầu’, ‘lão Ngầu’ nhiều quá thành quen, bản thân tôi cũng thích xưng hô bằng tên này vì hay hay”, chủ tiệm vui vẻ nói.

Xôi xái báo, bánh bột củ cải vốn là món ăn gắn liền với các gia đình người Hoa, đặc biệt là người Quảng Đông (Trung Quốc). Từ mong muốn được làm gì đó của riêng mình, vợ chồng ông quyết định bán những món truyền thống, quen thuộc của gia đình.

Thời gian đầu, ngày nào ông bà Ngầu cũng dậy sớm để chuẩn bị nguyên liệu và mở hàng trong buổi sáng. Sau này lớn tuổi hơn, sức khỏe phần nào giảm sút, vợ chồng ông chuyển sang bán từ giữa trưa để có đủ thời gian hấp bánh, nấu xôi.

Trò chuyện với Zing, ông chủ cho biết để hấp được một xửng bánh bột củ cải ngon tốn rất nhiều công sức. Cần chọn được loại bột gạo tiêu chuẩn, tôm khô ngon, không vụn, đặc biệt là củ cải trắng phải chọn kỹ để không bị đắng.

Nước tương ăn cùng được nấu theo công thức riêng, chia sẵn thành từng bịch nhỏ để tiện khi bán. Món xôi xái báo có điểm nhấn là củ cải muối mặn băm nhỏ nên khâu chuẩn bị cũng kỳ công không kém.

“Mọi công đoạn chính đều do bà nhà tôi làm hết, tôi chỉ dọn hàng và đứng bán thôi. Bà ấy khéo tay và kỹ tính, nhờ vậy mà chúng tôi luôn đảm bảo chất lượng cho món ăn”, ông Ngầu chia sẻ.

Nhiều năm qua, ông Ngầu và vợ mượn mặt bằng nhà của họ hàng để bán buôn. Quán chủ yếu bán mang về nên bài trí khá đơn giản: bên ngoài đặt tủ bánh, bên trong có một chiếc bàn nhỏ cùng vài cái ghế để phục vụ người muốn ăn tại chỗ.

Khoảng 13h, vợ ông mang ra thêm hai xửng bánh mới. Ông Ngầu bắt đầu cắt bánh, thao tác chậm rãi nhưng gọn gàng, xắn những đường thẳng thớm để chia bánh thành từng miếng hình thoi. Miếng bánh trắng ngà, bên trên phủ đầy củ cải băm nhỏ, thịt bằm và tôm khô.

Sau khi cắt được một nửa, ông xếp từng miếng lần lượt được xếp lên tủ kính sao cho đẹp mắt nhất có thể vì “khách hàng trước tiên ‘ăn’ bằng mắt, xếp gọn gàng người ta sẽ ưng hơn”. Xếp bánh xong, ông lại chia sẵn xôi vào các túi để tiện bán cho khách mang đi.

Giá mỗi miếng bánh là 12.000 đồng, xôi ăn tại chỗ có giá 10.000 đồng/dĩa, mỗi hộp mang về có lượng đồ ăn nhiều gấp đôi nên ông bán 20.000 đồng.

Hàng ăn gắn liền với nhiều thế hệ

Nhiều người sống ở khu Chợ Lớn khoe mình là mối ruột của hàng ăn này suốt nhiều năm nay.

“Mình được bà nội mua cho ăn từ hồi một miếng bánh có giá 5.000 đồng, tới giờ thì giá có cao hơn một chút nhưng hương vị thì vẫn như xưa. Chú bán giờ trưa nên hơi khó để mua vì mình bận đi làm, nên cuối tuần lại rủ người yêu ra đây vì hai đứa đều ghiền ăn bánh bột”, Phương Linh (24 tuổi, kinh doanh bất động sản) cho biết.

Mua một lần 10 miếng bánh và 5 phần xôi, cô Cẩm Lệ (48 tuổi), khách quen của tiệm ăn suốt nhiều năm, hào hứng kể: “Mấy đứa nhỏ rất thích ăn bánh bột nhà ông Ngầu, dù nhiều nơi bán nhưng vẫn đòi mẹ ra đây mua. Không phải khen chứ khó tìm được chỗ nào mà cả nhà đều ưng như vậy lắm!”.

“Mình không phải người Hoa, nhưng được ba mẹ tập cho ăn món Hoa từ bé, nhà lại ở khu Chợ Lớn nên các tiệm ăn ngon mình đều thuộc lòng địa chỉ. Bánh bột củ cải của ông Ngầu miếng nào cũng núng nính nhìn rất nịnh mắt, nhất là ông còn bán cả bánh củ cải khoai môn, ăn mê lắm!”, Mỹ Hân (20 tuổi, sinh viên năm 3 trường ĐH Kinh tế TP.HCM) hóm hỉnh kể.

“Mình cứ hay ‘dụ’ ông bà truyền nghề cho để sau này mình tự làm ăn vì cứ cách ngày lại phải ghé mua thấy ‘hao tiền’ ghê”, cô nói thêm.

Khi được hỏi về kế hoạch buôn bán và dưỡng già trong tương lai, ông Ngầu kể cũng muốn truyền nghề cho con nhưng các con của ông bà đa phần đã lập gia đình và sang nước ngoài sinh sống.

“Lớn tuổi rồi, tụi tôi không đặt nặng chuyện lời lãi, chủ yếu muốn tự sức lao động, gặp và trò chuyện với khách mỗi ngày. Nhiều nhà hàng muốn đặt riêng số lượng lớn mà tôi không nhận cũng là vì thế”.

“Bán được thêm ngày nào thì tôi vui ngày đó. Mấy chục năm qua, duy trì được tiệm ăn và giúp ẩm thực của người Hoa được yêu thích nhiều hơn chính là điều vợ chồng tôi lấy làm tự hào”, ông Ngầu chia sẻ.

tiem xoi xa bau quan 6 anh 11

Tiệm ăn của ông Ngầu nằm ở ngã tư Phạm Phú Thứ - Phạm Văn Chí (quận 6).


Món xôi cay nổi tiếng của gia đình người Hoa tại TP.HCM

50 năm qua, nhiều người sống ở khu vực chợ An Đông (quận 5) đã quen và dành niềm yêu thích đặc biệt với món xôi cay Hai Cô.

Yeu mot 'food boy' hinh anh

Yêu một 'food boy'

0

Nhiều bạn trẻ đồng ý rằng những cuộc tình với "food boy" hay "food girl" thường lành mạnh về tinh thần nhưng lại dễ gây tăng cân vì người mình yêu thuộc "hệ ăn hàng".

Hồng Anh

Bạn có thể quan tâm