Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ám ảnh' với việc bị sa thải, người trẻ Hàn chỉ cần công việc nhàn hạ

Không nuôi mộng giàu có hay nổi tiếng, hào nhoáng như những ngôi sao K-Pop, giới trẻ Hàn chủ đích tìm kiếm công việc an toàn, tiền lương đều đặn và không phải lo nghĩ khi về già.

Một buổi sáng sớm tại nhà ga Noryangjin (Seoul), đám đông người trẻ vai khoác ba lô, mặc quần thể thao nhanh chóng chạy về phía cổng ra.

Cảnh tượng có phần lạ lẫm với một khu vực không có ngôi trường đại học nằm quanh. Thay vào đó, nơi đây tập trung số lượng lớn các chợ cá và các phòng tổ chức tiệc cưới.

Trong phút chốc, những người trẻ kia đã đứng chật kín đường phố, sẵn sàng tham gia buổi tập luyện tình huống thực tế. Tất cả là học viên đang cố gắng hết sức cho kỳ thi công vụ sắp tới vào ngành cảnh sát - nghề được rất nhiều người trẻ Hàn khát khao.

Cũng như những người có mặt tại đó, Song Ji-hye nuôi mộng trúng tuyển thành công một công việc nhà nước.

Cô gái đã tốt nghiệp đại học từ lâu và nắm trong tay tấm bằng chuyên ngành cảnh sát. Nhưng ở ngưỡng 28 tuổi, Song thực chất chưa từng có việc làm chính thức nào.

ap luc cong viec anh 1
Hình ảnh một giảng viên đang cố truyền đạt các điều cần lưu ý khi làm bài thi vào ngành cảnh sát cho các học viên. Ảnh: SCMP

Những cơ sở như Willbes ngày càng xuất hiện nhiều ở Hàn nhằm phục vụ cho giấc mơ công ăn việc làm ổn định. Người trẻ đất nước này cũng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để “khổ luyện thành tài”.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên tờ South Morning China Post, đề cập đến khát khao của nhiều người trẻ xứ sở kim chi mong mỏi có được một vị trí làm việc an toàn, nhàn hạ để gắn bó suốt đời trong các cơ quan chính phủ.

Cố mọi cách để có việc làm ổn định

Mỗi sáng, Song thức dậy vào lúc 6h sáng trong goshiwon - một loại phòng trọ nhỏ thường được các học viên xa nhà thuê để tiện ôn luyện cho các kỳ thi quan trọng.

“Mỗi sáng, tôi vệ sinh cá nhân chỉ trong vòng 10 phút, còn không buồn trang điểm. Tôi ăn bữa sáng qua loa, đơn giản rồi có mặt tại chỗ học 20 phút sau đó”, Song cho hay.

Tại trung tâm, Song tham gia một loạt lớp học lịch sử, tiếng Anh, luật hình sự, nghiên cứu về nghề cảnh sát.

Một ngày học ở trường của Song thường kéo dài 2 ca liên tiếp, mỗi ca kéo dài 4 tiếng. Việc ôn luyện chỉ tạm kết thúc vào lúc quá nửa đêm, sau khi cô gái đã hoàn thành tiếp 7 tiếng tự học.

Kể cả thời gian nghỉ trưa và ăn tối, Song cũng chỉ cho phép mình tối đa 30 phút. Mọi tập trung, sức lực đều dồn hết cho việc ôn thi.

ap luc cong viec anh 2
Theo học dài lâu tại các trung tâm, các học viên phải bỏ không ít tiền để thuê những căn hộ có kích thước nhỏ, chỉ dành cho một người ở. Ảnh: SCMP.

Khát khao gia nhập lực lượng cảnh sát của Song phản ánh xu hướng văn hóa lâu năm của người Hàn: Tìm kiếm công ăn việc làm ổn định, mức lương đều đặn, không có nguy cơ bị sa thải và lương hưu được đảm bảo.

“Bố mẹ tôi nói rằng kỳ thi vào ngành cảnh sát là cơ hội cuối cùng giúp tôi thành công”, Song cho biết.

Cá nhân cô gái đang nghiêm túc hơn bao giờ hết trong khoảng thời gian ôn luyện.

“Tôi là người hoạt ngôn nhưng để tập trung học hành, tôi hạn chế kết bạn với bất cứ ai ở trung tâm”, Song bày tỏ.

“Thân ai nấy lo” chỉ là một trong những phương pháp giúp cô gái 28 tuổi toàn tâm toàn ý cho thi cử. Song cũng không ở lại trung tâm lâu hơn cần thiết, tránh trò chuyện với những người khác.

“Những người đã vượt qua kỳ thi công chức khuyên tôi buộc phải ích kỷ, nghĩ cho bản thân trong thời gian ôn thi, vì khả năng cao tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại những người cùng lớp tại trung tâm sau này”, Song cho hay.

Không cần lương cao, chỉ cần ổn định, không lo bị sa thải

Lực lượng cảnh sát Hàn Quốc chỉ tuyển dụng 2 lần một năm. Năm ngoái, hơn 170.000 người trong độ tuổi từ 18 đến 40 nộp đơn xin việc và chỉ có vỏn vẹn 7.000 người được nhận. Tỷ lệ thành công ở mức 4%.

Ngoài cảnh sát, các cơ quan hành chính như Hội đồng Thành phố hay Trung tâm Cộng đồng cũng là nơi làm việc đáng mơ ước của nhiều người trẻ. Số lượng người ra trường nộp đơn vào các cơ quan nhà nước tại Hàn ngày một đông đảo.

Năm 2018, lực lượng công chức đón nhận gần 9.000 nhân viên mới, nâng tổng số người làm việc cho chính phủ lên con số 1,1 triệu người.

ap luc cong viec anh 3
Tại Hàn Quốc, nghề cảnh sát được nhiều bạn trẻ khát khao bởi công ăn việc làm ổn định, đảm bảo hưu trí. Ảnh: SCMP

Nhưng việc ôn luyện cho kỳ thi công chức không hề rẻ. Sau khi thi trượt lần đầu, Song buộc phải làm công việc bán thời gian trong hai năm để kiếm tiền tiếp tục học.

Giá thành trung bình để thuê phòng trọ cơ bản nhất quanh khu Song học ở mức 500.000 won (420 USD), còn học phí cũng tốn đến 200.000 won mỗi tháng.

Ngay tại trung tâm Willbes, việc tìm được chỗ ngồi trong khu vực giảng đường có hơn 500 học viên chen chúc không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

“Trong khi những người khác được vui chơi, giải trí vào tối thứ 7 cuối tuần, rất nhiều học viên đứng xếp hàng ngoài trung tâm từ 3h sáng để dành suất đăng ký các lớp học”, Ku Ik-hyn - người đứng đầu trung tâm Willbes, cho hay.

Số lượng sinh viên đứng xếp hàng có thể lên tới 150 người. Nhiều người chịu hy sinh giấc ngủ để kiếm chỗ ngồi ở ngay những hàng ghế đầu, nơi học viên có thể trao đổi với giáo viên và thấy rõ những gì viết trên bảng. Những ngồi chỗ xa hơn hoàn toàn phụ thuộc vào máy chiếu.

Các lớp học tại Willbes luôn đông đúc không phải là điều ngẫu nhiên. “Có đến 80-90% các ứng viên thi đỗ vào lực lượng cảnh sát đều là học viên bước ra từ trung tâm”, ông Ku cho hay.

“Hiện tại, chúng tôi còn tiếp nhận trường hợp một sinh viên mới chỉ 19 tuổi, chưa tốt nghiệp nhưng đã cố thuyết phục cha mẹ đăng ký cho mình đến học. Lý do bởi cô gái không muốn các ứng viên lớn tuổi có nhiều thời gian học hơn và có việc làm trước mình”, vị giám đốc cho biết.

Ám ảnh bởi ‘bóng ma’ khủng hoảng quá khứ

Jung Chul-young - Giáo sư nghiên cứu mảng phát triển lực lượng lao động tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã thay đổi suy nghĩ của nhiều người Hàn Quốc.

Thay vì chỉ nhất quyết theo đuổi đam mê hoặc triển vọng nghề nghiệp, nhiều người trẻ Hàn có xu hướng tìm một công việc an toàn, với mức lương ổn định.

ap luc cong viec anh 4
Ngay cả khi nắm tấm bằng đại học trong tay, thế hệ trẻ Hàn Quốc vẫn tiếp tục lao đầu vào học để kiếm việc làm ổn định. Ảnh: SCMP

Năm 1997, nước này buộc phải nhận khoản cứu trợ 58,4 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để cứu giúp nền kinh tế tuột dốc nghiêm trọng. Sa thải nhân viên, các công ty xin đệ đơn phá sản trở thành câu chuyện hàng ngày của Hàn Quốc trong giai đoạn đó.

Kể từ đó, các công việc tại các tập đoàn lớn hoặc tại chính phủ luôn được ứng viên săn lùng, ai nấy đều có xu hướng tìm một vị trí an toàn, ít rủi ro khi có vấn đề xảy ra.

Nhưng theo ông Jung, hệ thống giáo dục cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm khi quan điểm hạn hẹp này ăn sâu vào ý thức của thế hệ trẻ.

“Giáo dục tại Hàn chỉ tập trung vào kỳ thi đại học Suneung, điều được coi là ngã rẽ thay đổi cuộc sống của hầu hết người Hàn Quốc. Thế hệ trẻ có rất ít cơ hội được tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Nhiều em chỉ biết loanh quanh vài ba địa điểm gồm nhà, trường học và thư viện”, ông Jung kết luận.

Sinh viên Hàn Quốc cũng khá phụ thuộc vào gia đình, họ thường ở chung nhà với cha mẹ đến khi nào phụ huynh nghỉ hưu.

Theo nghiên cứu của Saramin - một trung tâm thông tin việc làm tại Hàn Quốc, các bậc cha mẹ nước này thường khuyên nhủ con cái lựa chọn, cân nhắc các công việc trong nhà nước, chính phủ vì họ tin rằng đấy là lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất.

“Không những phải thay đổi suy nghĩ của thế hệ trẻ, quan niệm của phụ huynh về nghề nghiệp cũng cần đổi mới”, ông Jung cho biết.

Còn với Song, cô chỉ còn có 3 tháng nữa để cố gắng cho kỳ thi vào ngành cảnh sát.

“Tất cả những gì tôi mong mỏi là có thể biếu cha mẹ chút tiền và mua quà tặng họ như những người bạn có công ăn việc làm của tôi thường làm. Có lúc tôi cảm thấy đây thực chất là gánh nặng, cảm giác vừa biết ơn vừa tiếc nuối cứ bám lấy tôi”, Song chia sẻ.

Nói đoạn, cô gái 28 tuổi cất điện thoại vào ngăn bàn, rồi lại tiếp tục “vùi đầu” vào những tập giấy ghi nhớ dày cộp đến khi không thể chống đỡ cơn buồn ngủ.

Trọng bằng cấp, người trẻ Hàn mắc kẹt trong 'vòng xoáy' thi cử

Kỳ thi đại học khốc liệt không phải là "cuộc chiến" duy nhất mà người trẻ Hàn cần "chiến thắng" để có tương lai rộng mở. Ngược lại, áp lực học hành, thi cử càng gay gắt hơn.




Trà My

Bạn có thể quan tâm