Sáng 17/11, TAND tỉnh Thái Bình xét xử Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ", 50 tuổi), Nguyễn Thị Dương (41 tuổi, vợ Đường) cùng 5 đồng phạm về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Phiên tòa do thẩm phán Lương Hải Yến làm chủ tọa, có 4 trong 25 bị hại có mặt. Trong 9 luật sư bào chữa cho các bị cáo, 6 người bào chữa cho vợ chồng Đường "Nhuệ".
Nguyễn Xuân Đường tại tòa ngày 17/11. Ảnh: H.N. |
Tại phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Xuân Đường khẳng định mình "không cưỡng đoạt ai cả". Bị cáo cho rằng những bị hại là người làm việc cùng, là đối tác. Ban đầu, bị cáo yêu cầu hoãn phiên xét xử nếu những người này không có mặt nhưng sau đó yêu cầu HĐXX tiếp tục làm việc, tuy nhiên phải triệu tập những bị hại tới phiên tòa để đối chất.
Ngoài ra, bị cáo cũng cho rằng VKS đã làm sai quy trình tố tụng và yêu cầu triệu tập kiểm sát viên tên Phong tới phiên tòa để đối chất bởi cho rằng người này đã làm sai khi không giao bản cáo trạng cho Đường, không cho bị cáo xem nội dung sao chép lời khai để biết rằng mình phạm tội gì và cũng không giải thích cho bị cáo biết vì sao lại làm như vậy.
Các luật sư cũng yêu cầu hoãn phiên tòa bởi những lý do sau:
Thứ nhất, luật sư đánh giá lời khai của các bị hại còn phức tạp, bất nhất. Do đó, cần triệu tập các bị hại tới phiên tòa để đối chất. Luật sư Hà Trọng Đại (bào chữa cho vợ chồng Đường - Dương) cho biết đã thu thập lời khai của nhiều bị hại, trong đó họ khẳng định không bị cưỡng ép, lừa dối mà tất cả đều do thỏa thuận giữa các bên. Luật sư sau đó đã giao nộp lại những chứng cứ này cho HĐXX.
Thứ hai, luật sư cho rằng cơ quan chức năng có dấu hiệu vi phạm quy định về tố tụng khi không giao tận tay quyết định đưa vụ án ra xét xử tới các bị hại, người làm chứng cũng như người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Điều này khiến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng không được đảm bảo.
Sau khi thảo luận, HĐXX TAND tỉnh Thái Bình bác yêu cầu hoãn phiên tòa của phía bị cáo. HĐXX nhận định yêu cầu triệu tập thêm những người liên quan là không phù hợp, nhiều người trong số họ không liên quan trực tiếp tới vụ án.
Ngoài ra, HĐXX cũng cho biết đã gửi giấy triệu tập tới các bị hại cũng như những người tham gia tố tụng khác. Những người này không có ý kiến gì, chứng tỏ quyền lợi và nghĩa vụ của họ vẫn được đảm bảo. Đối với những người vắng mặt, họ đã có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt và cam kết giữ nguyên lời khai như khi làm việc với cơ quan chức năng.
Sau phần thông báo của HĐXX, 5 luật sư bào chữa cho 2 bị cáo Đường và Dương đã bỏ ra ngoài phòng xử án.
HĐXX không chấp nhận yêu cầu hoãn xét xử của các luật sư bảo vệ cho vợ chồng Đường "Nhuệ". Ảnh: H.L. |
Trao đổi với Zing, luật sư Hoàng Văn Doãn (bào chữa cho bị cáo Đường) cho biết theo Điều 286 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất 10 ngày trước khi mở phiên tòa.
Trường hợp này, do các bị hại chưa nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử. Luật sư cho rằng phía tòa án đã vi phạm quy định theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Nếu tòa án tiếp tục xét xử và tuyên án, ông Doãn cho biết sẽ cùng các luật sư kiến nghị lên TAND Cấp cao.
Luật sư Đinh Anh Tuấn (bào chữa cho bị cáo Dương) cũng đánh giá TAND tỉnh Thái Bình đã làm sai quy định về tống đạt văn bản. Ông Tuấn cho biết chỉ nhận được văn bản quyết định đưa vụ án ra xét xử một ngày trước khi phiên tòa diễn ra. Bên cạnh đó, ông Tuấn còn nêu quan điểm rằng vị cán bộ tòa án đã đưa một văn bản không đúng quy chuẩn cho ông và những người tố tụng liên quan.
“Vị cán bộ tòa án đề nghị gửi tôi hình ảnh quyết định thông qua ứng dụng trò chuyện. Tôi đồng ý nhưng việc nhận văn bản qua hình ảnh chỉ là để biết, chứ không phải để tôi thực hiện theo. Ngay tại phiên tòa hôm nay, tôi có đề nghị HĐXX cho xem văn bản quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng cũng không được đáp ứng”, luật sư Tuấn nói và khẳng định văn bản mà phía tòa án gửi cho ông qua điện thoại không có dấu đỏ hay chữ ký của thẩm phán.
Bị cáo Nguyễn Thị Dương. Ảnh: H.N. |
Nói về vấn đề này, luật sư Đỗ Trần Mai Anh (nguyên kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội) nhấn mạnh mọi phiên tòa hình sự đều tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có Bộ luật Tố tụng hình sự. Bộ luật này đề ra trình tự tố tụng dành cho một phiên xét xử.
Trong trường hợp người bào chữa cho bị cáo cho rằng có dấu hiệu vi phạm về tố tụng, đề nghị hoãn phiên tòa song đại diện VKSND và HĐXX không đồng ý, luật sư có quyền kiến nghị. Việc luật sư tự ý rời phiên tòa là chưa đúng trình tự tố tụng.
Theo bà Mai Anh, khi HĐXX không chấp nhận kiến nghị tạm hoãn phiên tòa, tòa sẽ tiếp tục xét xử nhằm làm rõ các tình tiết của vụ án. Nếu luật sư không nhất trí với đề nghị của VKSND hoặc phán quyết của tòa án, họ có nhiều phương pháp khác để bảo vệ quyền lợi của bị cáo, có thể bằng cách kiến nghị với cấp xét xử cao hơn hoặc kháng án. Việc tự ý rời phiên tòa, không tiếp tục tham gia tố tụng là tự tước đi quyền lợi của người bào chữa.