Chiều 7/5, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo nên tuyên bị cáo Dương Chí Dũng tử hình tội Tham ô tài sản, 18 năm tù tội Cố ý làm trái. Tổng hình phạt chung bị cáo này chịu mức án tử hình.
Với bị cáo Mai Văn Phúc, tòa cũng tuyên tử hình tội Tham ô tài sản, 18 năm tù tội Cố ý làm trái. Tổng hình phạt chung nguyên Tổng giám đốc Vinalines phải chịu là tử hình
Ngoài ra, bị cáo Trần Hữu Chiều - nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines chịu 19 năm tù (10 năm tội Tham ô tài sản, 9 năm tội Cố ý làm trái); Trần Hải Sơn lĩnh 22 năm tù (14 năm tội Tham ô tài sản; 8 năm tội Cố ý làm trái); Mai Văn Khang và Lê Văn Dương cùng mức án 7 năm về hành vi Cố ý làm trái.
3 bị cáo còn lại là cựu cán bộ hải quan gồm: Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện cùng ở mức án 6 năm tù. Họ được chấp nhận kháng án, giảm nhẹ một phần hình phạt tù về tội Cố ý làm trái.
![]() |
Bị cáo Dương Chí Dũng (áo trắng) chiều 7/5. |
Từ kết quả điều tra trên, HĐXX khẳng định, có cơ sở chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phương và Thảo.
Tại phiên tòa chiều nay, HĐXX cho biết bị cáo Dũng và Phúc đều không thừa nhận nhận số tiền hơn 1,6 triệu USD và số tiền ăn chia của Lê Hải Sơn. Trước phiên xử diễn ra, Dương Chí Dũng đã có đơn xin nhận tội nhưng tại tòa phúc thẩm, bị cáo này đã kêu oan.
Trên cơ sở điều tra tại Singapore và Nga, lời khai của Dũng và Phúc, cấp sơ thẩm xác định 2 bị cáo này trao đổi với công ty AP 1,666 triệu USD và thỏa thuận số tiền ăn chia của Sơn là có căn cứ. Hai bị cáo này có vai trò chủ mưu, cầm đầu là phù hợp.
Các bị cáo đã lập hồ sơ khống chiếm hưởng số tiền này nên bị truy tố tội Tham ô là đúng, không oan. Về bà Trần Thị Hải Hà (em gái Sơn được nhận số tiền 2 tỷ đồng và giúp Sơn chuẩn bị tiền đưa cho Dũng, Phúc), HĐXX nhận thấy là có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội.
Lời khai của Sơn về thời gian, địa điểm đưa tiền cho Dũng, Phúc là phù hợp với các nhân chứng và đơn xin nhận tội của bị cáo. Đối với Mai Văn Phúc, các lời khai của Sơn đều thống nhất đưa tiền cho Phúc 3 lần tại Làng quốc tế Thăng Long, lần thứ 3 tại quê ở Phúc ở Hải Phòng.
Xét kháng cáo của các bị cáo, nhận thấy hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, cấp sơ thẩm đã cá thể hóa hình phạt Dũng và Phúc đã phạm 2 tội đặc biệt nghiêm trọng là hoàn toàn có căn cứ. Vụ án bắt đầu từ những chủ trương sai trái của Dũng với tư cách Chủ tịch HĐQT. Cả Dũng, và Phúc đã ký phê duyệt dự án nhà máy, dự án mua ụ nổi không đúng thực tế gây thiệt hại đặc biệt lớn cho kinh tế nhà nước mục đích nhằm hưởng lợi số tiền 1,666 triệu USD. 2 bị cáo đã lôi kéo thêm nhiều bị cáo khác phạm tội.
Việc gia đình Dũng, Phúc bồi thường một phần thiệt hại là có căn cứ. Tuy nhiên số tiền trên chỉ chiếm 1/2 và 1/3 các bị cáo chiếm được là số tiền rất nhỏ nên không thay đổi tính chất vụ án.
Tại phiên tòa, HĐXX xét thấy về tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc.
Theo điều 11 Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định, ụ nổi không phải là tàu nhưng là cấu trúc nổi di động và được công ty Nakhodka ghi là tàu biển. Kết quả xác minh tại Cục Hàng hải Việt Nam cũng xác định ụ nổi 83M là loại tàu biển.
HĐXX trích một số lời khai của Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện đều cho rằng ụ nổi 83M là tàu biển. Do đó, việc ký thông quan ụ nổi là trái thông tư của Chính phủ. Số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt từ vụ mua ụ nổi 83M là gây thất thoát cho Nhà nước là chính xác. Cấp sơ thẩm xác định vai trò chính trong việc mua ụ nổi thuộc về Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang là phù hợp.
HĐXX nhận thấy các lý do kêu oan hoặc đề nghị của luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước là không có cơ sở chấp nhận.
![]() |
Dương Chí Dũng trước khi được đưa vào phòng xử chiều 7/5. Ảnh: Infonet. |
Trước đó, ngày 22/4, phiên tòa cấp phúc thẩm vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam diễn ra.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng đã trình Bản tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh Hoon Seow (Giám đốc Công ty AP, là công ty bán ụ nổi 83M cho Vinalines). Đây được coi là tình tiết mới trong phiên xử.
Tại tòa, bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) và Mai Văn Phúc (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Vinalines) một lần nữa không nhận tội Tham ô. Còn lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn được cho là mâu thuẫn về hành vi đưa tiền "lại quả" hơn 1,6 triệu USD cho các sếp.
Do đó, chiều 25/4, thay vì tuyên án như đã định, tòa bất ngờ quay lại phần xét hỏi các bị cáo. Trong phiên thẩm vấn lần thứ hai cũng xuất hiện một số tài liệu từ bên Nga mới gửi sang do HĐXX công bố. Nhiều luật sư băn khoăn tính xác thực của các văn bản bởi không có chứng thực. Tuy nhiên đại diện VKSND cho rằng các tài liệu này đã đủ tính hợp pháp đồng thời giữ nguyên quan điểm luận tội đối với các bị cáo.
Nói lời sau cùng, bị cáo Dương Chí Dũng khẩn khoản xin HĐXX được sống. “Nếu chưa chứng minh được bị cáo vô tội thì xin cho bị cáo được sống. Nếu có tội bị cáo chết cũng phải chịu…”, người từng bị tuyên án tử hình ở cấp sơ thẩm nói.
TAND Hà Nội tuyên phạt 10 bị cáo ở cấp sơ thẩm:
1. Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.Tổng án phạt là tử hình.
2. Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là tử hình.
3. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines) 14 năm tù về tội Tham ô, 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 22 năm tù.
4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù.
5. Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) 4 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
7. Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên - Cục đăng kiểm Việt Nam) 7 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) 8 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
9. Lê Ngọc Triện (Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
10. Lê Văn Lừng (Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
Ngoài ra, HĐXX buộc các bị cáo trả lại số tiền 28 tỷ đồng tham ô, liên đới bồi thường số tiền hơn 366 tỷ đồng do hành vi làm trái quy định nhà nước. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng.