Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

4 điều tôi nhận ra sau khi khởi nghiệp từ năm 19 tuổi

Dù ở lĩnh vực nào, việc đầu tư cho các mối quan hệ và kiến thức vẫn là hành trang quý báu của người khởi nghiệp.

nguyen ha linh khoi nghiep anh 1nguyen ha linh khoi nghiep anh 2

Hà Linh là một gương mặt quen thuộc trong ngành truyền thông, quảng cáo. Cô là diễn giả của nhiều hội thảo, huấn luyện về startup, truyền thông qua cộng đồng online và xây dựng nhân hiệu.

Khởi nghiệp từ năm 19 tuổi với một chương trình đào tạo Anh ngữ, Hà Linh dấn thân sang nhiều mảng công việc khác nhau, với nhiều thành công và thất bại. Cô chia sẻ 4 bài học lớn nhất rút ra từ quá trình kinh doanh của mình.

Nguyễn Hà Linh

  • Đồng sáng lập & Giám đốc Marketing của một chuỗi nhà hàng Thái, chuỗi thương hiệu makeup.
  • Sáng lập & Điều hành 8AM Studio.

_____

Ý tưởng khởi nghiệp đầu tiên hình thành vào năm tôi 19 tuổi. Ở thời điểm đó, tôi là một sinh viên đang làm thêm ở một trung tâm dạy tiếng Anh với mức lương chỉ khoảng 10.000 đồng/giờ.

Từ công việc ban đầu, tôi quyết định khởi nghiệp với mô hình đào tạo chứng chỉ IELTS do giáo viên nước ngoài giảng dạy, sau phát triển thành trung tâm tiếng Anh.

Kế đó, tôi tiếp tục thử sức ở một số lĩnh vực khác như căn hộ nghỉ dưỡng, F&B. Thay vì tự bó buộc bản thân ở một vị trí cố định, tôi muốn tìm những điều mới mẻ để vừa làm, vừa học hỏi.

Trải qua nhiều năm làm việc, tôi mong 4 chia sẻ được đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân sẽ có ích với người có dự định khởi nghiệp.


Mở rộng mạng lưới mối quan hệ

Trong thời đại mới, mối quan hệ là một dạng tài sản cần được tích lũy thường xuyên. Lý do là khi bạn làm kinh doanh, người cộng sự, đối tác đóng vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công của mô hình.

Được va chạm và thực hành từ sớm nhưng tôi không đơn độc. Tôi may mắn có nhiều người giúp đỡ, sẵn sàng chỉ ra lỗi sai và đưa lời khuyên thực tế khi cần.

Ví dụ, khi làm mảng giáo dục, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều giáo viên với học vị cao. Họ hướng dẫn tôi từ việc nhỏ nhất như tư duy, tác phong làm việc đến xây dựng giáo án và văn hóa nội bộ.

Nhờ vậy, tôi thấy mình trưởng thành, biết đặt mục tiêu với tầm nhìn xa, lên kế hoạch chỉn chu, đồng thời thực hiện, quản lý và đo lường sát sao dự án của mình.

Đây đều là những yếu tố được tôi áp dụng sau này, góp phần chuyên nghiệp hóa các công việc kế tiếp.

Tuy bận rộn, tôi thường cố gắng sắp xếp khung giờ đi spa, uống cà phê với bạn bè. Các hoạt động xây dựng cộng đồng hay đào tạo cũng giúp tôi rất lớn trong việc mở rộng các mối quan hệ chất lượng.


Đầu tư kiến thức

Một điều tôi luôn ghi nhớ trong những năm tự vận hành doanh nghiệp là mình phải liên tục đổi mới, và không được ngủ quên trên chiến thắng.

Ở thời gian đầu quản lý trung tâm của mình, tôi còn khá trẻ. Sự đón nhận ngoài mong đợi của thị trường lúc bấy giờ từng khiến tôi lơ là, bỏ lỡ cơ hội phát triển bản thân.

Tôi chăm chỉ làm việc và kiếm tiền, để rồi khi thị trường bão hòa, tôi không đáp ứng được nhu cầu chung vì chưa đủ hiểu về sale, marketing.

Lần đầu tư đó có thể xem là thua lỗ, nhưng tôi nhận lại bài học rằng lao động không đồng nghĩa với việc ngưng tìm kiếm cơ hội nâng cao kỹ năng, kiến thức.

Thế giới phát triển từng phút, nếu không muốn bị tụt hậu, bạn nên đọc sách, tham khảo những khóa học đào tạo lĩnh vực bạn quan tâm. Ngoài ra, những mối quan hệ chất lượng được đề cập ở trên có thể trở thành nhà cố vấn, giúp bạn tham khảo nhiều góc nhìn mới.


Gia tăng nguồn thu nhập

Nhà đầu tư Warren Buffett có một câu nói trùng suy nghĩ với tôi, đó là: "Đừng bao giờ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất. Hãy đầu tư để tạo ra nguồn thứ hai".

"Không phụ thuộc vào một nguồn thu" là một trong những lý do tôi đặt mình ở nhiều môi trường khác nhau.

Từng doanh nghiệp có vấn đề và hướng xử lý riêng, nhưng tôi tin quan niệm này sẽ giúp bảo vệ tài chính của bạn, không chỉ cho startup mà còn cho ngân sách cá nhân.

Mỗi lần tiêu tiền ở đâu, tôi cố gắng kiếm lại ngay ở đó. Mục tiêu là không để một đồng nào bị lãng phí.

Áp dụng vào đời sống, cụ thể, tôi sở hữu nhiều quần áo và giày dép, túi xách, nhưng có thể "mạnh tay" thanh lý món không dùng đến.

Hoặc, tôi thường tranh thủ mua sắm, nhận order giúp người xung quanh để kiếm lại khoản tiền đã chi cho chuyến đi nước ngoài.


Đầu tư cho bản thân và gia đình

Có những thứ tuy vô hình, tưởng chừng không liên quan đến kinh doanh lại rất hữu dụng trong việc đưa bạn tiến xa, như hành động rèn luyện tư duy, tích lũy mối quan hệ, ổn định sức khỏe thể chất và tinh thần, độc lập trong công việc, tài chính.

Gia đình cũng nằm trong số đó.

Nhiều người cho rằng khởi nghiệp nghĩa là tập trung hoàn toàn cho công việc và đôi khi, họ quên thứ tự của gia đình trong cuộc sống.

Thực ra, điều tôi tự hào nhất là có được sự ủng hộ của gia đình hai bên. Việc kinh doanh nhiều lúc rất mệt mỏi và bế tắc, nhưng sự hậu thuẫn từ những người thân yêu chính là động lực giúp tôi yên tâm công tác và vượt qua.

Tìm cách cho mình những trải nghiệm mới cũng là một hướng đầu tư vào bản thân. Vì muốn mở mang tầm mắt và tìm hướng phát triển nhà hàng, mỗi năm trước dịch Covid-19, tôi đi du lịch rất nhiều, từ Anh, Mỹ, Pháp đến Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản.

Ưu điểm của việc này là tôi sớm hình thành thói quen quan sát, ghi chú các sự kiện mình biết. Với tôi, chúng đều có thể trở thành nền tảng cho các ý tưởng kinh doanh tiếp theo.

#HerMoney là series dành cho nữ giới, nơi những nhân vật chia sẻ góc nhìn cá nhân. Với kinh nghiệm và màu sắc của họ, mỗi bài viết gửi đến người đọc một hướng tiếp cận mới về tài chính, công việc và cuộc sống.

Thiên Hân

Đồ họa: Hải My

Bạn có thể quan tâm