Tết Dương lịch và cận kề Tết Nguyên đán được nhận định là thời điểm nhạy cảm với nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập. Bộ Y tế khuyến cáo sự tham gia phòng, chống dịch Covid-19 của người dân là yếu tố quan trọng để căn bệnh này không xâm nhập, Việt Nam có thể đón Tết an lành.
Một khu vực tại quận 9 bị phong tỏa vì liên quan ca mắc Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tăng cường 5K triệt để
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 chưa thể kết thúc. Hiện Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh này, tuy nhiên, việc virus tiếp tục xâm nhập và bùng phát là điều khó nói trước.
Do đó, mỗi người dân cần hình thành thói quen sống chung với dịch trong thời điểm bình thường mới. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo để bảo vệ bản thân, gia đình cũng như thành quả chống dịch của Việt Nam.
- Đeo khẩu trang: Thói quen này cần duy trì thường xuyên tại nơi công cộng, chốn tập trung đông người, đặc biệt các cơ sở y tế, khu cách ly. Vào kỳ nghỉ, nhiều hoạt động tụ họp, vui chơi diễn ra. Tuy nhiên, chúng ta không nên lơ là, khẩu trang là vật bất ly thân. Đặc biệt, ở những nơi đông đúc như bến xe khách, nơi du lịch, điểm tham quan, khẩu trang giúp chúng ta hạn chế nguy cơ lây Covid-19 và nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác.
- Khử khuẩn: Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, bạn nên có thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Kèm theo đó, nhà cửa cũng cần vệ sinh sạch, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng.
- Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc người khác, cảnh giác nếu nghi ngờ trường hợp mắc Covid-19 và phải báo ngay cho cơ quan chức năng.
- Không tụ tập: Chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên hạn chế tụ tập, hạn chế ra ngoài. Trong những dịp cần phải gặp gỡ, liên hoan, tiếp xúc gần, bạn nên ghi chép lịch trình, tuân thủ đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, khử khuẩn.
- Khai báo y tế: Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế, khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế hoặc y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Cảnh giác, ghi chép lịch trình hàng ngày
Việt Nam từng trải qua giai đoạn chống dịch căng thẳng khi chúng ta mất dấu F0. Bệnh nhân 1440 mới đây cũng gây vất vả cho cơ quan chức năng khi khai báo bất nhất, không nhớ rõ lịch trình di chuyển.
Lịch sử một ngày đi đâu, làm gì, giao tiếp với ai…, của từng cá nhân trở thành thông tin quan trọng để xác minh nguồn lây nhiễm (F0) và các F1, F2, F3... Dịp lễ, người dân thường có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người. Do đó, chúng ta cần nâng cao cảnh giác, nhất là khi khả năng tiếp xúc gần khi liên hoan, tụ họp, về quê nghỉ lễ. Mỗi người nên ghi chép lịch trình hàng ngày, minh bạch khi khai báo y tế.
Những ghi chép không tốn nhiều thời gian nhưng sẽ là "thông tin vàng" giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện nguồn lây, đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, giảm thiểu nguy cơ bùng phát.
Lực lượng tuần tra khu vực biên giới Tây Nam. Ảnh: Đình Đình. |
Phát hiện, chỉ điểm người nhập cảnh trái phép
Nhận định về tình hình dịch tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết các chuyến bay giải cứu và đón chuyên gia, lao động kỹ thuật cao từ nước ngoài vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới. Tại các tỉnh biên giới vẫn phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp không thực hiện cách ly, phòng chống Covid-19 theo quy định.
Bốn trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. PGS.TS Trần Đắc Phu, nhận định đây là tỷ lệ mắc Covid-19 từ người nhập cảnh rất cao. Nếu nhập cảnh trái phép, không có triệu chứng, đi lại trong cộng đồng, những người này sẽ trở thành "ngòi nổ" khiến dịch lan rộng. Vai trò giám sát của người dân trong thời điểm này rất quan trọng.
Chính vì vậy, trong tin nhắn gửi toàn dân ngày 29/12, Bộ Công an, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.
Thực tế, ca bệnh 1440 được phát hiện là nhờ mẹ nâng cao cảnh giác, chủ động đi báo cơ quan chức năng khi con trai vượt biên về nước. Nhờ đó, cơ quan chức năng đã kịp thời triển khai các biện pháp khoanh vùng, truy vết tiếp xúc để ngăn chặn khả năng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng từ ca bệnh 1440.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương chiều 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các lực lượng ở biên giới, người dân phải phát động tinh thần đề cao cảnh giác khi thấy người lạ ở nơi xa về. Nếu phát hiện, người dân nên báo cáo chính quyền để khoanh vùng, tránh để dịch lây lan như nhiều nước trên thế giới đang mắc phải, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp đón Tết.
Tuân thủ cách ly theo quy định
Các ca bệnh được ghi nhận tại Việt Nam trong thời gian gần đây đều xuất phát từ sai phạm khi phòng, chống dịch Covid-19. Đó là không tuân thủ cách ly theo quy định (trường hợp BN1342) và nhập cảnh trái phép (BN1440).
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương phải thực hiện thật nghiêm việc theo dõi, giám sát y tế đối với người đã hoàn thành cách ly tập trung. Ông nhấn mạnh mỗi người dân “không vì ngại cách ly của riêng mình mà gây họa cho cộng đồng và cả đất nước”.
Theo hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú do Bộ Y tế quy định, thời gian cách ly tối đa là 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền bệnh. Người cách ly phải đeo khẩu trang, không tự ý rời khỏi nhà, nơi lưu trú để phòng dịch Covid-19.
Lực lượng chức năng phong tỏa một phần chung cư Sư Vạn Hạnh, nơi bệnh nhân 1451 sinh sống. Ảnh: Chí Hùng. |
Người được cách ly phải chấp hành việc cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 m.
Hàng ngày, người cách ly cần hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác; không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú; không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.