1. Liên tục cằn nhằn: Nếu bạn nhận thấy mình đang liên tục cằn nhằn hoặc trách phạt con cái, có thể là bạn quá nghiêm khắc. "Rất có thể bạn áp đặt quy tắc nào đó không thực sự cần thiết lên mọi thứ", Baron nói. Ví dụ, con có một vài hành vi hoặc hành động mà bạn không hề mong muốn, như lỡ làm đổ thức ăn lên quần áo hay thảm trải sàn, nhưng đó không nên là lý do để bạn tỏ ra nghiêm khắc. Hãy ngưng vòng xoáy tâm lý ấy bằng cách nhìn nhận điểm tốt của con, cố gắng không cáu gắt vô lý với trẻ, thay vào đó là xây dựng bầu không khí tích cực ở bên con. Ảnh: Freepik. |
2. Mong đợi sự hoàn hảo: “Điều này có thể gây ra căng thẳng cho trẻ, khiến chúng cảm thấy bản thân không được thừa nhận”, Baron giải thích. Cô khuyến khích các bậc cha mẹ hãy lắng nghe con cái và giúp trẻ hiểu rằng con hãy luôn là chính mình, việc này khiến trẻ tự tin hơn. "Không nhất thiết cứ phải mong con hoàn hảo như người khác, hãy tự hỏi mình nên làm gì để ủng hộ sự khác biệt ở con", vị chuyên gia nói. Ảnh: Freepik. |
3. Thường xuyên nói "không": Nếu bạn thấy mình nói “không” nhiều hơn “có”, hãy tự hỏi tại sao lại cứng nhắc như vậy. Bạn có thể nói "có" nhiều hơn, đặc biệt với những điều không gây hại cho con. Điều này có thể xây dựng sự tin tưởng giữa bạn và con, đồng thời cải thiện lòng tự trọng của trẻ. "Hãy nghĩ xem liệu bạn có đang nói 'không' với con chỉ vì muốn thể hiện quyền lực hoặc kiểm soát, và sau đó hãy nói 'có' với con khi có thể", Baron nói thêm. Ảnh: Freepik. |
4. Không tin con có thể lựa chọn đúng: Đây chính là dấu hiệu điển hình cho thấy bạn đang quá cứng nhắc với con. Nếu bạn bắt con mặc quần áo bạn chọn, để kiểu tóc bạn thích, hoặc ăn thứ bạn bảo thì có thể bạn đã đi quá giới hạn. Baron giải thích rằng trẻ em nên được trao quyền để tự chăm sóc bản thân và rèn lối sống tự lập. Khi đó, các con sẽ quyết đoán với quan điểm của mình và có những mối quan hệ lành mạnh. "Đặt giới hạn cho con là tốt, giúp con cảm thấy an toàn, nhưng kiểm soát con có thể sẽ phản tác dụng", Baron nói. Ảnh: Pexels. |
5. Thể hiện tình yêu có điều kiện: Cha mẹ nghiêm khắc thường có quan niệm tình yêu thương phải đi kiếm mới có, chứ không phải là một món quà vô điều kiện. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ em cảm thấy rằng tình yêu của cha mẹ chỉ xuất hiện khi chúng làm đúng, đạt được thành tích cao hoặc đáp ứng được kỳ vọng của người lớn. "Quan trọng là bạn phải biết cách đặt ra giới hạn cho con nhưng không quá rạch ròi về nó. Ví dụ, cha mẹ có thể nói 'bố mẹ luôn yêu con, nhưng bố mẹ mong con sẽ làm X,Y, và Z", chuyên gia gợi ý. Ảnh: Freepik. |
6. Con bạn nói dối: Nếu bạn bắt gặp con bạn nói dối hoặc giấu giếm gì, đó có thể là vì bạn đang quá nghiêm khắc, khiến chúng không dám chia sẻ với bạn. “Đôi khi trẻ nói dối, đặc biệt là trẻ nhỏ, là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu con bạn hoàn toàn ngần ngại mở lòng, chúng có thể đang sợ hãi hình phạt nghiêm khắc", Baron nhìn nhận. Lời khuyên là cha mẹ hãy xác định rõ hành vi nào có thể chấp nhận và tại sao không. Việc đặt rõ giới hạn sẽ giúp trẻ có cảm giác an toàn và dễ dàng chia sẻ. Ảnh: Pexels. |
7. Ít khi cười với trẻ: Con cái là niềm vui nếu bạn để bản thân tận hưởng sự vui thích khi nuôi dạy con. Nhưng thường thì những bậc cha mẹ nghiêm khắc quá tập trung vào việc con làm đúng hay sai mà quên mất rằng cần vui vẻ khi ở bên con. Baron giải thích rằng cười và đùa giỡn với trẻ sẽ giúp con cảm thấy cha mẹ thích sự có mặt của chúng. "Nếu đang gặp gặp khó khăn với điều này, hãy thử bật một số bản nhạc vui và để bản thân được tỏ vẻ ngốc nghếch. Trẻ sẽ cùng bạn giải tỏa hoặc ít nhất là cảm thấy thoải mái khi bố mẹ thả lỏng", chuyên gia khuyên. Ảnh: Pexels. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.