Thập niên 2000 đã chứng kiến các xu hướng dịch chuyển quan trọng của ngành công nghiệp ôtô thế giới, trong đó quan trọng nhất là việc nhiều hãng xe chú trọng hơn đến yếu tố tiết kiệm nhiên liệu và cắt giảm khí thải. Song song đó vẫn xuất hiện không ít cái tên góp phần định hình cho giới xe thể thao và siêu xe đến tận ngày nay. Dưới đây là 10 mẫu xe có sức ảnh hưởng nhất được ra mắt trong 10 năm đầu tiên của thế kỷ 21. Ảnh: Bugatti. |
Audi TT 2003: Thế hệ đầu tiên của Audi TT ra đời vào năm 1998 như một phiên bản thu nhỏ của A4 với sức mạnh khiêm tốn. Ban đầu, dòng coupe của Audi chỉ được xếp vào kiểu "xe kiểng" chứ không phải là một mẫu xe thể thao 2 cửa thực thụ. Đến đợt nâng cấp năm 2003, Audi TT mới tạo được dấu ấn lớn trong làng xe khi trở thành dòng ôtô thương mại đầu tiên trang bị hộp số tự động ly hợp kép với tên gọi Direct Shift Gearbox - DSG. Từ thời điểm đó, công nghệ hộp số ly hợp kép với đặc tính sang số cực nhanh trở thành chuẩn mực cho những dòng xe thể thao trên thị trường. Ảnh: Audi. |
Toyota Prius 2004: Có 2 lý do chính để thế hệ thứ 2 của Toyota Prius thành công, đặc biệt là tại Mỹ, dù công nghệ động cơ lai (hybrid) không còn quá mới mẻ vào những năm 2000. Trước hết là mức tiêu thụ trung bình chỉ hơn 5 lít/100 km đi kèm giá nhiên liệu leo thang khiến Prius trở thành lựa chọn sáng giá trong giai đoạn kinh tế thế giới khó khăn. Tiếp theo, Toyota trang bị cho chiếc xe giá khoảng 30.000 USD của mình nhiều tính năng cao cấp khiến Prius được nhiều người dùng phổ thông ưa chuộng. Khi kết thúc vòng đời vào năm 2009, đã có gần 1,2 triệu chiếc Toyota Prius "gen-2" được bán ra trên toàn cầu. Ảnh: Toyota. |
Ferrari F430 2004: Ferrari F430 được giới mộ điệu siêu xe thế giới xem là huyền thoại với động cơ V8 dung tích 4.3L mạnh 483 mã lực và nhiều công nghệ vận hành chia sẻ từ xe đua Công thứ 1. F430 có khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 4 giây và vận tốc tối đa hơn 315 km/h. Mẫu siêu xe nước Ý có 2 phiên bản chính là F430 Spider mui trần và F430 Scuderia mui cứng, ngoài ra Ferrari còn ra mắt một vài phiên bản đặc biệt khác. Dù được săn đón nhưng F430 đã ngừng sản xuất từ 2009. Ảnh: Ferrari. |
Bugatti Veyron 2005: "Ông hoàng tốc độ" là danh xưng được trao cho Bugatti Veyron khi mẫu siêu xe này đạt tốc độ tối đa hơn 400 km/h vào thời điểm ra mắt. Phát triển bởi tập đoàn Volkswagen, chỉ có 450 chiếc Bugatti Veyron được sản xuất trên toàn thế giới với giá bán khởi điểm 2,1 triệu USD. Với động cơ W16 tăng áp 8.0L mạnh trên dưới 1.000 mã lực tùy theo phiên bản, Veyron trở thành hình mẫu chuẩn mực của siêu xe và được TopGear chọn là chiếc xe tốt nhất thập kỷ 2000-2009. Ảnh: Bugatti. |
Volkswagen Jetta 2006: Nắm bắt xu hướng ưa chuộng phương tiện di chuyển tiết kiệm, Volkswagen đã phát triển Jetta thế hệ thứ 5 với trọng tâm là tùy chọn động cơ diesel TDI nhắm vào thị trường Bắc Mỹ. Ngoài ra, Jetta còn xuất hiện phổ biến ở châu Âu, Nam Mỹ cũng như Trung Quốc và trở thành một trong các dòng xe bán chạy nhất của Volkswagen trong nửa sau của thập niên 2000. Mẫu sedan hạng C đến từ Đức dễ dàng đạt doanh số tốt nhờ giá bán cạnh tranh so với các đối thủ, sự bền bỉ và nhất là chi phí sử dụng hợp lý. Ảnh: Volkswagen. |
Mitsubishi Lancer Evolution 2006: Ẩn chứa trong thân hình nhỏ gọn của Mitsubishi Lancer Evolution IX (bản nâng cấp lần thứ 9) là động cơ xăng MIVEC tăng áp 2.0L, tùy theo phiên bản ở các thị trường khác nhau mà công suất đạt trên dưới 280 mã lực và mô-men xoắn dao động ở khoảng 400 Nm. Chính thông số sức mạnh này cùng các khả năng vận hành ấn tượng đã giúp Lancer Evolution tạo dựng vị thế trước khi phong trào chơi xe hiệu năng cao Nhật Bản (Japanese Domestic Market - JDM) qua thời thịnh hành. Ảnh: Mitsubishi. |
Mercedes-Benz S-Class 2007: Không chỉ có kích thước lớn hơn cùng động cơ mạnh hơn, Mercedes-Benz S-Class thế hệ thứ 5 (W221) còn tạo nên tiêu chuẩn mới về sự cao cấp cho xe sedan hạng sang. Đặc biệt, S-Class khi đó ghi điểm ở các tính năng an toàn tiên tiến như phanh chủ động phòng tránh va chạm hay kiểm soát hành trình thích ứng. Việc có nhiều biến thể từ S250 CDI tiêu chuẩn đến bản hiệu năng cao S65 AMG cũng giúp S-Class bán tốt hơn 2 đối thủ đồng hương là BMW 7-Series và Audi A8. Ảnh: Mercedes-Benz. |
Honda Fit 2007: Trong giai đoạn những dòng xe SUV cỡ lớn thất sủng, Honda đã tìm ra con đường thành công bằng cách tối ưu hóa tính thực dụng của xe Nhật. Thế hệ thứ 2 của Honda Fit, hay còn gọi là Jazz, tuy có thiết kế đơn giản nhưng lại có nội thất rộng rãi và khả năng tùy biến cao không khác gì các mẫu xe gầm cao. Cùng với đó, mẫu hatchback phổ thông còn tiết kiệm nhiên liệu với các động cơ cỡ nhỏ và có thêm phiên bản hybrid để hấp dẫn khách hàng tại Bắc Mỹ. Ảnh: Honda. |
Tesla Roadster 2008: Nếu Toyota Prius đóng vai trò phổ thông hóa công nghệ hybrid trên ôtô trong thập niên 2000 thì Tesla Roadster lại là cái tên mở ra kỷ nguyên của xe điện. Được phát triển dựa trên nền tảng khung gầm của Lotus Elise, Roadster là mẫu xe điện thương mại đầu tiên dùng pin lithium-ion được cấp phép tham gia giao thông. Đồng thời, đây cũng là chiếc xe điện đầu tiên chỉ cần một lần sạc đầy để di chuyển được phạm vi hơn 320 km. Với động cơ điện đặt giữa và hệ dẫn động cầu sau, mẫu xe mui trần có thể tăng tốc 0-100 km/h mất 4 giây. Ảnh: Tesla. |
Ford Fusion Hybrid 2009: Dù chậm chân hơn các đối thủ nhưng Fusion Hybrid vẫn có thể xem là một sản phẩm thành công của Ford trong lĩnh vực xe thân thiện với môi trường. Dù là một dòng sedan cỡ trung nhưng Ford Fusion Hybrid thế hệ đầu tiên có được khả năng tiết kiệm nhiên liệu đáng nể, đạt 6 lít/100 km đường hỗn hợp theo như số liệu Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (U.S. Environmental Protection Agency - EPA). Ngoài ra, Fusion Hybrid cũng đã thắng giải bình chọn Xe của năm 2010 tại Triển lãm Ôtô Quốc tế Bắc Mỹ (NAIAS). Ảnh: Ford. |