Zing trích dịch bài đăng trên SCMP, đề cập đến sự bùng nổ của xu hướng mua sắm qua kênh phát sóng trực tiếp tại Mỹ.
“Chiếc áo này có giá 22 USD. Nó thật sự rất, rất, rất đẹp đó mọi người”, Jenna Powel - chủ thương hiệu thời trang Jennaration - miêu tả bộ đồ mình đang mặc cho người xem qua sóng livestream.
Tương tự hàng triệu doanh nghiệp trên thế giới, Powell buộc phải đóng cửa 3 chi nhánh của mình từ đầu năm nay dưới ảnh hưởng của đại dịch. Gần đây, cô đã tìm ra giải pháp để cứu vãn việc kinh doanh: Bán hàng qua livestream.
Giờ đây, cô chủ người Mỹ chỉ cần đứng trước camera, ướm thử những bộ trang phục khác nhau và thuyết phục 400 người theo dõi livestream trên Facebook mua hàng. Chia sẻ với SCMP, cô cho biết mình có thể thu về 10.000 USD sau 40 phút phát sóng.
Jenna Powell, chủ thương hiệu thời trang Jennaration (Mỹ), cho biết cô có thể thu về 10.000 USD chỉ với 40 phút bán hàng trên sóng livestream. Ảnh: Jennaration. |
Xu hướng mua sắm mới tại Mỹ
Bán hàng qua sóng trực tuyến, vốn thịnh hành tại Trung Quốc, đang trở thành xu hướng mua sắm mới ở Mỹ. Không chỉ giúp các doanh nghiệp xứ cờ hoa thoát cảnh phá sản vì dịch bệnh, hình thức kinh doanh này còn là cách giải trí thú vị trong thời gian giãn cách xã hội.
Thay vì chăm chú nghiền ngẫm danh mục sản phẩm, người tiêu dùng xứ cờ hoa nay chỉ cần xem livestream trên điện thoại và chọn mua món đồ mình cảm thấy ưng ý nhất. Từ quần áo, đồ trang điểm cho đến dụng cụ gia đình, tất cả đều được phát sóng trực tiếp dưới sự quảng cáo nhiệt tình, chân thực của chủ tiệm.
Hình thức kinh doanh này được kỳ vọng đạt doanh thu 5 tỷ USD trong năm nay và lên mức 25 tỷ USD sau 3 năm nữa, theo dữ liệu từ Coresight Research. Trong khi đó, một số công ty công nghệ như Facebook, Instagram hay Amazon đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng livestream trên điện thoại.
Dù không chỉn chu, chuyên nghiệp bằng các kênh truyền hình mua sắm, Powell cho biết khán giả chuộng xem quảng cáo qua livestream hơn vì tính chân thực nó đem lại.
“Cảm giác hoàn toàn khác với việc lật giở catalog của Victoria’s Secret. Tôi là một con người chân thực, đang giới thiệu tới bạn những sản phẩm chân thực”, cô nói.
Người tiêu dùng Mỹ ưa thích theo dõi quảng cáo qua kênh livestream vì tính chân thực, sinh động và dễ liên hệ. Ảnh: Bloomberg. |
CommentSold, doanh nghiệp đứng sau nền tảng livestream của Jennaration và hơn 4.000 nhà bán lẻ khác, kỳ vọng người dùng sẽ đạt mức doanh thu 1 tỷ USD trong năm nay, gấp 3 lần so với năm ngoái.
Brandon Kruse, nhà sáng lập CommentSold, cho biết phần lớn khách hàng là nữ giới trên 35 tuổi, thường xuyên tương tác với chủ tiệm dưới phần bình luận. “Điều này khiến cả người bán và người mua cảm giác như đang đi mua sắm cùng nhau vậy”.
LaKesha Williamson, nhân viên tại trại tị nạn dành cho nạn nhân bạo hành gia đình ở bang Alabama, là một khán giả trung thành của các kênh livestream mua sắm. Cô thường dành 30 giờ/tuần cho các video quảng cáo trực tuyến, chi khoảng 50 USD cho các sản phẩm quần áo, nữ trang và phụ kiện điện thoại.
“Giờ tôi chỉ mua sắm bằng cách này”, người phụ nữ 42 tuổi khẳng định. Cô cảm thấy thoải mái khi được xem chủ tiệm trải nghiệm sản phẩm, được bình luận cùng hàng trăm khách hàng có cùng mối quan tâm.
Không đơn thuần vì mục đích mua sắm
Dan Hodges, CEO của tập đoàn tư vấn kinh doanh Consumers in Motion, liên hệ sự bùng nổ của xu hướng livestream mua sắm với sự thiếu hụt tương tác giữa con người với con người trong mùa dịch.
Theo anh, chỉ vài năm tới, các trung tâm thương mại lớn tại Mỹ sẽ bắt kịp xu hướng thời đại, tổ chức các buổi phát sóng trực tiếp để tư vấn mua sắm cho khách hàng.
Sau 5 năm thử nghiệm, "gã khổng lồ thương mại điện tử" Amazon đã cung cấp ứng dụng phát sóng trực tiếp miễn phí cho các doanh nghiệp bán lẻ trên website của mình.
Nhiều khách hàng vừa muốn mua sắm, vừa muốn tương tác với người bán và những người mua có cùng mối quan tâm. Ảnh: Getty. |
Người mua có thể trao đổi với chủ tiệm qua cửa sổ chat, chọn mua sản phẩm đang được giới thiệu trên livestream bằng cách nhấp chuột vào cạnh video. Kết quả, chỉ trong 2 ngày giảm giá Prime Day vào tháng trước, Amazon đã phát sóng thành công 1.200 livestream.
Thương hiệu mỹ phẩm Chella bắt đầu phát sóng trực tiếp trên Amazon khoảng một năm trước, tập trung vào nội dung hướng dẫn người xem sử dụng các sản phẩm gel dưỡng lông mày, dụng cụ uốn mi và mascara. Trung bình, mỗi video của Chella thu hút 3.000 lượt xem - con số không nhỏ với một thương hiệu tầm trung.
Kayla Parks, nhân viên tại Chella, nhận thấy người xem có xu hướng tương tác tích cực hơn khi đại dịch bùng phát. Khi phát sóng, nhiều người xem bình luận về trang phục cô mặc, khen ngợi màu sơn móng tay của cô và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến sản phẩm.
"Tôi nghĩ những vị khách ấy cần người nói chuyện cùng. Họ vừa muốn mua hàng, vừa muốn tương tác một cách thoải mái nhất", cô nói.