Ngày 13/1, thời tiết lạnh giá tại Hàn Quốc cũng không đủ sức ngăn dòng người đứng đợi mua các món đồ hiệu xa xỉ, theo Allkpop.
Với mức nhiệt vào khoảng -13 độ C, nhiều người thậm chí xếp hàng cả đêm trên con phố trước cửa hàng mua sắm ở Myeong-dong, Seoul. Một số mang theo túi ngủ, lều, cho biết đã đợi khoảng 14 tiếng.
Lúc 7h30, có khoảng 25 người xếp hàng trước Cửa hàng bách hóa Shinsegae hay Cửa hàng bách hóa Lotte. Tuy nhiên đến khoảng 10h, chỉ 30 phút trước khi cửa hàng mở cửa, con số đã lên đến hơn 100 người.
Nhiều người dựng lều, đợi qua đêm trước cửa trung tâm mua sắm để mua được hàng hiệu ở Hàn Quốc. Ảnh: Noh Yoo-jung. |
Đây chính là cuộc chạy đua để mua được các sản phẩm trước khi hết hàng. Vì vậy, nhiều người quyết định xếp hàng từ tối hôm trước. Theo những người này, nếu muốn có được phiếu thứ tự một trong 20 vị trí mua đầu tiên, khách phải đến trước 6h sáng.
"Tôi đến đây để mua một chiếc túi Chanel cho bạn gái. Đây là lần đầu tiên tôi đứng đợi trước cửa hàng như thế này, thật không dễ dàng gì vì thời tiết rất lạnh", Oh (43 tuổi) cho biết.
"Tôi đã xin nghỉ làm một ngày và đến xếp hàng. Tôi nghĩ bây giờ là lúc hàng xa xỉ đang ở mức hời nhất vì giá cứ tăng lên mỗi ngày. Tôi cũng cho rằng đây là một khoản đầu tư tốt vì tôi có thể bán lại nó sau này", anh nói thêm.
Thị trường hàng xa xỉ bùng nổ ở Hàn Quốc trong đại dịch. Ảnh: Reuters. |
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường hàng xa xỉ của Hàn Quốc đã tăng thêm 4,6%, tương đương 14,1 tỷ USD và khách mua chủ yếu ở độ tuổi 20, 30.
Nhu cầu hàng hiệu ngày càng tăng cũng tạo ra một loại công việc mới là đứng xếp hàng thuê cho những người muốn mua. Lim (39 tuổi) cho biết anh kiếm được 600.000 won (khoảng 500 USD) chỉ nhờ việc đứng xếp hàng thay người khác vài lần.
Theo nhiều chuyên gia, nhu cầu hàng xa xỉ ở Hàn Quốc gia tăng là do đại dịch Covid-19.
"Người tiêu dùng đang giải tỏa sự ức chế, bó buộc do Covid-19 gây ra thông qua việc mua sắm hàng hiệu. Số lượng hàng xa xỉ cũng có hạn nên đem lại cho họ cảm giác thích thú khi mua được. Ngoài ra, đây cũng được xem là một dạng đầu tư", Lee Eun Hee, giáo sư chuyên ngành xã hội tiêu dùng tại Đại học Inha, giải thích.