1. Đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn: Đầu tiên, cha mẹ cần phải làm cho trẻ hướng tới những mục tiêu trong cuộc sống. Sau đó, bạn có thể chia các mục tiêu này thành mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ, nếu con trai bạn muốn trở thành bác sĩ, lấy bằng y khoa là mục tiêu dài hạn và học tốt các môn khoa học có thể là mục tiêu ngắn hạn. Ảnh: Freepik. |
2. Lập kế hoạch để đạt được mục tiêu: Về cơ bản, trẻ em cần sự giúp đỡ trong việc lập kế hoạch vì chúng không đủ kinh nghiệm sống để tự mình hoạch định các bước đi một cách hiệu quả. Cha mẹ có thể sử dụng các công cụ trực quan như biểu đồ, lịch để giúp trẻ hình dung rõ hơn về kế hoạch của mình. Ngoài ra, bạn nên lập nhiều kế hoạch, ví dụ con sẽ làm gì nếu kế hoạch A thất bại. Việc này giúp trẻ hạn chế sự thất vọng vì có thể hành động ngay nếu thất bại. Ảnh: Freepik. |
3. Trân trọng sự cố gắng và nỗ lực của con: Khi trẻ hoàn thành kế hoạch hoặc đạt được một thành tích nào đó, dù lớn hay nhỏ, việc dành cho con những lời khen chân thành sẽ giúp bé cảm thấy tự hào, được khích lệ và có thêm động lực để cố gắng hơn nữa. Lưu ý, lời khen cụ thể về những hành động và nỗ lực của trẻ sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn về những gì mình đã làm tốt và từ đó học hỏi để cải thiện bản thân. Ảnh: Freepik. |
4. Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh: Cạnh tranh lành mạnh là một cách để truyền cảm hứng cho trẻ em và thúc đẩy chúng tiến lên. Phụ huynh không cần thiết phải cho con tham gia một cuộc thi cấp cao, bạn có thể tổ chức các cuộc thi liên quan đến việc nhà cho các con. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên lưu ý với con về ý nghĩa của cạnh tranh lành mạnh thay vì đố kỵ. Ảnh: Pexels. |
5. Trao quyền cho trẻ: Nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ có cha mẹ thích kiểm soát ít động lực hơn so với những đứa trẻ được trao quyền. Khi được trao quyền, trẻ sẽ chủ động tham gia vào các hoạt động và đưa ra ý kiến của mình. Chúng tin rằng mình có khả năng tự quyết và giải quyết vấn đề, từ đó có động lực hơn. Vì vậy, thay vì đưa ra quyết định thay cho trẻ, hãy đặt những câu hỏi mở để khuyến khích trẻ suy nghĩ và đưa ra lựa chọn (trong mức độ cho phép). Ảnh: Freepik. |
6. Cho phép trẻ thất bại: Nhiều gia đình không bao giờ chấp nhận sai lầm của con cái, điều đó là hoàn toàn sai. Thực tế, bài học tốt nhất trong cuộc đời có thể đến từ những sai lầm, thất bại. Đó là lý do cha mẹ nên coi thất bại của trẻ là điều bình thường, để trẻ có động lực thử sức và học hỏi nếu lỡ sai lầm. Khi vượt qua được thất bại, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn vào bản thân và khả năng của mình. Ảnh: Freepik. |
7. Cân nhắc về hình phạt và phần thưởng: Phần thưởng và hình phạt có vẻ là những công cụ hữu hiệu để thúc đẩy trẻ em, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn. Khi trẻ quen với việc được khen thưởng khi làm việc tốt và bị phạt khi mắc lỗi, chúng sẽ trở nên phụ thuộc vào những động lực bên ngoài này. Điều này có thể khiến trẻ mất đi động lực nội tại và chỉ hành động khi có phần thưởng hoặc để tránh hình phạt. Thay vào đó, cha mẹ nên thúc đẩy con mình bằng cách nói về lợi ích của một hành động nhất định. Ví dụ, nếu bạn muốn con tập trung vào việc học, bạn hãy chia sẻ lợi ích của việc học với chúng. Ảnh: Pexels. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.