Hôm nay Bộ GD&ĐT mới chạy phần mềm lọc ảo nhưng rất nhiều trường đại học nằm trong số những trường lấy kết quả thi THPT quốc gia 2019 để xét tuyển đã tuyển được 50% chỉ tiêu bằng phương thức tuyển sinh khác.
Tại Học viện Tài chính, ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Đào tạo, cho biết trường đã tuyển được gần 2.000 chỉ tiêu trong tổng số 4.200 chỉ tiêu của năm 2019 bằng hình thức xét tuyển học bạ đối với học sinh giỏi quốc gia và học sinh giỏi 3 năm liền. Như vậy, trường chỉ còn khoảng hơn 2.000 chỉ tiêu dành cho kết quả thi THPT quốc gia.
Dù chưa lọc ảo nhưng nhiều thí sinh đã biết mình trúng tuyển ĐH 2019. Ảnh: Tiền Phong. |
Theo ông Nguyễn Đào Tùng phân tích, năm nay các trường ĐH đều đẩy mạnh phương thức xét tuyển kết hợp, như xét tuyển kết quả học tập cộng với chứng chỉ tiếng Anh nên số thí sinh ảo từ hình thức xét tuyển này ở Học viện Tài chính tương đối cao. Học viện có khoảng hơn 6.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng học sinh giỏi và trong số này có 3.700 hồ sơ đạt yêu cầu nhưng chỉ có gần 2.000 thí sinh đến xác nhận nhập học.
Các trường top trên cùng khối ngành kinh tế như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay cũng dành nhiều chỉ tiêu để thực hiện phương thức xét tuyển thẳng kết hợp, nên một lượng lớn thí sinh có học lực giỏi, có chứng chỉ tiếng Anh “chảy” về những trường này khiến tỷ lệ thí sinh ảo ở Học viện Tài chính năm nay nhiều hơn những năm trước.
Các trường khu vực phía Nam cũng tương tự. Với phương thức xét tuyển bằng thi đánh giá năng lực do ĐH quốc gia TP.HCM tổ chức, các trường thành viên của ĐH này đã tuyển được 50% chỉ tiêu.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, việc công bố trúng tuyển bằng nhiều hình thức trước khi tổ chức lọc thí sinh ảo dẫn đến một hệ lụy cho các trường ĐH top giữa.
Đó là điểm chuẩn sẽ dâng cao nhưng lại khiến các trường lo lắng. Vì khi điểm chuẩn dâng cao, việc xác định điểm chuẩn để làm sao không thừa, không thiếu chỉ tiêu là một bài toán rất khó đối với những trường top giữa như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra được danh sách những thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, nhưng không lọc được những thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển khác.
Đối với nhóm xét tuyển miền Nam, PGS. Đỗ Văn Dũng cho biết năm nay vẫn giữ số lượng như năm 2018 là 85 trường xét tuyển. Trong ba ngày (6-8/8), Bộ GD&ĐT sẽ chạy phần mềm lọc ảo 6 lần thì nhóm trường khu vực miền Nam sẽ chạy lọc ảo 10 lần.
“Việc lập nhóm lọc ảo tốt cho các trường để xác định chính xác hơn điểm chuẩn phù hợp với chỉ tiêu” - PGS. Dũng nói.
Chủ trì nhóm xét tuyển miền Bắc, PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng thông tin hiện có 53 học viện, trường ĐH khu vực miền Bắc tham gia. Nhóm đã sẵn sàng tất cả mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để tiến hành lọc thí sinh ảo.
Đêm 5/8, Bộ GD&ĐT bắt đầu chuyển dữ liệu thí sinh đăng ký nguyện vọng cho các trường. Ngay khi nhận được dữ liệu của bộ, nhóm chạy vòng đầu tiên (gọi là vòng 0) đưa ra con số dự báo ban đầu theo số lượng thí sinh đăng ký để sáng 6/8 các trường có kết quả định hướng.
Khoảng 7h30, nhóm sẽ chạy chính thức lần đầu, sau 2 tiếng sẽ chạy lần 2 và khoảng 11h cùng ngày sẽ có kết quả đầu tiên để chuyển lên Bộ GD&ĐT lọc ảo.