Thi thể Jessica Lewis (35 tuổi) và bạn trai Austin “Cash” Wenner (27 tuổi) được một nhóm thanh niên phát hiện hôm 19/6. Xác họ bị bọc lại trong túi đựng rác màu đen rồi nhét vào chiếc vali.
Nhóm thanh niên đã gọi báo cáo với cảnh sát ngay khi phát hiện trong chiếc vali là xác người.
Clip ghi lại sự việc được nhóm này đăng lên TikTok, thu hút hơn 30 triệu lượt xem.
Clip nhóm thanh niên phát hiện thi thể đôi tình nhân đăng lên TikTok được gia đình nạn nhân yêu cầu gỡ bỏ. Ảnh cắt từ clip. |
Gina Jaschke, dì của Jessica, đã liên tục đưa ra yêu cầu TikTok xóa video nhưng không được chấp thuận. Ngày 20/8, BBC đăng tải một clip gia đình tiếp tục van xin nền tảng này gỡ bỏ nội dung trên.
Tuy nhiên, phía TikTok nói không xóa video vì nó không vi phạm nguyên tắc của mình.
"Clip không vi phạm nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi, bởi nó không bao gồm bất kỳ hình ảnh nào về thi thể. Chúng tôi đã liên hệ với gia đình để giải thích về quyết định này", đại diện công ty này cho biết.
Sau khi lời cầu xin được chia sẻ trên truyền thông, nhiều dân mạng ủng hộ nguyện vọng của gia đình nạn nhân và cùng liên hệ với công ty đòi gỡ clip thiếu văn minh.
Ngày 22/8, video đã biến mất. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được đây là hành động từ phía TikTok hay do người đăng chủ động xóa clip.
Nhiều trào lưu trên TikTok bị đánh giá phản cảm nhưng vẫn được nền tảng này cho phép lan truyền. |
Đầy rẫy video phản cảm
Đây không phải lần đầu tiên TikTok gây bức xúc khi cho phép người dùng đăng tải các nội dung phản cảm, không phù hợp.
Nhà phân tích mạng xã hội Jo Phillips ở Lacombe (Canada) cho rằng hàng trăm trào lưu nguy hiểm khác vẫn đang tồn tại trên TikTok. Điều đáng lo hơn cả là 60% người dùng của ứng dụng này đều là người trẻ, trong độ tuổi 16-24.
Đầu tháng 7, diễn giả người Mỹ nổi tiếng Lizzie Velasquez (31 tuổi) chia sẻ chuyện hình ảnh của cô bị đưa ra dọa trẻ con trong một trào lưu thịnh hành trên TikTok có tên #FacetimePrank.
Từ khi còn nhỏ, Velasquez đã mắc chứng tuyến giáp sơ sinh - một chứng bệnh di truyền hiếm gặp. Căn bệnh khiến cô không thể tăng cân và có gương mặt không giống những người bình thường.
Cô đau lòng khi biết không chỉ mình mà có hàng chục người khác đang bị lôi ra làm trò cười vì gương mặt khác lạ. Cô đã lên tiếng phản đối trào lưu độc hại và mong TikTok kiểm soát tốt hơn các nội dung trên nền tảng của mình.
Trước đó, thử thách "ăn cà rốt chấm mù tạt để giảm cân" thu hút nhiều người trẻ học theo cũng bị phê phán sẽ gây nên chứng rối loạn ăn uống.
"Nhiều người khoe họ đang ăn kiêng, cổ xúy giảm cân bằng uống giấm táo hay ăn cà rốt chấm mù tạt. Nhưng nếu làm vậy họ chỉ bị đói và gây nguy hại sức khỏe về lâu dài", chuyên gia dinh dưỡng Jenna Werner nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi về trào lưu này, phía TikTok nói rằng không thể xóa bỏ vì về mặt kỹ thuật, những video đó không vi phạm các nguyên tắc cộng đồng của họ.