Nhiều người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm bất chấp trên trang cá nhân, để rồi sự việc phanh phui lại xóa bài và xin lỗi. Ảnh minh họa: New York Times. |
Nhiều nghệ sĩ, KOL quảng cáo thực phẩm chức năng, kem trộn, kẹo giảm cân... trước nay vốn không hiếm dù liên tục vấp phải nhiều chỉ trích. Công thức chung thường thấy là sau khi bị bóc mẽ, họ xóa bài đăng, lên bài xin lỗi.
Tuy nhiên, lời xin lỗi không thể đổi lại sức khỏe người dùng, người hâm mộ đã tin tưởng và mua theo các sản phẩm "lố" mà họ giới thiệu.
"Trên mạng, tôi thấy có một kiểu KOL là họ không biết gì nhưng nghĩ mình biết tất cả. Đó là điều nguy hiểm nhất. Họ có thể bị một số thương hiệu lợi dụng để bán hàng, quảng cáo các sản phẩm mà ngay chính họ cũng chưa hiểu rõ về nó. Điều này rất gây hại tới người dân", PGS.TS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nói với Tri Thức - Znews.
Chuyên gia đánh giá sự xuất hiện của các KOL là một điều tích cực, giúp người dân tiếp cận nhiều thông tin hơn. Đây là một điều tiến bộ hơn nhiều so với trước đây.
Tuy nhiên, không phải KOL nào cũng có đủ kiến thức và nhận thức về những chủ đề mình nói hay sản phẩm mình quảng cáo.
Tin nào gây sốc đều lan rất nhanh
Trước thực tế hàng loạt KOC, KOL, nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo quá lố các sản phẩm bổ sung, sữa tăng cân, thuốc tăng chiều cao, thuốc điều trị tiểu đường, đau xương khớp… TS.BS Phạm Lê Duy, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay việc quảng cáo thuốc điều trị bệnh là không được phép, kể cả bác sĩ.
KOC, KOL hay bất kỳ người nào trên mạng xã hội cũng không được quảng cáo sai sự thật về chức năng của sản phẩm. Cơ quan chức năng sẽ phạt những quảng cáo sai sự thật.
Trên mạng, tôi thấy có một kiểu KOL là họ không biết gì nhưng nghĩ mình biết tất cả. Đó là điều nguy hiểm nhất
PGS.TS Lê Thái Vân Thanh
Với quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, bác sĩ hoặc bất kỳ người nổi tiếng nào đều có quyền thực hiện, nhưng không được tâng bốc sản phẩm một cách quá lố.
Với những kiến thức chăm sóc sức khỏe phổ thông, không nhất thiết phải bác sĩ mới chia sẻ được, người dân bình thường cũng có thể nói được. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là độ chính xác của thông tin đó.
Thông tin về sức khỏe, khi bác sĩ nói, thì sẽ có độ tin cậy cao hơn. Còn không phải là bác sĩ, nhân viên y tế mà truyền tải thông tin y khoa thì cần phải thực sự cẩn thận và người đó phải có kiến thức sâu rộng, chính xác mới nói được.
"Mọi người cần hiểu rằng không có thông tin nào đúng với số đông. Trong y học luôn hướng đến cá nhân hoá. Không thể cứ nghe đâu đó rồi đi truyền đạt cho người khác, lan tỏa trong cộng đồng là rất nguy hiểm”, bác sĩ Duy cho hay.
Nhiều sản phẩm trị bệnh, thực phẩm chức năng được người nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội. Ảnh: Thanh Thương. |
"Một thực tế đáng buồn là những thông tin gây sốc, sai lầm lại được lan truyền rất nhanh. Đặc biệt, các phương pháp chữa bệnh đi ngược với số đông lại được lan truyền nhanh hơn nữa vì thấy lạ, hay dù chưa được kiểm chứng khoa học. Theo hiệu ứng đám đông, nhiều người chia sẻ thì những người khác dễ có tâm lý tin tưởng theo đó là kiến thức đúng", anh đánh giá.
Bên cạnh đó, có không ít người không phải bác sĩ mà nói mình là bác sĩ để quảng cáo, việc này là sai, không cần bàn cãi.
Không thể cứ nghe đâu đó rồi đi truyền đạt cho người khác, lan tỏa trong cộng đồng là rất nguy hiểm
TS.BS Phạm Lê Duy, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM
Một số ít bác sĩ khác dùng mạng xã hội với mục đích kiếm tiền, nên việc đưa thông tin dựa trên lợi ích kinh tế. Đó là lý do mà tiếng nói của cán bộ y tế còn quá yếu trên mạng xã hội.
“Tôi mong sao các bác sĩ chân chính, giỏi kiến thức, giàu kinh nghiệm, thực hành đúng trên chứng cứ sẽ có tiếng nói trên mạng xã hội để đính chính thông tin sai lầm và cung cấp thông tin chính xác cho người dân”, tiến sĩ Duy chia sẻ.
"Đừng thần tượng KOL quá, họ nói gì cũng nghe"
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thực chất, việc quảng cáo trên mạng xã hội là quyền của mỗi cá nhân.
"Nói như vậy không phải họ được phép quảng cáo lố, quảng cáo lố rõ ràng là sai. Trước những lời quảng cáo trên mạng xã hội dù đến từ bất kỳ ai, người dân cần tỉnh táo để xem xét mức độ chính xác của thông tin và độ phù hợp với sản phẩm", bác sĩ Khanh khuyên.
Người tiêu dùng cần bớt thần tượng KOL, người nổi tiếng, bớt xem họ là ông hoàng bà thánh để nói gì cũng nghe
Theo nhà truyền thông mạng xã hội Nguyễn Ngọc Long
Theo nhà truyền thông mạng xã hội Nguyễn Ngọc Long, nhiều người tiêu dùng hiện nay chọn tin vào người nổi tiếng, KOL thay vì tin thương hiệu, đơn giản mọi người luôn có cảm giác thương hiệu đang cố gắng dắt mũi, lùa gà, tìm cách móc tiền mình.
Mặt khác, KOL, người nổi tiếng trong mắt người tiêu dùng lại là những nhân vật kề cạnh, quen thuộc với cuộc sống, thường xuyên chia sẻ nhiều kiến thức và quan điểm sống nên sẽ họ cảm giác đáng tin hơn.
Để không bị dắt mũi, theo cô Long, người tiêu dùng cần bớt thần tượng KOL, người nổi tiếng, "bớt xem họ là ông hoàng bà thánh để nói gì cũng nghe". Từ suy nghĩ này, mọi người khi mua hàng từ người nổi tiếng luôn phải có ý thức kiểm tra thông tin về sản phẩm, nhãn hàng trước khi mua.
“Sau khi tìm kiếm thông tin trên các công cụ tìm kiếm, người tiêu dùng cần đọc kỹ nhận xét, xem xét nhận xét được đăng ở đâu, mức độ uy tín của trang web…”, cô Long cho biết.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần chú ý đến các đánh giá một sao, đánh giá yếu kém để biết điểm yếu của sản phẩm cũng như phản hồi từ thương hiệu. Điều quan trọng, người tiêu dùng luôn phải có tư duy ngược để tìm hiểu sâu cũng như có cái nhìn đúng đối với sản phẩm.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.