Phụ huynh có hàng trăm nỗi lo lắng về khó khăn mà trẻ có thể gặp phải, từ thành tích học tập, bạn bè đến tương lai. Tuy nhiên, có một yếu tố quan trọng hơn cả, đó là giúp con rèn luyện tính kiên cường để chúng tự tin đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống. Dưới đây là 5 điều phụ huynh nên làm nếu muốn trẻ kiên cường hơn. Ảnh: Freepik. |
1. Để trẻ thất bại: TS.BS Ken Ginsburg, Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ), cho biết một số phụ huynh hạn chế những trải nghiệm mà họ nghĩ sẽ gây khó khăn cho con cái. Tuy nhiên, điều này có thể cản trở sự phát triển của trẻ. “Nhiệm vụ của cha mẹ là bảo vệ con cái và để chúng học hỏi từ thất bại. Một trong những cách bạn chuẩn bị cho con mình đối mặt với khó khăn là để chúng thi thoảng ngã xuống và tự đứng dậy trở lại”, ông nói. Ảnh: Freepik. |
2. Cho phép con lo lắng: Nghe có vẻ ngược đời khi khuyến khích con cái lo lắng, nhưng thực tế, việc cho phép trẻ trải nghiệm và học cách đối mặt với những lo âu của mình lại là một cách hiệu quả để rèn luyện sự kiên cường. Thay vì cố gắng kìm nén hoặc phủ nhận cảm xúc lo lắng của con, chúng ta nên thừa nhận rằng đó là một phần tự nhiên của cuộc sống. Việc vượt qua những lo lắng sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn vào bản thân và khả năng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, bạn cũng nên đặt giới hạn thời gian cho lo lắng để trẻ tranh bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực quá lâu. Ảnh: Freepik. |
3. Giúp con nghĩ về trường hợp xấu nhất và tốt nhất: Một cách khác để giúp con bạn đối phó với lo lắng là yêu cầu chúng nói về trường hợp xấu nhất và tốt nhất có thể xảy ra. Điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn vì chúng nhận ra rằng trường hợp tồi tệ nhất có thể không tệ như chúng nghĩ. Bên cạnh đó, khi nghĩ về trường hợp xấu nhất, chúng có thể lên sẵn phương án xử lý, quản lý tốt các vấn đề. Ngược lại, suy nghĩ về trường hợp tốt nhất giúp trẻ có động lực khi nhận thấy có kết quả tốt. Ảnh: Freepik. |
4. Khuyến khích trẻ coi trọng sự phát triển cá nhân: Để nuôi dưỡng một thế hệ trẻ tự tin, sáng tạo và kiên cường, cha mẹ cần khuyến khích con cái coi trọng sự phát triển cá nhân hơn là việc so sánh bản thân với người khác. Bạn hãy cho phép trẻ tự mình xác định những gì chúng muốn đạt được. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy có trách nhiệm và chủ động hơn trong quá trình học tập và phát triển. Bên cạnh đó, hãy tạo cho trẻ một không gian thoải mái, an toàn để học hỏi và khám phá. Tránh so sánh trẻ với những người khác và tạo áp lực lên trẻ. Ảnh: Freepik. |
5. Tập trung vào quá trình, không phải kết quả: Không thể tránh khỏi việc trẻ sẽ gặp thất bại khi cố gắng đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, việc cha mẹ tập trung quá nhiều vào kết quả có thể làm trẻ chùn bước trong việc chấp nhận rủi ro và phát triển. Thay vào đó, bạn hãy hỏi trẻ về những gì chúng đã học được trong quá trình cố gắng. Điều này giúp chúng thấy việc thử những điều mới là có giá trị, ngay cả khi nó không diễn ra đúng như dự định. Ảnh: Freepik. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.