1. Thói quen nói "Cảm ơn" và "Xin vui lòng": Trẻ em cần biết bày tỏ sự trân trọng và biết ơn trong cuộc trò chuyện thường ngày với bạn bè, gia đình và giáo viên. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ em hiểu được ý nghĩa và mục đích của những lời nói đó. Những lời nói lịch sự giúp trẻ xây dựng và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với người xung quanh. Ảnh: Freepik. |
2. Xin phép trước khi sử dụng: Nhiều trẻ em vô tư lấy/sử dụng bất cứ thứ gì không phải của chúng. Nên nhớ, bất kể thứ gì, trẻ em phải có thói quen hỏi trước khi lấy nó. Cha mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng mọi đồ vật đều có chủ nhân và việc lấy đồ của người khác mà không xin phép là không tôn trọng. Bạn có thể tạo ra những tình huống thực tế để trẻ luyện tập. Ví dụ, khi trẻ muốn lấy đồ chơi của bạn, hãy nhắc nhở trẻ phải hỏi xem bạn có cho mượn không. Ảnh: Freepik. |
3. Tôn trọng quyền riêng tư: Việc trẻ em vào phòng người khác mà không xin phép là một vấn đề khá phổ biến. Do đó, cha mẹ nên dạy trẻ về tầm quan trọng của quyền riêng tư. Bạn có thể tạo ra những tình huống giả định để trẻ hình dung. Ví dụ: "Nếu con đang chơi và bạn con muốn vào phòng nhưng không gõ cửa, con sẽ cảm thấy thế nào?". Không chỉ trong gia đình, mà ở trường học, công viên, trẻ cũng cần biết tôn trọng quyền riêng tư của người khác. Ảnh: Freepik. |
4. Che miệng khi hắt hơi, ho và ngáp: Che miệng khi hắt hơi, ho và ngáp là một hành động thể hiện sự tôn trọng đối với những người xung quanh. Đây cũng là thói quen vệ sinh cá nhân cơ bản, cần thiết để trẻ hình thành từ nhỏ và cũng có thể tránh được sự xấu hổ trong tương lai. Để rèn thói quen này, cha mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu tại sao phải che miệng. Ví dụ: "Khi con hắt hơi, những con vi trùng nhỏ xíu sẽ bay ra và có thể làm cho bạn bè bị bệnh. Vì vậy, con cần che miệng lại". Ảnh: Freepik. |
5. Đối xử lịch sự với những người phục vụ: Bạn nên giải thích cho trẻ hiểu tại sao cần phải đối xử lịch sự với những người phục vụ, ví dụ: “Cô/chú phục vụ đang làm việc rất vất vả để phục vụ chúng ta, vì vậy, chúng ta cần nói lời cảm ơn”, “Mọi người đều xứng đáng được đối xử tốt”. Dạy trẻ đối xử lịch sự với những người phục vụ không chỉ là một bài học về phép tắc xã giao mà còn là cách để trẻ hiểu rằng mọi người đều xứng đáng được tôn trọng, bất kể nghề nghiệp hay vị trí xã hội. Ảnh: Freepik. |
6. Đừng chế giễu người khác: Trẻ em thường bắt chước những gì chúng thấy và nghe được từ người lớn, bạn bè. Nếu xung quanh trẻ có những hành vi chế giễu, kỳ thị, trẻ dễ dàng học theo và coi đó là điều bình thường. Do đó, cha mẹ nên giải thích cho con hiểu tại sao việc chế giễu người khác là sai, nó gây ra những tổn thương như thế nào cho người khác và ảnh hưởng đến bản thân ra sao. Bạn cũng nên giúp trẻ rèn luyện kỹ năng đồng cảm, đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu cảm xúc của họ. Quan trọng hơn, cha mẹ cần làm gương cho trẻ. Ảnh: Pexels. |
7. Biết xin lỗi: Việc dạy con biết xin lỗi là một trong những bài học đầu đời quan trọng giúp trẻ hình thành nhân cách tốt đẹp. Khi trẻ biết nhận ra lỗi lầm của mình và sẵn lòng xin lỗi, điều đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với người khác mà còn giúp xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh. Trẻ biết xin lỗi sẽ biết cách giải quyết mâu thuẫn và tránh những xung đột không đáng có. Ảnh: Freepik. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.