Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp có nhiều, nhưng chủ yếu là bởi virus. |
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh nhiễm khuẩn của đường thở, nghĩa là từ tai, mũi, họng, đường dẫn khí (thanh quản, khí quản, phế quản), cho đến phổi. Đây là nhóm bệnh lý thường gặp trong cộng đồng, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp bao gồm:
- Viêm đường hô hấp trên: Viêm nhiễm vùng tai, mũi, họng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm họng. - Viêm đường hô hấp dưới: Viêm nắp thanh quản, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi...
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp có nhiều, nhưng chủ yếu là bởi virus. Vì phần lớn virus có ái lực cao với đường hô hấp, khả năng miễn dịch của cơ thể với virus ngắn, yếu và khả năng lây lan của virus dễ dàng.
Những virus gây bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thường gặp là: Virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncitial virus), virus cúm (Influenzae virus), virus á cúm (Parainfluenzae virus), sởi, Adenovirus, Rhinovirus, Enterovirus, Coronavirus và nhiều chủng loại khác.
Hiện nay, một số virus có độc lực cao như virus cúm A H5N1, H7N9 có thể lây nhanh thành dịch lớn, gây viêm phổi nặng, thậm chí dẫn tới nguy hiểm tính mạng.
Các loại vi khuẩn cũng có thể gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp và thường gặp gây bệnh là: Hemophilus Influenzae (H.I), phế cầu (Streptococcus Pneumoniae), Moracella Catarrhalis, Klebsiella Pneumoniase, Chlamidia Trachomatis, Staphylococcus Aureus... Trong đó phế cầu và Hemophilus Influenzae là những vi khuẩn thường gặp nhất gây bệnh, ở cả người lớn và trẻ em.
Các yếu tố nguy cơ và ai dễ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp?
Có nhiều yếu tố nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Các nhiễm khuẩn này thường gặp và diễn biến phức tạp ở trẻ em, người già, người suy giảm hệ thống miễn dịch.
- Đối với trẻ em, trẻ thiếu cân khi sinh sẽ có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ đe dọa tính mạng cao hơn. Suy dinh dưỡng, không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ cũng làm tăng khả năng mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp, thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn, tiên lượng xấu hơn trẻ bình thường được nuôi bằng sữa mẹ. Ngoài ra, trẻ em thường không có thói quen rửa tay, dùng tay bẩn dụi mắt, hoặc mút ngón tay, hậu quả sẽ làm lây lan các loại virus.
- Đối với người già, khi cơ thể lão hóa, hệ thống miễn dịch bị suy yếu và mắc nhiều bệnh mạn tính nên cũng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp hơn người trẻ.
- Những người có hệ miễn dịch bị suy giảm, như sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, sử dụng corticosteroid kéo dài, bị pung thư... cũng tăng khả năng mắc nhiễm khuẩn hô hấp, cũng như các nhiễm khuẩn toàn thân khác.
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh nhiễm khuẩn của đường thở. |
- Người sống trong môi trường ô nhiễm cũng dễ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Tình trạng ô nhiễm nội thất, khói bụi trong nhà, ô nhiễm tại nơi làm việc sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ niêm mạc hô hấp, giảm sự tiết nhầy, giảm quá trình hoạt động của các đại thực bào nên dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp.
- Người hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả thụ động cũng dễ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Thuốc lá cũng là nguồn gốc gây ô nhiễm không khí rất nguy hiểm. Thuốc lá ảnh hưởng rất lớn đến cơ chế bảo vệ của đường thở chống lại các tác nhân gây nhiễm khuẩn nên người hút thuốc có nguy cơ mắc các nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn người không hút thuốc. Trẻ em có bố mẹ hút thuốc lá sẽ làm tăng khả năng viêm phổi lên nhiều lần.
Ngoài ra, nếu thời tiết lạnh, thay đổi đột ngột, thời điểm chuyển mùa, thay đổi các vi sinh vật, xuất hiện các loại virus mới... cũng là một điều kiện thuận lợi gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
Nhà cửa chật chội, ẩm thấp, thiếu vệ sinh, đời sống kinh tế thấp cũng là môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, kết hợp với thói quen sinh hoạt không tốt sẽ làm tăng tốc độ lây lan các mầm bệnh này.
Dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp cấp
Các dấu hiệu thông thường khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp gồm:
- Sốt trên 37.5 độ C.
- Người bệnh chán ăn, nếu là trẻ sẽ bỏ ăn hoặc ít bú.
- Người bệnh mệt mỏi, nếu là trẻ em thì hay quấy khóc, da trở nên xanh hơn.
- Xuất hiện tình trạng ho và kèm theo các dấu hiệu khác: chảy nước mũi, thở khò khè, thậm chí tiêu chảy.
Khi có biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp cấp thì cần nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước và ăn những thức ăn dễ tiêu hoá. Khi sốt trên 38,5 độ C thì cần uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Vệ sinh mũi miệng bằng khăn mềm và nước muối 9‰ hàng ngày. Nếu sốt cao, sốt kéo dài không đáp ứng thuốc hạ sốt, nhất là ở trẻ nhỏ thì cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Ngoài ra, ho nhiều, rối loạn nhịp thở, thở khó khăn, trẻ em bỏ bú, bỏ ăn, nôn nhiều sau ăn… cũng cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
Tóm lại, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có thể được gây nên do virus hoặc vi khuẩn. Bệnh thường gặp ở trẻ em, người cao tuổi và các đối tượng suy giảm miễn dịch.
Để giảm tỷ lệ mắc bệnh cần các biện pháp can thiệp tích cực vào các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc kháng sinh về uống, bởi kháng sinh có thể không cần thiết cho nhiễm khuẩn hô hấp mà nguyên nhân do virus.
Mặt khác, việc sử dụng kháng sinh không có đơn có thể gây hậu quả nghiêm trọng do không đúng liều, đường dùng và ngày dùng, dị ứng thuốc, các tác dụng phụ của thuốc và tăng tình trạng đề kháng kháng sinh.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, gặp vấn đề tiêu hóa, bệnh đường tiêu hóa khi thời tiết thay đổi.
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.