Định nghĩa về sự xa xỉ của giới trẻ Trung Quốc ngày nay không chỉ gói gọn trong những thương hiệu đắt tiền hay logo nổi bật. Ảnh minh họa: @angela.yuen. |
Thế hệ Millennials (sinh từ 1981-1996) đang đi qua những cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Nhiều người trong thế hệ này đạt được thành tựu nhất định như thành công trong sự nghiệp, dư giả tài chính, một số đã tính đến chuyện "an cư lạc nghiệp".
Với thế hệ Millennials ở Mỹ, một người giàu có sẽ có phòng giặt ủi hiện đại hay máy pha cà phê đắt đỏ. Nhưng người trẻ Trung Quốc lại có những định nghĩa khác về sự giàu có. Không cần là vật chất đắt đỏ dễ nhìn thấy, họ chọn sở hữu những món đồ xa xỉ khó phát hiện nếu chỉ nhìn lướt qua, hay những chuyến du lịch một mình, tập trung vào sức khoẻ tinh thần.
Dưới đây là 11 góc nhìn mới về sự xa xỉ của thế hệ Millennials Trung Quốc, theo Business Insider.
Không chỉ nhìn tên thương hiệu: Không giống như thế hệ trước, những người chuộng mua sắm vì thương hiệu, người trẻ xứ tỷ dân quan tâm hơn đến sản phẩm và trải nghiệm cá nhân. Họ tìm kiếm những món đồ phản ánh phong cách và giá trị bản thân, đồng thời gắn liền với văn hóa và bản sắc dân tộc. Sở hữu logo nổi bật không còn là ưu tiên hàng đầu.
Không phô trương: Xu hướng "xa xỉ thầm lặng" (quiet luxury) đang được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng. Không cần phô trương hàng hiệu đắt tiền, họ hướng đến phong cách "Laoqianfeng", chỉn chu, thanh lịch nhưng không cầu kỳ.
Nhiều người trẻ Trung Quốc lựa chọn đầu tư vào chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và các trải nghiệm độc đáo. Ảnh minh họa: @tan__suan. |
Du lịch tự túc: Thay vì tham gia tour du lịch, ngày nay, người trẻ, đặc biệt những người đã từng đi du lịch nhiều hoặc từng du học, lại ưa thích trải nghiệm du lịch một mình hoặc theo nhóm nhỏ bạn bè. Những chuyến đi trải nghiệm văn hóa địa phương, du lịch sinh thái kết hợp cắm trại hay các chuyến đi tới vùng đất xa xôi như Nam Cực hoặc Iceland là những ưu tiên của nhóm người này.
Hàng hiệu đã qua sử dụng: Thời trang bền vững cũng được giới trẻ Trung Quốc quan tâm, người tiêu dùng xa xỉ đang chuyển hướng sang các nền tảng mua bán đồ đã qua sử dụng như Vestiaire Collective, The RealReal và Mercari. Quan niệm về việc quần áo cũ đem lại vận rủi may mắn không còn ảnh hưởng đến quyết định của giới trẻ.
Đề cao trải nghiệm mua sắm: Các thương hiệu xa xỉ ngày càng trở nên quá quen thuộc với khách hàng. Để khiến việc mua sắm thú vị hơn, nhiều người trẻ tập trung vào trải nghiệm và sự hài lòng khi mua sản phẩm cao cấp. Theo Langer, được thỏa mãn với đặc quyền như người tiêu dùng VIP là một phần lý do khách hàng bị thu hút vào những sản phẩm đi kèm trải nghiệm.
Thưởng thức ẩm thực cao cấp: Một thú vui mới nổi khác của Millennials giàu có là chi trả cho những bữa ăn chất lượng tại các nhà hàng được đánh giá bởi Michelin và Black Pearl. Đây là hai thương hiệu uy tín về đánh giá nhà hàng được ưa chuộng bởi những người yêu thích ẩm thực xa xỉ.
Không con cái: Nhiều người trẻ Trung Quốc coi việc sinh con là "đầu tư không hiệu quả". Thay vào đó, thế hệ này có xu hướng ưu tiên tự do cá nhân, phát triển sự nghiệp và theo đuổi mục tiêu riêng hơn là lập gia đình.
Giới trẻ Trung Quốc không chỉ đầu tư vào nội thất cao cấp mà còn chú trọng đến việc thiết kế không gian sống theo phong cách riêng, thể hiện cá tính. Ảnh minh họa: @angela.yuen. |
Sinh con xong vẫn giữ cuộc sống xa xỉ: Theo Bloomberg, nhiều bà mẹ Trung Quốc đang đổ xô đến các trung tâm chăm sóc hậu sinh sang trọng ở Singapore. Banda đưa tin, các dịch vụ chăm sóc hậu sinh cao cấp với chi phí lên tới hơn 200.000 NDT (khoảng 28.000 USD)/tháng cũng đang trở nên phổ biến, ưa chuộng. Việc suy trì lối sống xa xỉ sau khi sinh nở cũng là một định nghĩa mới về sự sang trọng tại Trung Quốc.
Đầu tư vào nội thất xa xỉ: Olivia Plotnick, người sáng lập Wai Social, agency truyền thông xã hội tại Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết, giới trẻ Trung Quốc đang đầu tư tiền bạc vào đồ trang trí nội thất xa xỉ để nâng tầm không gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các thương hiệu như Tom Dixon và Muuto là những lựa chọn nội thất, đèn trang trí và phụ kiện gia đình được ưa chuộng.
Đâu tư sức khoẻ và sắc đẹp: Các sản phẩm làm đẹp cao cấp như mỹ phẩm, dược mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đang ngày càng được giới trẻ Trung Quốc "đổ" tiền, theo Plotnick. Ngoài ra, giới trẻ giàu có cũng ưu tiên duy trì các liệu trình thẩm mỹ định kỳ. Báo cáo về sức khỏe năm 2024 của McKinsey cho thấy Gen Z và Millennials là thế hệ dẫn đầu xu hướng mua sản phẩm chống lão hoá tại thị trường tỷ dân này.
Quan tâm giá trị thương hiệu: Theo Plotnick, chất liệu thân thiện với môi trường và quy trình sản xuất bền vững ngày càng trở thành yếu tố quan trọng chi phối quyết định mua hàng của giới trẻ Trung Quốc. Bên cạnh đó, thương hiệu xa xỉ độc lập cung cấp sản phẩm chất lượng, có kết hợp yếu tố bản sắc văn hóa cũng rất được ưa chuộng.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.