Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xóm hủ tiếu chay lâu năm ở Sài Gòn

Nói đến hủ tiếu chay xóm Giá, những người trẻ hôm nay ít biết. Xa xưa thì không chỉ cư dân trong quận 11 mà cả 6, quận 5 đều biết đến xóm này.

Vào thời hưng thịnh (khoảng năm 1977 đến 1990), con hẻm nhỏ đường Hồng Bàng (hẻm 702 phường 1, quận 11) chỉ dài chừng trăm mét mà đã có tới 16 quán hủ tiếu chay. Bây giờ, dù lối vào xóm mấy năm qua đã treo bảng Phố ẩm thực chay nhưng do hàng quán chay mở ra khắp nơi quá nhiều, phố chỉ còn chừng 7 quán. Ngoài hủ tiếu chay thương hiệu, còn có mì xào, bò kho chay, bún riêu chay…

hu tieu chay anh 1

Tôi vốn là con dân phường 1, có bạn thân ở trong xóm Giá, thời trẻ thỉnh thoảng chạy sang rủ ra ăn hủ tiếu. “Thổ địa xóm” ngay từ đầu đã chỉ bảo chúng tôi: “Ngon nhất, lâu đời nhất là quán Thiện Ý”.

Mà dân trong xóm cũng chả bao giờ gọi đúng tên quán, toàn gọi quán bà Năm. Gọi vậy vì bà là người đầu tiên mở quán hủ tiếu chay trong xóm. Thiện Ý có từ trước năm 1975, nhằm phục vụ cho số đông người đi dâng hương lễ Phật các chùa gần đó. Thấy bà Năm bán được, nhà khác cũng mở, lâu dần thành xóm chuyên bán đồ chay, nhưng chủ lực vẫn là hủ tiếu chay.

hu tieu chay anh 2
Món chủ lực ở phố ẩm thực là hủ tiếu chay.

Ngày đó, hẻm còn có tên là hủ tiếu chay Phú Lâm, kế bên chùa Tuyền Lâm. Những năm xóm Giá hưng thịnh, đi mấy mét là thấy hủ tiếu chay. Vào quán nào cũng nghe giới thiệu về sợi hủ tiếu chay được chế biến bởi một công thức riêng biệt. Ngoài sợi hủ tiếu, còn có một món đặc biệt hơn, đó là các loại chả chay tự làm theo hương vị riêng từng quán.

Những năm đó, bà Năm còn khỏe, hay ra ngồi trông coi quán. Bà cũng không ngại tiết lộ bí quyết: “Món hủ tiếu ngon chính là nhờ nước lèo. Tuy người miền Nam hay dùng nhiều đường nhưng quán chỉ dùng vị ngọt bằng rau củ như củ cải trắng, củ cải đỏ, củ sắn... Lê gim tươi non thì nước lèo sẽ ngon hơn và có mùi thơm đặc trưng”.

hu tieu chay anh 3
Quán ngon nhất và lâu đời nhất ở xóm Giá là Thiện Ý, chuyên bán hủ tiếu chay.

Ngày đó, những năm 1980, thức ăn đường phố chưa phong phú. Thực khách đến với món hủ tiếu chay đa phần là học sinh, công nhân lao động, khách vãng lai nghèo, người đi chùa. Tôi nhớ xa xưa về ngày đó, xóm còn là con hẻm. Đèn đường chưa có, khách đến thường ăn dưới ánh đèn dầu.

Bà Năm bây giờ không còn, nhưng Thiện Ý vẫn đông khách. Sau khi bà mất, con trai kế thừa nghề nấu hủ tiếu chay, sau đó giao lại cho các con. Những khách quen của quán năm xưa thỉnh thoảng ghé ăn vẫn cảm nhận được vẹn nguyên hương vị. Tô hủ tiếu vẫn là một vắt hủ tiếu và mì, giá trụng, hai lát nhỏ đậu hũ chiên, hai lát mì căn thay chả, một miếng hoành thánh nhân đậu và khoai chiên, dăm lát cà rốt, củ cải, rau thơm, hành ngò. Nước lèo sóng sánh nâu với vài sợi nấm. Trên bàn có sẵn nước tương, sa tế, chanh ớt...

Ngoài chiếc xe hủ tiếu đóng mới, quán vẫn xài cái bảng hiệu cũ, do chính tay ông Đức, con trai bà năm đóng và sơn. Giá rất rẻ: hủ tiếu, hủ tiếu mì là 10.000 đồng một tô, bò kho chay, bún mì xào chay là 15.000 đồng một phần.

Nhà hàng chay thanh tịnh trên đường Cô Bắc

Phong cách chay lạ và khác biệt đến từ không gian, từ tên gọi, tạo hình hay cách nêm nếm gia vị của nhà hàng khiến các món chay tại đây rất được yêu thích tại TP HCM.

http://phunuonline.com.vn/du-lich/cam-nang-du-lich/xom-hu-tieu-chay-lau-nam-o-sai-gon/a139554.html

Theo Trần Duy / Báo Phụ Nữ TP HCM

Bạn có thể quan tâm