1. Bỏ qua sự hoàn hảo, coi trọng quá trình nỗ lực: Theo TS Jennifer Breheny Wallace, chuyên gia nghiên cứu nuôi dạy con được đào tạo tại Harvard, cha mẹ có thể giảm bớt áp lực mà các bé gái đang phải chịu đựng. Nhiều trẻ em cảm thấy cần phải hoàn hảo vì áp lực từ xã hội, văn hóa hoặc chính suy nghĩ của mình. Nhưng chỉ bằng cách thay đổi cách nói chuyện, người lớn có thể giảm bớt căng thẳng đó. TS Wallace khuyên phụ huynh hãy thử khen ngợi những chi tiết cụ thể trong quá trình trẻ hoạt động và nhớ đề cao quá trình nỗ lực hơn là kết quả cuối cùng. |
Theo nhà tâm lý học trẻ em Francyne Zeltser, việc khen ngợi nỗ lực của trẻ - chẳng hạn như mức độ chăm chỉ dành cho một hoạt động hoặc thời gian học thêm cho bài kiểm tra - sẽ truyền tải thông điệp rằng kết quả hoàn hảo không phải là điều quan trọng nhất. Điều này có thể giúp trẻ duy trì động lực để tiếp tục nỗ lực trong tương lai, ngay cả khi những nỗ lực trước đó chưa đạt được kết quả hoàn hảo. |
2. Xây dựng cho trẻ tư duy phát triển: Giúp trẻ em nhìn nhận những sai lầm và coi thất bại là cơ hội học hỏi thay vì điều đáng xấu hổ sẽ giúp trẻ duy trì sự tự tin và động lực để tiếp tục thử nghiệm trong tương lai. Theo nhà tâm lý học Michele Borba, trẻ em có sự tự tin để chấp nhận rủi ro sẽ có nhiều khả năng vượt qua những trở ngại mà chúng gặp phải và thành công hơn trong tương lai. |
TS Wallace khuyến khích cha mẹ cởi mở với con cái bằng cách chia sẻ ví dụ về những sai lầm của bạn và cách bạn học hỏi từ chúng. "Tư duy phát triển có nghĩa là tin rằng bạn có thể giỏi hơn trong mọi việc thông qua chăm chỉ, nỗ lực và không bao giờ bỏ cuộc, thay vì nghĩ rằng bạn được sinh ra với những kỹ năng nhất định. Trẻ em có tư duy này sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn sau những thời điểm khó khăn, thích thú học hỏi những điều mới và sẵn sàng thử những thứ mới ngay cả khi khó khăn", TS Wallace nói. |
3. Chú ý đến việc lựa chọn từ ngữ giao tiếp: TS Wallace khuyến cáo cha mẹ nên cẩn trọng với những định kiến giới tính trong cách dùng từ ngữ để giao tiếp với con, đặc biệt là đối với trẻ em gái. Nghe qua thì có vẻ vô hại khi khen bức tranh của con gái là "đẹp" hay "dễ thương". Nhưng một khảo sát của Tập đoàn LEGO cho thấy những từ ngữ như vậy thường được dùng hơn nhiều để mô tả sản phẩm của trẻ em gái, trong khi các từ như "ngầu", "bạo dạn" hoặc thậm chí là "thiên tài" có khả năng được sử dụng gấp đôi để mô tả tác phẩm của trẻ em trai và nam giới. |
Theo Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, những định kiến giới tính kiểu này có thể sớm định hướng trẻ em gái theo đuổi hoặc tránh xa các sở thích cụ thể, và thậm chí ảnh hưởng đến sự đa dạng giới trong các ngành công nghiệp sáng tạo và STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học). |
4. Tìm kiếm hình mẫu truyền cảm hứng: TS Wallace khuyên cha mẹ có thể khuyến khích trẻ em cởi mở thảo luận và thách thức các định kiến giới hiện có. Việc chỉ ra những hình mẫu truyền cảm hứng có thể kích thích sự sáng tạo và thúc đẩy sự tự tin của trẻ. Những hình mẫu này bao gồm phụ nữ thành đạt trong các ngành nghề thường do nam giới "thống trị". Ví dụ như đạo diễn được đề cử giải Oscar Greta Gerwig hay các CEO công nghệ nữ. |
TS Wallace nhấn mạnh rằng hình mẫu truyền cảm hứng cũng có thể là bạn bè hoặc thành viên gia đình - bất kỳ ai có thành tích, có thể đóng vai trò như lời nhắc nhở tất cả chúng ta đều có khả năng đạt được những điều tuyệt vời. Bên cạnh đó, phụ huynh hãy là tấm gương cho những hành vi muốn thấy ở trẻ. "Cha mẹ vừa chơi cùng con, vừa trò chuyện để nâng cao sự tự tin, sáng tạo của chúng. Chẳng hạn như thảo luận về điều con thích nhất trong trò chơi hoặc điều gì truyền cảm hứng cho con vẽ một bức tranh nhất định", TS Wallace gợi ý. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.