Bác sĩ Trương Hữu Khanh trong một buổi tư vấn sức khỏe cho người dân do Tri Thức - Znews tổ chức. Ảnh: Phương Lâm. |
Sự bùng nổ của mạng xã hội kéo theo trào lưu làm “người nổi tiếng”, từ đó xuất hiện các ngành nghề mới như KOC (người tiêu dùng chuyên đánh giá sản phẩm) , KOL (cá nhân được đánh giá cao về chuyên môn), gần đây là KOS (người bán hàng chuyên nghiệp).
Giới chuyên môn lĩnh vực y khoa cũng không nằm ngoài xu thế này. Họ trở thành KOL nổi tiếng, tức cá nhân được tin cậy và tôn trọng bởi danh tiếng và chuyên môn.
Tri Thức - Znews trò chuyện với 3 bác sĩ nổi tiếng trên mạng xã hội về lĩnh vực Bệnh truyền nhiễm - nhi khoa, Hen - Dị ứng miễn dịch lâm sàng và Nam khoa - giới tính, để tìm hiểu câu chuyện của họ khi trở thành idol mạng.
"Tôi vô tình nổi tiếng"
Những bà mẹ bỉm sữa biết đến bác sĩ nhi đồng Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thông qua các chia sẻ của ông về việc tư vấn, phản biện thông tin lan truyền sai sự thật.
Người khác đánh giá như thế nào về sự nổi tiếng của tôi, tôi không rõ. Nhưng với tôi, đó là sự vô tình, tự nhiên nó đến
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Sở hữu các trang mạng xã hội với tổng cộng gần 1.000.000 người theo dõi, bác sĩ Khanh cho biết mình chưa bao giờ có ý định sẽ làm gì đó để nhiều người biết đến. Sự nổi tiếng của ông chỉ là vô tình.
Khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, ông đã đưa ra những ý kiến chuyên môn, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn để góp phần định hướng chiến lược chống dịch. Thời điểm đó, nhiều người gọi ông là bác sĩ “chuyên đi ngược”, vì thường xuyên đưa ra quan điểm phản biện cơ quan chức năng.
“Người khác đánh giá như thế nào về sự nổi tiếng của tôi, tôi không rõ. Nhưng với tôi, đó là sự vô tình, tự nhiên nó đến”, bác sĩ Khanh nói.
Trong thời đại mạng xã hội phát triển, nhiều người làm idol mạng rồi cũng quảng cáo các sản phẩm. Theo bác sĩ Khanh, việc quảng cáo trên mạng xã hội là quyền của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, ông lưu ý, trừ cơ quan chức năng, chuyên gia, những người khác rất khó để khẳng định sản phẩm họ quảng cáo là không uy tín.
Quyết định thành KOL vì bức xúc
Với tổng cộng hơn 44.000 người theo dõi trên mạng xã hội, TS.BS Phạm Lê Duy, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, tận dụng các nền tảng để chia sẻ những kiến thức y khoa cho cộng đồng.
Bác sĩ Phạm Lê Duy tham gia các lớp học để nâng cao chuyên môn. Ảnh: BSCC. |
Anh Duy cho hay lúc trước chỉ sử dụng mạng xã hội vì mục đích cá nhân, liên lạc với bạn bè, người thân khi ở xa không gặp được. Tuy nhiên, trong quá trình lướt mạng, anh xem được một số thông tin chia sẻ về kiến thức y khoa từ những người không thuộc ngành y, không được đào tạo ngành y bài bản.
“Họ tự thu thập kiến thức ở đâu đó, rồi chia sẻ lên mạng những thông tin y khoa thiếu chính xác, có thể gây hại tới người nghe theo”, bác sĩ Duy chia sẻ.
Ví dụ, đợt Covid-19 vừa qua, có nhiều thông tin thiếu chính xác, khiến mọi người hoang mang, gây ảnh hưởng tới sức khỏe như hít dầu gió để trị Covid-19.
Họ tự thu thập kiến thức ở đâu đó, rồi chia sẻ lên mạng những thông tin y khoa thiếu chính xác
TS.BS Phạm Lê Duy
Từ đó, anh Duy quyết định chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội nhiều hơn, phản biện những thông tin sai lệch. Bác sĩ Duy cho rằng truyền tải thông tin đúng cũng là trách nhiệm xã hội của bác sĩ.
“Tôi nghĩ rằng mạng xã hội có thể lan truyền những thông tin sai lệch, thì bác sĩ cũng có thể sử dụng mạng xã hội để cung cấp, lan truyền những thông tin y khoa chính xác, đáng tin cậy cho cộng đồng”, bác sĩ Duy nói.
Nhiều người làm nội dung sức khỏe mà không có chuyên môn
Khi tu nghiệp ở Mỹ, ThS.BS Lê Vũ Tân, khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), có tham gia nhiều buổi workshop về việc xây dựng hình ảnh bác sĩ nam khoa.
“Bên cạnh trau dồi chuyên môn, các bác sĩ ở Mỹ còn được học cách làm truyền thông trên các kênh mạng xã hội. Việc chia sẻ kiến thức chuyên môn qua các những kênh này không chỉ mở rộng hiểu biết của những người xung quanh về chuyên ngành của mình mà còn giúp xây dựng thương hiệu cá nhân của chính bác sĩ”, anh cho hay.
Nhiều người vẫn lên mạng làm nội dung sức khỏe dù không hề có kiến thức chuyên môn
Bác sĩ Lê Vũ Tân
Thời điểm quyết định chọn nền tảng mạng xã hội mới, thuần về giải trí, lựa chọn làm nội dung chuyên sâu về y khoa của bác sĩ Tân có vẻ khó tiếp cận. Không bỏ cuộc, nam bác sĩ khéo léo trò chuyện trước ống kính theo lối gần gũi, vui nhộn để khán giả có thể dễ dàng tiếp cận.
“Các kiến thức chuyên môn của tôi như quan hệ tình dục an toàn, nam khoa, bệnh xã hội… ở Việt Nam được xem là hơi tế nhị và khó được tiếp nhận. Bằng cách làm nội dung gần gũi, hài hước, chúng tôi có thể khéo léo truyền tải kiến thức mà không quá dung tục hay phô trương, được rất nhiều khán giả ủng hộ”, bác sĩ Tân chia sẻ.
Bác sĩ Lê Vũ Tân truyền tải kiến thức chuyên môn khô khan, tế nhị thông qua nhiều clip thực tế, gần gũi, hài hước. Ảnh: BSCC. |
Trong thời điểm mạng xã hội phát triển như hiện nay, nhiều người vẫn lên mạng làm nội dung sức khỏe dù không hề có kiến thức chuyên môn, dẫn đến nhiều người dân bị dắt mũi. Chính bác sĩ Tân cũng gặp không ít phản ứng trái chiều những ngày đầu làm kênh vì nội dung đưa ra khác với những gì một số người lâu nay vẫn biết.
“Mục tiêu chính của bác sĩ khi làm nội dung trên mạng xã hội là lan tỏa kiến thức đúng đến cộng đồng. Mọi người không nên vì ngại ảnh hưởng đến kênh hoặc động chạm đến một số cá nhân, thương hiệu mà hùa vào hay im lặng trước những hiểu sai của xã hội”, anh nhấn mạnh.
Có chín loại người có năng lực quyến rũ trên thế giới. Trong đó, Mỹ Nhân Ngư thể hiện cho nguồn năng lượng nhục dục dồi dào và họ biết cách tận dụng nó như thế nào. Kẻ Ăn Chơi Phóng Đãng lại cho thấy một niềm đam mê vô độ đối với kẻ khác phái và nỗi khát khao của họ có thể lây nhiễm sang người khác. Người Tình Lý Tưởng lại có thể cảm nhận sâu sắc rằng chính họ tạo ra sự lãng mạn. Người Thích Ăn Diện lại mê đắm trong hình ảnh của chính mình, tạo nên sức quyến rũ ái nam ái nữ đầy ấn tượng...